Nguyên nhân chính khiến dịch tả heo châu Phi bùng phát tại Ninh Bình được xác định là do chủ hộ chăn nuôi cho đàn lợn sử dụng thức ăn thừa (xúc xích) chưa qua xử lý nhiệt.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch - Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết tỉnh này đã công bố có dịch tả heo châu Phi trên địa bàn sau khi phát hiện ổ dịch tại xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư. Nguyên nhân chính được xác định chủ hộ chăn nuôi cho đàn heo sử dụng thức ăn thừa (xúc xích) chưa qua xử lý nhiệt.
Ngay sau khi công bố dịch, huyện Hoa Lư đã thành lập 6 chốt kiểm dịch động vật liên ngành trực 24/7 để phòng chống dịch bệnh, đồng thời ban hành công điện khẩn yêu cầu các xã, thị trấn trên địa bàn huyện triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch.
Để chặn dịch lây lan, UBND huyện Hoa Lư đã mua 45 tấn vôi tiêu độc khử trùng, trong đó 20 tấn vôi và 400 lít hóa chất được sử dụng cho xã Ninh Khang, số còn lại được khử trùng tại các xã lân cận.
Hiện toàn tỉnh có 18 chốt kiểm dịch động vật, gồm 3 chốt do UBND tỉnh thành lập (chốt cầu Khuất tại xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn; chốt cầu Non Nước tại P.Đông Thành, TP.Ninh Bình; chốt Dốc Xây, P.Nam Sơn, TP.Tam Điệp), 11 chốt do UBND các huyện thành lập, 4 chốt kiểm dịch cấp xã.
Trong số 18 chốt kiểm dịch trên địa bàn, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã tham gia 3/3 chốt kiểm dịch cấp tỉnh, 6/11 chốt kiểm dịch cấp huyện và 2 đoàn kiểm tra lưu động. Các chốt kiểm dịch thực hiện chế độ trực luân phiên, đảm bảo trực 24/24.
Đáng lưu ý là sau 11 ngày kể từ khi phát hiện ổ dịch đầu tiên ở huyện Hoa Lư, đến nay Ninh Bình không phát sinh ổ dịch mới nhưng vẫn không thể chủ quan do tỉnh này tỉnh có nhiều khu điểm du lịch thu hút lượng khách du lịch khá lớn đến thăm quan, lại nằm kề cận nhiều tỉnh có đàn lợn nhiễm dịch tả heo châu Phi.
Theo ông Bùi Văn Quý, quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Ninh Bình, để chủ động theo dõi, nắm tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn, Cục Quản lý thị trường đã yêu cầu các đội quản lý thị trường thường xuyên nắm bắt tình hình tại địa phương, kịp thời báo cáo về Cục khi có bất thường; yêu cầu các cán bộ trực tại các chốt thường xuyên trực tại chốt, kịp thời tổng hợp, báo cáo tình hình tại chốt theo chế độ báo cáo ngày.
Tính đến ngày 18.3, tại 3 chốt kiểm dịch do tỉnh thành lập đã kiểm tra 74 phương tiện chở gia súc, gia cầm. Trong đó có 72 phương tiện có giấy kiểm dịch, tiến hành phun khử trùng và tiêu độc khi qua chốt, 1 phương tiện không có giấy kiểm dịch, các lực lượng tại chốt đã yêu cầu quay trở lại; 1 phương tiện không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của lực lượng chức năng. Các phương tiện chở tổng số 36.750 con gia súc, gia cầm, trong đó có 11.498 con lợn, 1.927 con trâu/bò, 120 con dê và 23.205 con vịt/gà.
Tuyết Nhung