PGS-TS Trần Đình Thiên cho rằng “giá điện cao chưa chết nhưng mất điện thì chết” và đề nghị giá điện phải theo nguyên lý thị trường thay vì bao cấp.

‘Giá điện cao chưa chết nhưng mất điện thì chết’ và ‘bẫy công nghệ’ từ giá điện thấp

Lam Thanh | 01/11/2023, 09:55

PGS-TS Trần Đình Thiên cho rằng “giá điện cao chưa chết nhưng mất điện thì chết” và đề nghị giá điện phải theo nguyên lý thị trường thay vì bao cấp.

Giá điện cao chưa chết nhưng mất điện thì chết

Tại toạ đàm về giá điện do Cổng TTĐT Chính phủ vừa tổ chức, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng cách hỗ trợ giá điện của Việt Nam như hiện nay đang có vấn đề.

Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến giá điện thực tế. Giá điện phải đảm bảo được khâu sản xuất điện còn phần hỗ trợ của Nhà nước phải tách riêng ra vào phần an sinh xã hội. Tính bao cấp sẽ làm hỏng cơ chế thị trường.

Ông Thiên nhấn mạnh phải để mức độ giá điện cân bằng, cạnh tranh với thế giới, không thể đầu vào cao mà giá thấp. Giá điện phải đúng để đảm bảo cân bằng sản xuất và tiêu dùng.

PGS-TS Trần Đình Thiên cũng nêu quan điểm: “Chúng ta không thể duy trì một mức giá bao cấp được, mức giá rất thấp so với chi phí hiện nay. Sự chênh lệch này dẫn đến ngành điện (tức phía cung) không thể đầu tư sản xuất được, thực tế này diễn ra ở Việt Nam bao nhiêu năm nay, rất khổ sở”, ông Thiên nêu và nhấn mạnh “nguyên lý thị trường phải là nguyên lý chi phối, dẫn dắt, chứ không phải là nguyên lý bao cấp”.

thien.jpeg
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Theo đó, giữa giá điện thị trường và hỗ trợ cho nhóm xã hội có thu nhập thấp, hai chuyện này tách bạch ra càng rõ càng tốt. Khi đó EVN và các đơn vị không phải gánh lỗ và có nguy cơ phá sản như hiện nay.

“Như tôi đã có lần nói, "giá điện cao chưa chết nhưng mất điện thì chết", không có điện mới gay go”, ông Thiên nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo ông Thiên, nếu cứ duy trì giá điện thấp như hiện nay có khả năng ta đang tạo ra bẫy công nghệ, tức là chỉ nhắm đến những nhà đầu tư công nghệ lạc hậu, tiêu dùng điện tốn kém thì ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế chung.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính chia sẻ, cơ cấu điện hiện nay có nhiệt điện, thủy điện và các cơ cấu nguồn khác, trong đó rẻ nhất là thủy điện (chiếm 28%) còn lại là nguồn điện giá thành cao. Nhất là nhiệt điện nhập khẩu nguyên liệu đầu vào như: than, dầu, khí không thể có giá thấp được.

Ví dụ như giai đoạn thủy điện xuống mực nước thấp thì phải huy động nguồn giá cao để đảm bảo nhu cầu của cả nền kinh tế. Còn nếu tính đúng thì khi sử dụng dầu sản xuất điện thì giá thành điện sẽ lên đến 5.800 đ/kWh, than khoảng 2.500 - 2.800 đ/kWh.

thoa.jpeg
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính

Theo ông Thoả, đối với những đối tượng yếu thế thì Nhà nước có thể xem xét cách hỗ trợ khác như hỗ trợ ngoài tiền điện để mọi người dân đều có thể được sử dụng điện.

“Tôi đồng tình rằng chúng ta luôn luôn nên nói "giá điện hợp lý" thì chúng ta sẽ đạt được nhiều mục tiêu mà chúng ta mong muốn để phát triển”, ông Thoả nói.

Mô hình nào cho giá điện?

Ông Hà Đăng Sơn, chuyên gia năng lượng cho hay trên thế giới có nhiều mô hình định giá cho giá điện. Một số quốc gia có lợi thế về cung ứng năng lượng họ luôn luôn là các nước xuất siêu về mặt năng lượng. Thông thường họ rất dễ dàng để đưa ra các cơ chế giá mang tính chất để ổn định kinh tế xã hội, đáp ứng các mục tiêu trong câu chuyện dân sinh xã hội. Ví dụ như Brunei hay các nước Trung Đông, hầu như giá năng lượng của họ rất thấp.

Mô hình tiếp theo là các nước phát triển, họ sử dụng công cụ giá là công cụ để điều tiết kinh tế cũng như thay đổi hành vi người tiêu dùng. Do đó, rất nhiều quốc gia họ định giá với mực độ thả nổi theo thị trường hoặc họ đưa ra những hợp đồng với tính chất có kỳ hạn và tương đối dài hạn nhưng với mức giá khá cao.

“Rõ ràng khi người tiêu dùng chi trả với mức giá cao, kể cả trong trường hợp không thay đổi theo thời gian thì ý thức tiêu dùng về năng lượng của người dân cũng bị điều chỉnh bởi yếu tố giá. Do đó, họ không phải đối mặt với câu chuyện liên quan đến vấn đề điện thay đổi hay chi phí đầu vào thay đổi thì sẽ thực hiện như thế nào”, ông Sơn nói.

son.jpeg
Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn

Dẫn ví dụ nước Đức, ông Sơn cho biết họ đã duy trì một thời gian dài cơ chế giá điện bán cho các hộ gia đình ở mức độ trung bình thì phần mua điện đầu vào chỉ chiếm 1/4 chi phí người dân phải chi trả. Phần còn lại liên quan đến chi phí truyền tải, phụ trợ, trợ giá cho năng lượng tái tạo và một loạt các loại thuế. Như vậy chi phí người dân phải trả rất là cao. Các nước phát triển họ sử dụng công cụ giá thì lúc đó mô hình sẽ đơn giản hơn.

Một nước gần Việt Nam như Singapore chẳng hạn, họ có sử dụng cơ chế là Ban đại diện cạnh tranh. Họ cho các công ty tư nhân thoải mái chào các gói giá điện khác nhau.

Tuy nhiên, vừa rồi trong giai đoạn khủng hoảng năng lượng, với chi phí đầu vào nhiên liệu rất cao, Singapore cũng gặp khủng hoảng lớn về cung ứng năng lượng và hầu như các công ty cung ứng điện nhỏ lẻ đều bị đóng cửa, họ không thể tiếp tục kinh doanh được.

“An ninh năng lượng của Singapore hoàn toàn phụ thuộc vào các công ty có phần vốn nhà nước điều tiết, đây là vai trò có cái gì đó tương tự như chúng ta. Khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn bởi biến động bên ngoài tác động thì vai trò của công ty mà do Nhà nước điều tiết quản lý sẽ cực kỳ quan trọng”, ông Sơn nêu.

Quay lại một số quốc gia khác, ví dụ như Hàn Quốc cũng tương đối giống chúng ta là các giá điện trong công nghiệp họ áp dụng các hợp động khác và trong này cũng khác với Việt Nam là họ áp các gói giá công suất tức là kể cả không dùng nhưng cũng phải chi trả cho công suất đấy vì là một khách hàng đã cam kết.

Ngoài ra đối với hộ gia đình họ cũng đang áp dụng giá điện bậc thang, điều này khá tương đồng với Việt Nam, tuy nhiên mức giá cao hơn rất là nhiều.

“Thách thức lớn nhất của chúng ta khi chúng ta hòa nhập với thị trường năng lượng thế giới thì chúng ta cũng phải chấp nhận câu chuyện cung cầu năng lượng trên thế giới, giá cả thế giới biến động và chi phí đầu vào cho năng lượng cũng như sản xuất điện năng của chúng ta nó cũng sẽ thay đổi rất lớn”, ông Sơn nêu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Giá điện cao chưa chết nhưng mất điện thì chết’ và ‘bẫy công nghệ’ từ giá điện thấp