Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường tại TP.HCM đều đã cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết, đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm…

Giá cả hàng hóa tại TP.HCM sẽ bình ổn dịp Tết Nguyên đán 2017

Phan Diệu | 01/11/2016, 18:27

Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường tại TP.HCM đều đã cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết, đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm…

Theo Sở Công Thương TP.HCM, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán chỉ cách nhau gần 1 tháng, thời gian nghỉ Tết dài ngày, do đó nhu cầu mua sắm tết sẽ tăng đột biến ngay sau Tết Dương lịch.

Công tác khảo sát thị trường, kiểm tra các doanh nghiệp về khả năng cung ứng nguồn hàng chuẩn bị phục vụ Tết cho thấy các đơn vị đã có sự chuẩn bị chu đáo, nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, hệ thống phân phối phủ rộng… Sở Công Thương dự báo giá cả hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm tết sẽ ổn định, khó xảy ra tình trạng biến động về giá.

Theo kế hoạch của Sở Công Thương TP.HCM, hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng cho người tiêu dùng thành phố chủ yếu từ 3 nguồn chính gồm: các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, chiếm từ 30-40% thị phần; các chợ đầu mối chiếm 60-70% thị phần; các đơn vị khác chiếm 10-20% thị phần.

Theo đó, vốn màcác doanh nghiệp chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng tết khoảng17.068 tỉ đồng, tăng 860 tỉ đồng so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Bính Thân 2016, trong đó giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 6.851 tỉ đồng.

Lượng hàng chuẩn bị tăng 15-20% so kế hoạch thành phố giao và tăng 25-45% so kết quả thực hiện Tết Bính Thân 2016. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 35-52% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm (chiếm 59,6%), đường (43,4%), trứng gia cầm (48%), thực phẩm chế biến (38,3%), thịt gia súc (35,5%), dầu ăn (34,5%), gạo (33,3%)…

Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết từ ngày 29.12.2016 đến 27.1.2017 (từ ngày 1 đến 30.12 âm lịch), tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 9.704 tỉ đồng; trong đó hàng bình ổn thị trường là 3.764 tỉ đồng.

Tại 3 chợ đầu mối, lượng hàng hóa nhập chợ bình quân trên 8.500 tấn/ngày chủ yếu là các mặt hàng nông sản, rau củ quả, thịt gia súc, thủy hải sản, chiếm khoảng 60-70% thị trường. Dự kiến, vào thời điểm cận Tết, lượng hàng về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 15.000-16.000 tấn/ngày.

Các đơn vị khác gồm các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết với số lượng tăng từ 2-3 lần so với tháng thường.

Về giá cả hàng hóa phục vụ Tết, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường đều đã cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết, đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm…

Không những vậy, trong tháng cận Tết nhằm kích thích mua sắm tiêu dùng, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố sẽ thực hiện hơn 1.500 đợt khuyến mãi, tập trung vào các mặt hàng tết như: nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo… giá trị khoảng 1.200 tỉ đồng.

Trước đó, UBND TP.HCM đã có văn bản giao Sở Công Thương TP.HCM tham mưu kế hoạch kiểm tra kinh doanh đảm bảo bình ổn giá trước, trong và sau Tết Đinh Dậu 2017 đối với các mặt hàng thiết yếu trên thị trường địa bàn TP.HCM.

Trong khi đó, nhằm tổ chức triển khai và thực hiện có hiệu quả các chương trình bình ổn thị trường năm 2016 - Tết Đinh Dậu 2017, Sở Công Thương TP.HCM cho biết sẽ tập trung một số giải pháp trọng tâm như xây dựng và triển khai kế hoạch cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu Tết Đinh Dậu 2017 trên địa bàn TP.HCM.

Trọng tâm là tập trung công tác chuẩn bị nguồn hàng, đảm bảo cung cầu hàng hóa tháng cao điểm Tết Đinh Dậu 2017; công tác phát triển điểm bán; kiểm tra, kiểm soát; theo dõi, nắm chắc tình hình diễn biến thị trường; công tác kết nối cung - cầu, hỗ trợ lưu thông hàng hóa…

Đồng thời, Sở Công Thương sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định chương trình, điểm bán, quản lý hàng hóa, giá cả, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tổ chức triển lãm hàng gian, hàng giả để người tiêu dùng phân biệt, nhận biết được hàng gian, hàng giả...

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá cả hàng hóa tại TP.HCM sẽ bình ổn dịp Tết Nguyên đán 2017