Giáo sư Phan Huy Lê là nhà sử học được nhiều người kính trọng. Năm 1990, trong một bữa cơm tại gia, khi nhắc tới những người trong giới học thuật, bác Hoàng Xuân Hãn nói với bác gái và tôi rằng “anh ấy (Phan Huy Lê) từ trẻ đã làm việc cẩn trọng!”. Bác Hãn là người bằng khảo cứu của mình cho rằng cụ Phan Huy Ích là tác giả của Chinh phụ ngâm khúc diễn ca, vốn thường được cho là của bà Đoàn Thị Điểm.

Ghi lại từ những buổi tiếp xúc trực tiếp Giáo sư Phan Huy Lê 30 năm trước

25/06/2018, 08:55

Giáo sư Phan Huy Lê là nhà sử học được nhiều người kính trọng. Năm 1990, trong một bữa cơm tại gia, khi nhắc tới những người trong giới học thuật, bác Hoàng Xuân Hãn nói với bác gái và tôi rằng “anh ấy (Phan Huy Lê) từ trẻ đã làm việc cẩn trọng!”. Bác Hãn là người bằng khảo cứu của mình cho rằng cụ Phan Huy Ích là tác giả của Chinh phụ ngâm khúc diễn ca, vốn thường được cho là của bà Đoàn Thị Điểm.

Giáo sư Phan Huy Lê - Ảnh: Internet

Ba mươi năm trước, lần đầu tiên được tiếp xúc với ông Phan Huy Lê tại Paris, ấn tượng trong tôi về ông là một người chăm chút và chừng mực. Sự quý trọng của các giáo sư Langlet và Lê Thành Khôi dành cho GS Phan Huy Lê hẳn phải có căn nguyên. Những dòng này viết về ông không đi từ những bài viết khác hay từ ý kiến của những người đáng kính, mà từ sự tiếp xúc trực tiếp và tinh khôi của ông với tôi, người rất vui vì đôi lần được ông gọi “người bạn trẻ”, một người không trong chuyên môn và tuổi đời vào hàng môn đệ của ông. Những chữ để trong dấu ngoặc kép được chép lại từ lời ông nói.

Theo những gì được nghe trực tiếp từ ông, tôi hiểu và cảm nhận về các đóng góp và tính cách của ông như sau:

1) Về công mở cõi của các chúa Nguyễn: Nêu lên công lao của các chúa Nguyễn trong việc mang lại cho dân Việt một phần lãnh thổ bằng phân nửa diện tích nước Việt Nam hiện nay. Chú ý rằng tham vọng lãnh thổ trong thời hiện nay là không văn minh, nhưng thời bốn năm trăm năm trước thì đó là công lao rất lớn đối với tổ quốc, nhất là vùng đất Nam Bộ khi đó là đất trống, do người Minh Hương hợp sức cùng người Việt khai phá chứ không phải do chiến tranh cướp đất.

Các ràng buộc định hướng lúc đó cho ông rất ít không gian nghiên cứu và công bố đề tài này. Phải là một trí thức trung thực, tha thiết với học thuật và có vị trí mới có thể dấn bước vào con đường này. Ông Phan Huy Lê cho rằng Nam Bộ không chỉ là đất đai, “mà là một không gian sống và không gian phát triển của người Việt. Chúa Nguyễn, nhờ phương thức sản xuất nông nghiệp tiến bộ phù hợp với lòng dân và trình độ sản xuất thời đó, đã xây dựng nơi đây thành căn cứ địa để đánh bại Tây Sơn, thống nhất giang sơn và đưa Việt Nam vào nấc thang phát triển mới”. Việc mất nước về tay Pháp sau đó là việc khác. Quan điểm này của ông gần với quan điểm của ông Ngô Đình Nhu, một trí thức đặc biệt, bạn học với bác Hoàng Xuân Hãn.

Ông Phan Huy Lê nói rằng đời ông, cố gắng lắm ông chỉ làm được bao nhiêu đó (vào thời điểm 30 năm trước). Ông hy vọng các phương pháp khoa học và tiến bộ trong nghiên cứu lịch sử sẽ được áp dụng để giúp vào “viết lịch sử một cách khách quan”. “Viết sử là việc của nhà chuyên môn, đọc sử là của dân chúng. Càng có nhiều người trong dân đọc và nhận xét sử, lịch sử càng được viết khách quan”.

2) Về văn minh Miền Nam vốn xuất phát từ văn minh Đàng Trong ở Miền Trung, sau đó mở rộng ra và kết hợp với văn minh gốc Hoa, gốc Nam Á và sau này văn minh Tây phương, hình thành văn minh đặc sắc Nam Bộ. Khi vào TP.HCM, ông “dù chưa nghiên cứu đủ cũng nhận thấy văn minh nơi này chứa những nét đặc sắc, thoát ly nhưng vẫn còn những thành tố gốc gác văn minh sông Hồng. Có lẽ nên có một hướng nghiên cứu kinh tế - xã hội so sánh Đàng Trong với Đàng Ngoài để hiểu nguyên do sự bền bỉ của gốc gác ấy. Sự bền bỉ đó có liên quan gì tới sự bền bỉ của dân tộc này qua ngàn năm Bắc thuộc?”. Học giả Hoàng Xuân Hãn tán thưởng quan điểm này của ông. Với tôi, câu nói của ông có giá trị “điểm nhãn”, mở ra những cánh cửa đón ánh sáng. Nó cũng nhắc nhở tôi rằng sự tổng hợp và đồng quy kiến thức quan trọng thế nào cho một công trình nghiên cứu lớn.

3) Một người nhẹ nhàng, cân nhắc trong giao tiếp. Đó là khoảng thời gian 1989 – 1991, khi các nước Đông Âu như Romania, Tiệp Khắc, Hungary... từng nước từng nước chuyển sang mô hình các nước phương Tây. Trong khi giáo sư Phan Đình Diệu bày tỏ rõ rệt ý kiến nhiệt thành ủng hộ Việt Nam theo bước các nước Đông Âu, giáo sư Phan Huy Lê lại kín đáo một cách trung dung: “Văn hóa, xã hội nước mình khác, chắc bước đi cũng phải khác người ta!”. Bác Hoàng Xuân Hãn nhận xét: “Nghề của anh ấy đã cao sâu, cần ở trong nước mới làm việc có hiệu quả. Anh ấy cẩn thận là có cái lý riêng”.

Trong khi rất hâm mộ, ủng hộ và gần gũi với ông Phan Đình Diệu, tôi vẫn thông cảm và quý trọng ông Phan Huy Lê. Tính cách cá nhân, quan điểm chính trị của hai vị khác nhau, nhưng tôi trọng và học hỏi từ cả hai như những nhà trí thức nhắc nhở tôi cách sống giữ mình theo những giá trị đạo đức truyền thống.

Tôi không dám bàn tới tầm quan trọng cùng độ lớn của các đóng góp cho nền sử học nước nhà của giáo sư Phan Huy Lê, xin chờ đọc từ các nhà chuyên môn. Chỉ xin tỏ lòng kính trọng tầm nhìn và hướng đi của ông trên con đường học hỏi, nghiên cứu. Thái độ nghiêm cẩn và tận tâm với khoa học, luôn tự nhắc mình và nhắc đồng nghiệp trẻ về tinh thần và thái độ “viết khách quan lịch sử” thực đáng trân trọng. Xin được học bài học không chỉ dành riêng cho giới sử học này của ông.

Có quá nhiều học giả, đồng nghiệp, học trò sắp hàng chờ vào viếng giáo sư Phan Huy Lê. Nửa đêm thức dậy, từ nơi xa, người “bạn trẻ” năm xưa thắp một cây nhang khuya tưởng nhớ.

Ngày 24.6.2018

Lê Học Lãnh Vân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ghi lại từ những buổi tiếp xúc trực tiếp Giáo sư Phan Huy Lê 30 năm trước