Là một trong hai thí sinh đạt điểm tuyệt đối môn Ngữ văn trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Dương Ngọc Trâm (An Giang) lại trở thành tâm điểm phản ứng của dư luận trong những ngày qua.

Gặp ‘tai họa’ vì đạt điểm 10 môn Ngữ văn

03/09/2020, 12:39

Là một trong hai thí sinh đạt điểm tuyệt đối môn Ngữ văn trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Dương Ngọc Trâm (An Giang) lại trở thành tâm điểm phản ứng của dư luận trong những ngày qua.

Nữ sinh Dương Ngọc Trâm - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Từ “người hùng” trở thành nạn nhân

Mọi chuyện bắt nguồn từ một bài báo trích lời Ngọc Trâm. Theo thông tin bài báo, Trâm cho rằng sở dĩ bài thi của em đạt điểm cao một phần là vì em biết đưa các dẫn chứng phù hợp. Đặc biệt, Trâm đã dùng nhân vật Gatsby trong tiểu thuyết của nhà văn người Mỹ F. Scott Fitzgerald để minh họa làm sáng rõ tư tưởng “Đất nước của nhân dân” (Nguyễn Khoa Điềm). Điều đáng nói, nhân vật Gatsby lại là 1 nhân vật được xây dựng theo kiểu phản diện, cuộc đời gắn liền với phụ nữ và một số hoạt động phi pháp ở nước Mỹ đầu thế kỷ XX.

Mạng xã hội lập tức dậy sóng vì cho rằng việc Trâm lấy nhân vật có tính chất “ma cô” như Gatsby để minh chứng cho tư tưởng “Đất nước của nhân dân” là không phù hợp. So sánh như thế chẳng khác nào xúc phạm đến những người có công dựng nước và giữ nước. Mặc dù sau khi bài báo phỏng vấn Trâm được đăng tải khiến dư luận quan tâm, phản ứng, Trâm đã nhắn tin đính chính với PV về câu trả lời. Trâm cho rằng thật ra em không có dẫn chứng nhân vật Gatsby vào bài làm, do khi nhà báo phỏng vấn “đầu óc em cứ sao ấy” nên em trả lời như vậy. Em cũng đã xin lỗi về sự nhầm lẫn của em.

Cô bé đạt điểm 10 văn trở thành tâm điểm công kích của dư luận - Ảnh: Tô Văn

Tuy nhiên, cộng đồng mạng lại không dễ bỏ qua. Họ đặt vấn đề bài thi của Trâm có xứng đáng đạt điểm 10 hay không, bởi điểm tuyệt đối môn Ngữ văn trong 1 kỳ thi quốc gia như vậy thì bài làm phải thật sự xuất sắc. Dư luận cho rằng nếu Trâm có dẫn chứng nhân vật Gatsby thì bài làm đã mắc một lỗi lớn, không thể đạt điểm tròn được. Còn nếu Trâm không dẫn chứng Gatsby, thì cái cách em trả lời báo chí vụng về như thế cũng khó khiến cho người ta nghĩ rằng em có thể hoàn thành 1 bài văn vẹn toàn để nhận lấy điểm 10 tuyệt đối từ các giám khảo.

Tất cả những phản ứng của xã hội đã tác động mạnh mẽ đến Ngọc Trâm, khiến cho em vừa buồn vừa lo lắng. Đến nỗi, Trâm phải khóa tài khoản Zalo, tắt điện thoại. Nói cách khác, tưởng chừng Ngọc Trâm là một trong những “người hùng” của kỳ thi lần này thì giờ em lại trở thành nạn nhân. Vụ việc chưa biết đúng sai ra sao, nhưng cách dư luận đẩy em Trâm vào khủng hoảng tinh thần như thế quả là điều đáng tiếc.

Thầy cô cũng bị vạ lây

Không dừng lại ở việc chất vấn, công kích phát ngôn của em Trâm, nhiều cư dân mạng chuyển sang phê bình năng lực chuyên môn của giám khảo. Họ cho rằng nếu giám khảo có đọc qua tiểu thuyết Đại gia Gatsby thì đã không chấm bài em Trâm điểm 10. Suy rộng ra, sự đọc của giám khảo nói riêng và giáo viên dạy Ngữ văn nói chung còn hạn chế. Giáo viên đọc ít nên không thể đánh giá được những dẫn chứng ngoài tầm kiểm soát. Giáo viên đọc ít nên không phát hiện ra nhầm lẫn của học trò.

Tin nhắn của Dương Ngọc Trâm phản hồi với PV - Ảnh: Tô Văn

Khách quan mà nói, chúng ta không thể yêu cầu giáo viên Ngữ văn đọc hết tất cả các tác phẩm văn học trong và ngoài nước. Giáo viên thường chỉ đọc những tác phẩm gắn liền với sách giáo khoa. Các tác phẩm kinh điển khác nếu không bắt buộc phải đọc để phục vụ nội dung giảng dạy, thì giáo viên ít khi đọc. Một phần vì chuyện đọc sách ngoài chương trình giảng dạy hiện nay cũng không còn được giáo viên quan tâm nhiều.

Nhưng phải nhìn nhận thẳng thắn là giáo viên cũng không có nhiều thời gian để đọc sách. Ngoài công việc giảng dạy, soạn giáo án, họp hội, làm hồ sơ sổ sách cùng trăm ngàn thứ công việc có tên và không tên khác luôn đè nặng lên đôi vai của người giáo viên thì việc không thể đọc hết các tác phẩm kinh điển trên toàn thế giới cũng là điều dễ hiểu. Bởi thế, việc giám khảo chưa đọc được một quyển sách của một tiểu thuyết gia bên Mỹ hồi đầu thế kỷ trước thì chúng ta cũng cần xem xét dưới góc độ cảm thông.

Nhưng nếu chấm thi thì khác. Như khi biên tập một bài báo, nêu xuất hiện tên một nhân vật xa lạ với người biên tập, họ phải tra Google hoặc tìm hiểu từ nhiều nguồn, để xác minh nhân vật này. Và chấm thi cũng vậy.

Nhưng theo ông Trần Tuấn Khanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT An Giang, kiêm Trưởng Ban Chấm thi tự luận tỉnh An Giang, việc em Trâm trả lời phỏng vấn với báo chí dẫn đến bị công kích thì ông thấy thiếu công bằng cho em. Nếu sự thật em Trâm đưa tác phẩm Gatbsy vào trong bài viết của mình thì phải nhận định em viết theo câu chữ và khai thác góc độ thế nào. “Đồng thời chúng ta xem em Trâm sử dụng hình tượng đó làm minh họa cho 1 nhận định nhỏ hay ý tưởng nào đó về góc độ cách viết. Việc em Trâm trả lời với báo chí thì cũng còn chung quá, em chỉ nói có liên hệ mà cũng chưa rõ cụ thể liên hệ nội dung nào trong bài”, ông nói.

Em Trâm đã tắt điện thoại, không chịu gặp mặt ai. Do đó cũng không thể xác định là em có đưa nhân vật Gatsby vào bài viết của mình hay chỉ là nhầm lẫn như sau đó em nhắn tin cho PV. Và như ông Khanh nói, nếu thực sự em có đưa nhân vật này vào bài, thì phải xem kỹ đưa trong bối cảnh nào, nhằm chứng minh điều gì chứ không phải cứ đưa vào là sai.

Chia sẻ với chúng tôi, cô L.T., một giám khảo trong ban chấm thi Ngữ văn THPT quốc gia tỉnh An Giang năm nay không giấu được vẻ buồn chán. Cô nói, học trò làm bài thi trong vòng 120 phút mà phải viết 3 phần thi khác nhau, bao gồm: đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Các em phải dốc toàn lực để hoàn thành bài thi. Các em đâu có được ngồi nhởn nhơ tìm từ, tìm ý cho bài làm của mình trong thời gian eo hẹp đó, trong không gian phòng thi căng thẳng đó. Em nào có những ý tưởng hay, có cách diễn đạt tốt trong bài làm là giám khảo rất phấn khởi. Những bài làm tốt thì giám khảo chấm điểm cao, thậm chí chấm điểm 10 cũng là điều bình thường.

Ngôi trường nơi em Trâm theo học - Ảnh: Tô Văn

“Tại sao các môn khác đạt điểm 10 thì mọi người cho là bình thường, còn môn Ngữ văn đạt điểm 10 thì mọi người lại thấy bất thường?”, cô L.T. bức xúc nói. Cô L.T. sợ rằng sự phản ứng của dư luận lần này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của các thầy cô, sợ những lần chấm thi sau giám khảo môn Ngữ văn sẽ “nhát tay”, sẽ dè dặt khi cho điểm thí sinh. Như vậy sẽ rất thiệt thòi cho thí sinh.

Ông Trần Tuấn Khanh, cũng cho biết thêm, việc thí sinh có đưa dẫn chứng về nhân vật Gatsby vào bài làm hay không thì bây giờ không thể khẳng định được. Bởi lẽ, bài thi sau khi chấm xong đã được niêm phong lại theo đúng quy chế. “Trừ trường hợp thí sinh có đơn xin phúc khảo thì mới được phép mở niêm phong bài thi chấm phúc khảo, nhưng mà em này 10 điểm thì chắc là không phúc khảo rồi”, ông Khanh chia sẻ.

Chí Hùng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gặp ‘tai họa’ vì đạt điểm 10 môn Ngữ văn