Tôi tự hào là người Việt nên tôi nói tiếng Anh bằng giọng Việt chứ không phải giọng Anh hay giọng Mỹ", mà chỉ cần hiểu nhau là đủ. Đó là quan điểm của Võ Thị Mỹ Linh - cô gái Việt ở đã sống sót sau trận bão tuyết lớn vừa qua ở Nepal, cũng là người đã viết thư đề nghị sửa sách giáo khoa tiếng Anh.

Gặp cô gái viết thư đề nghị Bộ Giáo dục sửa sách giáo khoa tiếng Anh

21/12/2014, 10:30

Tôi tự hào là người Việt nên tôi nói tiếng Anh bằng giọng Việt chứ không phải giọng Anh hay giọng Mỹ", mà chỉ cần hiểu nhau là đủ. Đó là quan điểm của Võ Thị Mỹ Linh - cô gái Việt ở đã sống sót sau trận bão tuyết lớn vừa qua ở Nepal, cũng là người đã viết thư đề nghị sửa sách giáo khoa tiếng Anh.

Võ Thị Mỹ Linh (nick name Facebook: Va Li), cô gái gần đây gây xôn xao với lá thư viết trên Facebook gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đề nghị sửa sách giáo khoa tiếng Anh cho học sinh tiểu học, cho biết cô quyết định đi du lịch bụi là do dốt tiếng Anh, đi để học tiếng Anh.
Ba tháng Mỹ Linh sống ở Ấn Độ và gần 3 tháng cô sống ở Nepal với mục đích chính là học tiếng Anh. Đầu tháng 12 này cô đã trở về Việt Nam.
Sau thời gian đi du lịch bụi để học tiếng Anh, hiện nay tiếng Anh của bạn hẳn là tốt lên nhiều?
Thực ra tiếng Anh của tôi hiện nay vẫn còn tệ lắm. Nhưng so với hồi ở Việt Nam thì đó là cả một cuộc cách mạng. Tôi phát âm không chuẩn, tôi viết sai ngữ pháp nhiều, tôi thường quên chia thì khi nói.
Vậy “cuộc cách mạng” mà bạn nói đáng giá ở chỗ nào?
Chính là sự tự tin và cởi mở. Như anh bạn nhiếp ảnh gia người Úc Michael chỉ nói chuyện với tôi một lần và sau đó quay sang bảo: “Bạn là đứa bạn tuyệt vời nhất tôi có ở Nepal”. Trước khi đi anh còn để lại cho tôi một bức thư rất dễ thương đặt trước cửa phòng khách sạn tôi ở và có lần tôi đã tung bức thư ấy lên Facebook.
Hay cậu bạn Hemant - người có ba quốc tịch Mỹ, Brazil, Ấn Độ cũng bảo “Bạn phát âm dở tệ nhưng tôi thích những câu chuyện bạn kể”. Hoặc những người bạn ở Nepal như Babu (chủ khách sạn Festoon ở Thamel, Ramkrishna - chủ công ty du lịch, Romesh - chủ công ty cho thuê ô tô), họ gặp tôi và nghe tôi chia sẻ về ý định mở tour leo núi giá rẻ cho người Việt trẻ thì bảo chúng ta trở thành đối tác đi.
Thế nên tôi cho rằng cái chuyện nói tiếng Anh, nó không quan trọng bạn nói đúng thì, đúng ngữ pháp, đúng chuẩn của người Anh, người Mỹ. Điều quan trọng là bạn cứ nói cái đã, nói một lần họ không hiểu thì nói nhiều lần, miễn là bạn chịu nói, chịu chia sẻ.
Nhưng tâm lý của số đông người học tiếng Anh lại muốn mình nói đúng chuẩn giọng Anh, giọng Mỹ. Bạn nghĩ việc nói đúng chuẩn có quan trọng không?
Tôi nhớ lúc tôi bảo tôi sang Ấn Độ để học tiếng Anh, một em du học sinh ở Úc nói với tôi thế này: “Sao chị lại học tiếng Anh của người Ấn, bọn họ nói tiếng Anh quê lắm”. Tôi cũng thấy buồn cười khi các bạn Việt Nam đi so trình độ của nhau bằng việc bạn có nói giống người bản xứ, giống người Anh, người Mỹ hay không.
Tôi đồng ý với các bạn, nếu giọng bạn giống giọng Mỹ thì người ta sẽ dễ nghe hơn. Nhưng các bạn học tiếng Anh là để nghe, nói tiếng Anh được chứ không phải để trở thành người Anh hay người Mỹ. Nên quan trọng gì chuyện phát âm hay hoặc dở, giọng bạn quê hay không quê.
Với tôi, tôi tự hào vì tôi là người Việt nên tôi nói tiếng Anh bằng giọng Việt chứ không phải giọng Anh hay giọng Mỹ. Nói giống người Sài Gòn nói giọng Sài Gòn, người Hà Nội nói giọng Hà Nội, người Hà Tĩnh nói giọng Hà Tĩnh vậy. Chẳng ai bắt người Hà Tĩnh phải nói giọng miền Nam, người Sài Gòn phải nói giọng Hà Nội cả. Chỉ cần họ cùng dùng tiếng Việt để hiểu nhau là đủ.
Bạn chia sẻ kinh nghiệm để học tốt tiếng Anh khi đi du lịch bụi như khi bạn ở Ấn Độ, Nepal vừa qua?
Nói về kinh nghiệm học tiếng Anh ở Ấn Độ, Nepal thì tôi chỉ có một điều này đúc kết: Học với tất cả mọi người, điều gì chưa biết thì phải hỏi tới cùng. Trong quá trình vừa đi du lịch bụi vừa học tiếng Anh, tôi làm quen với hầu hết tầng lớp trong xã hội, từ người nông dân, ông chủ cửa hàng tạp hóa, diễn viên, giáo viên, quan chức cơ quan chính phủ đến cả những em học sinh.
Tôi hỏi về văn hóa của họ, hỏi đường, hỏi kinh nghiệm… bất cứ thứ gì có ích cho quá trình đi du lịch của mình tôi đều hỏi. Rồi tôi lắng nghe, tự lặp lại câu trả lời của họ để từ đó dần dần tích lũy vốn tiếng Anh. Nói chung bài học lớn nhất mà tôi học được là sự quan trọng của tiếng Anh trong cuộc sống chứ không phải vốn tiếng Anh của tôi đã tăng đến “đỉnh” hay chưa.
Theo bạn, cái lợi và khác biệt của học tiếng Anh khi du lịch bụi với học ở trong nước là như thế nào?
Dĩ nhiên học tiếng Anh ở trong nước thì nhiều khi bạn có cái tâm lý ỷ lại, nay không học thì mai học, nói chung là trăm ngàn lý do. Còn khi du lịch bụi, nhất là ở nước ngoài thì tiếng Anh cũng như là một kỹ năng sống để giúp bạn tồn tại. Khi đặt bạn trong một môi trường sống toàn nói tiếng Anh thì bạn phải tự buộc mình vào hoàn cảnh đó để nhanh chóng thích nghi, giao tiếp…
Mình đang đi du lịch nên phải biết tiếng Anh để hỏi đường, hỏi về văn hóa từng vùng miền, thậm chí là cả những thông tin để bảo vệ an toàn bản thân nữa nên những yếu tố đó giúp tôi càng quyết tâm học tiếng Anh hơn nữa.
Ngoài du học bạn còn làm một dự án lớn về việc học tiếng Anh. Kế hoạch là gì?
Tôi đang khởi động dự án Ngôi nhà tình nguyện. Ở Nepal, tôi thấy họ lập chỗ ở cho du khách, khi đó họ miễn phí một phần thức ăn cho du khách. Còn du khách, họ dạy tiếng Anh cho trẻ em ở Nepal hoặc nghiên cứu để có những dự án tốt đẹp cho dân địa phương như xây những căn nhà vệ sinh sạch sẽ thay vì đi “lộ thiên” như người dân vẫn làm.
Dự án Ngôi nhà tình nguyện sẽ là môi trường tốt cho trẻ em Việt Nam cải thiện khả năng nói tiếng Anh, giúp các em có môi trường tiếp xúc người nước ngoài và hòa đồng với họ, thấy rằng chuyện giao tiếp bằng tiếng Anh sẽ hay và thú vị.
Ngoài ra, tôi cũng muốn góp phần thay đổi thói quen du lịch của bạn trẻ Việt Nam. Không chỉ đơn giản là đi để nghỉ ngơi, chụp ảnh mà khi có ít tiền, các bạn chọn ở nhà dân sẽ có điều kiện tìm hiểu cuộc sống của họ để học cái hay, cái tốt mang về cho đất nước mình.
Theo Trần Hải/PLO
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gặp cô gái viết thư đề nghị Bộ Giáo dục sửa sách giáo khoa tiếng Anh