Việt Nam đang đứng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu gạo nhưng vẫn chủ yếu là xuất thô. Trên thị trường, gạo Việt Nam thua Thái Lan, Campuchia và các nước này đang vượt mặt và “cướp” dần thị trường của nước ta. Vậy đâu là lý do khiến gạo Việt Nam đang mất dần thị trường vào trong tay những “người hàng xóm”?
Gạo Việt Nam thua Thái Lan, Campuchia
Mặc dù là nước xuất khẩu gạo của thế giới, song gạo Việt Nam lại được đánh giá là có chất lượng thấp hơn so với gạo Thái Lan và Campuchia. Nguyên nhân là do người nông dân Việt Nam sử dụng các giống ngắn ngày và sử dụng các loại phân bón vô cơ, thuốc trừ sâu nhiều trong quá trình canh tác. Trong khi đó, hai nước trên chủ yếu là gạo một vụ, chất lượng ngon, an toàn và giá cả cạnh tranh hơn.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng xác định việc lúa gạo Việt Nam thua Thái Lan, Campuchia về chất lượng suốt thời gian dài một phần là do chưa có vùng nguyên liệu đủ lớn để có thể chủ động về sản lượng xuất khẩu.
Theo đó, thực trạng sản xuất lúa gạo hiện nay chủ yếu dưới hình thức nhỏ lẻ, thiếu liên kết. Do đó, sẽ cản trở việc áp dụng cơ giới hóa, khó áp dụng công nghệ nhằm tăng năng suất, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng, xây dựng thương hiệu… Đặc biệt, vì nhỏ lẻ, manh mún nên tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch rất lớn nên ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người trồng lúa…
Như vậy, để canh tác chuyên nghiệp và nông dân có lợi hơn thì tổ chức lại quy trình sản xuất một cách chuyên nghiệp là rất cần thiết. Do đó, tập hợp nông dân tham gia các cánh đồng mẫu lớn, cùng làm một vài giống lúa tốt, thích ứng biến đổi khí hậu… bắt đầu được các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long áp dụng.
Giảm chi phí đầu tư
Với mô hình này, doanh nghiệp sẽ đứng ra cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật sản xuất rồi bao tiêu sản phẩm. Trong khi đó, nông dân sẽ là người trực tiếp sản xuất.
Với việc canh tác này, nông dân sẽ giảm được chi phí đầu tư, có điều kiện áp dụng cơ giới hóa, giảm thất thoát, hạn chế các khâu trung gian, tăng lợi nhuận trên cánh đồng của mình. Doanh nghiệp thì được lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao, bán được giá…
Một phần cánh đồng mẫu lớn tại Hậu Giang (Ảnh: PD) |
Đơn cử, vào ngày 31.8, tỉnh Hậu Giang đã phê duyệt “Dự án Cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao xuất khẩu tại huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang” của Công ty TNHH MTV XD-TM-DV Khang Hưng.
Theo đó, Công ty Khang Hưng sẽ chuyên về kinh doanh xây dựng và sản xuất, chế biến xuất khẩu gạo. Còn khoảng 600 hộ nông dân ở xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang sẽ tham gia hợp tác sản xuất lúa.
Cụ thể, bước đầu cánh đồng mẫu lớn này sẽ xây dựng vùng nguyên liệu theo chuỗi giá trị để tiến đến thành lập các tổ hợp tác sản xuất lúa chất lượng cao nhằm hình thành hợp tác xã hoàn chỉnh trong tổ chức sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng sản xuất lúa chất lượng cao, công nghệ cao.
Nông sản hàng hóa cũng được tiêu thụ với sự hài hòa phân chia lợi nhuận giữa người sản xuất và doanh nghiệp kinh doanh lương thực tiến tới xây dựng cánh đồng mẫu lớn sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, VietGAP, GlobalGap.
Công ty Khang Hưng sẽ cung cấp đúng giống lúa chất lượng cao kịp mùa vụ sản xuất, hướng dẫn tập huấn kỹ thuật sản xuất cho nông dân và thu mua lúa lại cho nông dân với giá cao hơn thị trường 50 đồng/kg (trước thu hoạch 5 - 10 ngày sẽ có họp dân chốt giá).
Sản phẩm hữu cơ có giá cao hơn 10 – 15%
Về chất lượng sản phẩm gạo đầu ra, để đáp ứng theo tiêu chuẩn GAP, VietGAP, GlobalGap thì theo Thạc sĩ Nông nghiệp Phạm Văn Hảo- Trưởng Phòng Kế hoạch Đầu tư Công ty Khang Hưng, công ty và nông dân phải chuyển từ sử dụng phân vô cơ, phân hóa học sang phân hữu cơ thân thiện với môi trường và an toàn cho sức khỏe.
Theo ông Hảo, hiện tại, nông dân đã tự liên hệ với công ty để sử dụng phân hữu cơ cho cây lúa.
Nếu nông dân tự trồng, thương lái sẽ tự định giá, sản phẩm trồng hữu cơ cũng chỉ có giá trị ngang với trồng vô cơ. Trong khi đó, nếu canh tác theo dự án cánh đồng mẫu lớn của Công ty Khang Hưng thì doanh nghiệp này sẽ chứng minh được quá trình sử dụng phân hữu cơ sạch. Do đó, so với giá thị trường thì giá mà công ty này mua sẽ cao hơn khoảng 10 – 15%. Đồng thời để đảm bảo đầu ra ổn định cho người nông dân, Công ty Khang Hưng đã hợp tác với Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Nhịp cầu Doanh nghiệp. Đây là đối tác truyền thông chiến lược và là kênh phân phối sản phẩm nông sản theo định hướng hữu cơ cho thị trường trong và ngoài nước.
Ông Hảo cho biết, cánh đồng mẫu lớn ở Hậu Giang toàn bộ là sử dụng phân hữu cơ do thị trường có nhu cầu sử dụng các sản phẩm hữu cơ nên công ty cũng theo thị trường, sử dụng sản phẩm sạch. Để gạo có nguồn gốc hữu cơ, Công ty Khang Hưng luôn chọn những đối tác đồng hành cung cấp những sản phẩm theo định hướng hữu cơ như phân bón Seasol có nguồn gốc từ tảo biển đạt chứng nhận organic của Công ty TNHH Cải Xoăn (Kale).
“Bà con quen sử dụng phân vô cơ, thế nhưng sản phẩm phân vô cơ dư hàm lượng đạm trong sản phẩm nên thị trường không chấp nhận. Thị trường muốn sử dụng sản phẩm hữu cơ nên chúng tôi đã chuyển hẳn sang canh tác hữu cơ để có sản phẩm sạch và đạt chuẩn”, ông Hảo nói.
Phan Diệu