Gần 9.000 cửa hàng xăng dầu trên cả nước vừa gửi đơn "cầu cứu" lên Thủ tướng liên quan đến bình ổn thị trường xăng dầu hiện nay.

Gần 9.000 cửa hàng xăng dầu 'cầu cứu' Thủ tướng, Bộ Công Thương vào cuộc thay đổi hàng loạt quy định

Bài và Ảnh: Tuyết Nhung | 02/02/2023, 10:57

Gần 9.000 cửa hàng xăng dầu trên cả nước vừa gửi đơn "cầu cứu" lên Thủ tướng liên quan đến bình ổn thị trường xăng dầu hiện nay.

Gần 9.000 cửa hàng xăng dầu "cầu cứu" Thủ tướng

Theo đó, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu khẳng định những quy định chưa phù hợp ở Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là các quy định ở khâu bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thua lỗ nặng nề trong thời gian dài, từ đó làm đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường bất ổn... gây ảnh hưởng đến tình trạng thiếu hụt xăng dầu.

ktra-xang-1.jpg
Cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên giám sát các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn

Cụ thể, quy định đưa ra hiện doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy hàng một nơi nên sau khi ký hợp đồng sẽ bị chèn ép chiết khấu. Trong khi đó, doanh nghiệp dù lỗ hay lãi vẫn phải mở bán. Doanh nghiệp bán lẻ ở trong thế kẹt, mọi sự cạnh tranh bị triệt tiêu.

Một điểm bất hợp lý khác là khi giá tăng, doanh nghiệp bán lẻ mua hàng thì thường bị nhà cung cấp từ chối bán, hầu hết là không giao hàng, để tồn trữ, giữ lại hưởng chênh lệch giá. Dù doanh nghiệp bán lẻ sắp hết hàng nhưng nhà cung cấp vẫn nhất quyết không giao hàng, nên dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ đóng cửa.

Vì vậy, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị ghi nhận chiết khấu vào công thức tính giá cơ sở như là một khoản chi phí lưu thông ở khâu bán lẻ một cách hợp lý, đảm bảo không có sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp.

Với đề xuất này, Bộ Công Thương thừa nhận đây cũng là một giải pháp. Tuy nhiên, điều này sẽ tạo ra sự cứng nhắc trong quan hệ mua bán xăng dầu giữa các doanh nghiệp. Hơn nữa, nó sẽ dồn hết sự khó khăn lên doanh nghiệp đầu mối (đơn vị tạo nguồn cung xăng dầu) khi việc kinh doanh gặp khó khăn, sẽ ảnh hưởng đến tổng thể nguồn cung xăng dầu.

Trong khi đó, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho hay, theo quy định tại Nghị định 95, những chi phí này được tổng kết, điều chỉnh lại sau 6 tháng nhưng lại không được thực hiện kịp thời. Thực tế, chi phí kinh doanh xăng dầu đã ở mức 11 USD/thùng, trong khi công thức chỉ tính có 3 USD... khiến doanh nghiệp nhập khẩu vẫn bị tính thiếu, kéo theo việc càng nhập về càng lỗ, xấp xỉ 1.000 đồng/lít.

Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng một điểm nghẽn khác liên quan đến chiết khấu là chi phí lưu thông. Năm 2014 khi xây dựng Nghị định 83, mức phí tính là 1.350 đồng/lít, đến nay vẫn không thay đổi. Để thị trường xăng dầu vận hành ổn định, ông Bảo kiến nghị Bộ Tài chính, Công Thương cần tính đúng, tính đủ, còn lại chi phí vẫn để cho doanh nghiệp tự quyết định. Như vậy sẽ tạo ra thị trường cạnh tranh và bình đẳng.

Trong khi đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95 và Nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, xăng dầu để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, không xảy ra tình trạng thiếu hụt, gián đoạn nguồn cung trong mọi tình huống, gây bất ổn thị trường; bảo đảm hệ thống phân phối, chuỗi cung ứng xăng, dầu ổn định, giảm khâu trung gian...

Cho phép đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn?

Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho rằng quy định đại lý bán lẻ chỉ được nhập xăng dầu từ một đầu mối được cho là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu cục bộ xăng dầu, thiếu cạnh tranh trên thị trường xăng dầu thời gian vừa qua.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Công Thương cho biết đã sửa đổi quy định nêu trên. Theo quy định tại Luật Thương mại, đại lý là đơn vị được bên giao đại lý giao hàng để bán theo giá của đơn vị giao đại lý và hưởng hoa hồng. Bên giao cho đại lý phải chịu trách nhiệm về chất lượng, giá bán hàng hóa tại các đại lý.

"Mặt hàng xăng dầu là hàng hóa ở thể lỏng, được chứa đựng chung tại bồn, bể, nên nếu cho phép đại lý bán lẻ xăng dầu lấy hàng từ nhiều nguồn, cơ quan quản lý nhà nước sẽ không kiểm soát và nắm được đầu mối chịu trách nhiệm về chất lượng, giá xăng dầu bán cho người tiêu dùng và không bảo đảm sự thống nhất với quy định nêu trên của Luật Thương mại. Do đó, theo quy định hiện hành, đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy từ một nguồn", Bộ Công Thương lý giải.

Trường hợp cho phép đại lý lấy từ nhiều nguồn, khi có tình trạng khó khăn về nguồn cung như thời gian vừa qua có thể xảy ra tình trạng không đơn vị nào chịu trách nhiệm về việc cung cấp xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ của đại lý. Ngoài ra, khi các đại lý lấy từ nhiều nguồn với mức giá khác nhau, theo quy định, đại lý không có quyền quyết định giá bán nên sẽ không biết bán theo giá của đơn vị nào.

Bộ Công Thương vẫn đưa ra 2 phương án sửa đổi quy định này tại dự thảo lần 2 sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu. Phương án 1 là giữ nguyên quy định hiện hành về quyền của đại lý bán lẻ xăng dầu. Ưu điểm của phương án này là phù hợp với quy định của Luật Thương mại, giúp kiểm soát được chất lượng, giá bán xăng dầu đến người tiêu dùng; khi nguồn cung xăng dầu gặp khó khăn, có đơn vị chịu trách nhiệm về việc cung cấp xăng dầu cho đại lý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ đạo, xử lý.

Nhưng ngược lại, trong cùng một thời điểm, đại lý không được lựa chọn nhiều nguồn cung cấp xăng dầu (các đại lý có thể lựa chọn đơn vị cung cấp xăng dầu khác khi đã thanh lý hợp đồng với đơn vị cung cấp cũ).

Phương án 2 là sửa đổi quy định về quyền của đại lý kinh doanh xăng dầu theo hướng cho phép đại lý kinh doanh xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn (và có thể giới hạn từ 2 - 3 nguồn).

Ưu điểm của phương án này là đa dạng nguồn cung cấp xăng dầu cho đại lý, tăng vị thế cho đại lý trong quá trình đàm phán mua hàng. Song nhược điểm là quy định không phù hợp với Luật Thương mại, khó kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng, giá bán xăng dầu cho người tiêu dùng. Khi nguồn cung xăng dầu gặp khó khăn, sẽ không có đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm về nguồn cung cấp xăng dầu cho đại lý.

Trong tờ trình Chính phủ, Bộ Công Thương lựa chọn phương án 2 nhằm dạng nguồn cung cấp xăng dầu cho đại lý, tăng vị thế cho đại lý trong quá trình đàm phán mua hàng.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương quyết định đề xuất thời gian giữa 2 kỳ điều hành/công bố giá xăng dầu giảm từ 10 ngày xuống 7 ngày và quy định vào ngày thứ năm hằng tuần.

Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, liên bộ Công Thương - Tài chính có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu phù hợp. "Trong giai đoạn giữa 2 kỳ điều hành, nếu giá cơ sở có biến động tăng trên 5%, liên bộ Công Thương - Tài chính sẽ thực hiện điều hành giá", dự thảo nêu.

Bộ Công Thương cho rằng phương án này sẽ đảm bảo giá xăng dầu bám sát hơn với diễn biến giá xăng dầu trên thị trường thế giới. Việc điều hành kể cả vào ngày nghỉ lễ nhằm tránh việc giá có biến động lớn, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Bài liên quan
Được Bộ Công Thương 'nhường' điều hành giá xăng dầu, Bộ Tài chính nói gì?
Lãnh đạo Bộ Tài chính nói rằng việc quyết định cơ quan làm đầu mối quản lý, điều hành giá xăng dầu do Chính phủ, Thủ tướng quyết định.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gần 9.000 cửa hàng xăng dầu 'cầu cứu' Thủ tướng, Bộ Công Thương vào cuộc thay đổi hàng loạt quy định