Nghĩ lan man là nghĩ trộm vậy thôi chứ việc của tôi là cười tủm thường trực và liếc con mắt tử tế duy nhất mà đưa tình với khách.

Gái góa đi bán cao dê (P.2)

Một Thế Giới | 26/01/2014, 16:00

Nghĩ lan man là nghĩ trộm vậy thôi chứ việc của tôi là cười tủm thường trực và liếc con mắt tử tế duy nhất mà đưa tình với khách.

Trời sập tôi cũng chẳng lo, chỉ lo cao ế. Ế hàng thì mẹ con tôi chẳng có gì ăn. Hễ cao ế là bà giở giọng khóc hờ kể lể về ngôi nhà cổ đã bị san ủi đến bật hoác cả móng. Bà lại khóc hờ ông chồng, tức cha tôi, sao ra đi mất tăm tích như một khúc xương trâu ném xuống biển, mà người không về thì lẽ ra tiền cũng phải bò về mà trả nợ chứ.

Có người bảo cha tôi đánh đề thua rồi bị dụ sang bên kia biên giới bán gan bán thận nhưng trên đường mang tiền về thì bị cướp. Mẹ tôi rõ lẩm cẩm. Đến cái xác cũng không còn thì mong gì tiền. Kể ra gói tiền mà biết tự rời xác người, bò về nhà cho mẹ tôi thì có phải tốt bao nhiêu không, vì hằng ngày vẫn cứ có người vác dao đến đe mẹ con tôi và đi theo chặn họng lấy tiền bán cao dê hằng ngày của tôi để trừ nợ của cha.

Người làng tôi mất đất, không biết làm nghề gì, giờ lấy nghề thịt nhau để sống qua ngày. Lừa đảo nhau bán hàng đa cấp, đề đóm, cho vay cắt cổ, cá độ, mở quán game, rủ nhau đi làm điếm, lừa nhau đem sang Trung Quốc bán nội tạng… Đi bảy người chỉ về một,  không ốm liệt giường cũng thành thân tàm ma dại. Thế chẳng phải ăn thịt nhau thì là cái gì.

Dạo này người ta đang rỉ tai nhau rằng có một loại thực phẩm chức năng bổ lắm trẻ người ra tới mươi lăm tuổi. Thuốc ấy thực ra là là làm bằng thịt người. Tôi nghi nghi hoặc hoặc. Mỗi khi tay đảo mớ cao dê cho khỏi mốc, tôi cứ tự hỏi có phải những người uống thuốc ấy đã uống một phần thịt của cha tôi hay không.

Giá như không có tin đồn có kẻ lấy xác cha tôi chế thực phẩm chức năng, cách gì tôi cũng vay cậu tôi tiền mua vài lọ uống xem có chữa được con mắt lườm giời hay không. Thực ra thì hai mắt của tôi đều nhìn rõ, mắt trái tròng đen đen láy tròng trắng xanh rõ là xanh, nhưng mắt phải thì đục lờ, ngồi bệt trên đất nhìn miếng cao dê mà mấy chú mấy anh cứ mừng rỡ tưởng là đang nhìn lên cửa quần họ, có lẽ vì thế mà cao tôi bán chạy hơn người. Nhưng tôi thì nghĩ khác. Nếu con mắt phải tôi cũng tình tứ như con mắt trái, cầm chắc là tôi đã chẳng phải chịu phận góa chồng và đi bán cao dê.

Thì đã nói tôi là gái góa tôi đi bán cao dê. Chồng tôi thuở còn sống thì học hết lớp mười, hay ho mọi nết, chỉ tội mắc bệnh lười nên gái chê. Gái chê mới đến lượt tôi. Cái đáng làm thì không làm, chồng tôi cứ nhầm bàn phím chơi game là chốn tỏ dạ anh hùng.

Chồng tôi vào quán net, hết làm anh hùng cứu người đẹp, lại xem phim cởi truồng, chat với người cởi truồng, đến khi chán, mới dùng tên lửa tàu siêu tốc thủy lôi đánh phá căn cứ kẻ thù hết ngày dài lại đêm thâu.

Khi tôi nói bây giờ nhà chẳng còn gì ăn, cơm là cơm khoai là khoai chứ chẳng phải bàn phím, trở về mà đi nhặt xương trâu bò để nấu cao dê, thì chàng nói rằng mày đừng lắm lời nhặng xị kẻo tao cho một phi tiêu siêu nhân là nổ tan xác pháo, cho luôn vào nồi cao toàn tính giờ.

Tao từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ, vốn xinh như trai Hàn Quốc, vì bố mẹ kiết xác mà từ thằng bạn học đến thằng hàng xóm tới quan xóm quan xã quan huyện đều coi không bằng  con chó. Tao phải lấy đứa vợ mắt lườm giời như mày chẳng qua chỉ là mẹ tao thấy mày là con bò béo giỏi kéo cày. Vậy thì tao chỉ còn việc phải làm anh hùng trên bàn phím, ngẩng cái mặt lên cho xứng thằng đàn ông.

Và chồng tôi mải đi cứu nhân độ thế trên net, rồi chơi sang thuốc lắc, cho đến một ngày tôi đi vắng, không có ai để hoạnh họe, chồng tôi dí dao vào cổ bố chồng tôi nã tiền đi chơi game và chơi thuốc. Chồng tôi quá tay cứa ngang cổ ông.

Khổ thân bố chồng tôi. Tôi biết không phải ông tiếc tiền, mà chỉ vì một ngàn đồng để mua viên thuốc cảm ông cũng không có. Ông sửng sốt kê cằm vào ngưỡng cửa chuồng trâu, đảo ngược mắt chết gục trên vũng máu trước dãy chuồng rỗng không.

Chồng tôi vẫn mê mải ra đi, cắm chân vào bàn game, ai gọi không thưa, mặt không ngẩng lên, cho đến khi chết ập mặt xuống bàn phím.

Thế thì hai mươi mốt tuổi tôi thành gái góa và tôi đi bán cao dê.

***

Tôi lấy vài tờ báo cũ đặt cạnh mấy pho tượng La hán, tay xoa xoa đập đập vào mông. Người sạch sẽ là phải như thế chứ. Tôi đặt mẹt cao dê cao mèo cao rắn ra trước mặt, tay phải không quên chiềng tấm biển có dòng chữ đỏ: Cao dê cho tình xuân viên mãn. Đó là cậu tôi thuê một ông nhà thơ cấp huyện viết cho mới được thế. Con người ta có học có khác. Nhời nhẽ hay đến thế là cùng.

Tôi nhìn ra xung quanh. Kể ra bao người có mất đất cũng đáng giá. Cái chùa mới này thật hoành tráng. Từ xa đã thấy cái tam quan ba mái lợp ngói đen. Dân làng Vệ tôi cứ nói rằng  chùa chẳng phải chùa, là lăng chôn người chết thì có. Đen ngòm trên đường chân trời, tán cây xanh thẫm viền núi, kẻ yếu bóng vía thấy hàng rào kín mít sâu hút ngáng trở mà rởn tóc gáy.

Tôi thề sống thề chết với cậu tôi rằng hơi ma mỗi ngày ba lần phả ra phùn phụt từ phía cổng chùa. Có người độc mồm nói: Làm chùa kiểu ấy, hóa ra khi bước vào cổng, phải chết queo củ từ rồi mới đến được với thần Phật.

Rợn, lại còn bị bảo vệ chùa xua đuổi. Nhưng tôi thì đã quen, cũng bớt sợ. Muốn ngồi bán cao, chỉ cần cho vài ông anh trông chùa cấu véo một tí. Một tí chứ hai tí cũng đã chết ai. Tôi gái góa chưa đến mức đi làm điếm. Tôi vẫn ngồi lườm giời với mẹt cao dê bên chân mấy trăm vị La hán.

Mừng quá thể là mừng. Hôm nay người qua lại kìn kìn. Thật ở hiền gặp lành, có thờ có thiêng, cao dê tôi đắt hàng, chưa đầy nửa buổi đã hết veo.

Tôi hơn hớn phủi quần đứng dậy, nhìn mấy ông La hán mà thấy yêu. Đến trông hai ông tì hưu nhe nanh toang hoác kia cũng thấy tình tứ.

Tôi bấm điện thoại cho mẹ, bảo bà rằng tôi đang về đây, chuẩn bị cho tôi mẹt cao dê khác.

Bà nói: Đây rồi, gì chứ cao thì chẳng bao giờ thiếu. Nấu một con trâu toàn tính ra cơ man là cao. Nhưng hôm nay bán chạy thế là phải lễ tạ ngay lập tức. Ăn cây nào rào cây ấy. Thần Phật bây giờ là thần Phật mới, chẳng kêu chẳng cầu, không lễ thì không phù hộ, chẳng ai cho nhau ăn không bao giờ. Bây giờ người ta rước xá lỵ về rồi đấy, đẹp lắm thiêng lắm, chùa cũ ta xưa nay đâu có. Thật là phúc tổ, bao nhiêu đời nay, đến đời mày mới có dịp trông thấy. Tao có muốn ra xem thì mắt mờ chân chậm, chẳng may bị người ta chen bẹp ruột. Mày mua ít hoa quả rồi đặt mấy chục tiền thật mà vào lễ mới có cớ vào xem xá lỵ rồi giương mắt ra mà nhìn cho kỹ, về kể cho tao nghe cấm bỏ qua điều gì. Lễ xong rồi mới lấy mẹt khác, kẻo Trời Phật phạt cho treo mồm, trơ mắt ếch. Mà mày cố sờ tay vào xá lỵ, biết đâu nhà ta được đền bù đất, thoát cảnh ở lều.

Được lời mẹ, tôi làm ngay. Mẹ phải biết rằng con gái mẹ ngoan, mẹ bảo làm một thì con làm mười đây này. Tôi quay ra bà hàng bán xôi gà. Hàng xôi của bà ruồi bâu đầy.

Bà nhặt cành lá dưới đất lên, đập đập làm phép lên đầu gà. Vừa  đuổi ruồi bà vừa giảng giải rằng ruồi là một chuyện mà lòng thành là một chuyện hoàn toàn khác. Đã là thần Phật,  đến quỷ ác một ngàn cái răng nanh, ăn trăm người một lúc như ăn gỏi mà còn bị thu phục, thì đương nhiên vi trùng có nhiều có thâm độc đến mấy cũng bị các ngài biến thành đệ tử, càng ăn vào càng như ăn thuốc bổ, có gì mà lo. 

Bà nói càng nghe càng có lý. Thế là tôi hãnh diện đặt cỗ xôi gà lên mẹt cao dê, hiên ngang đội lễ vật của tôi vào chùa mới. Mẹ này mẹ thật chẳng biết thò cổ ra khỏi lều mà xem con gái mẹ bảo một làm mười đây này.

Người đến xem xá lỵ chen đông ôi là đông, như cả rừng những con bọ hung con cánh cam khổng lồ. Thật khấn khởi thật cả rừng quần áo đẹp. Mặt ai nấy đỏ gay, có người bị chẹt cả cổ, thở è è như rặn đẻ. Ai chứ tôi thì không đời nào lại chịu thế đâu nhá. Cậu tôi nói xá lỵ mới rước về cất kỹ trong hậu cung, đợi quan khách đến đông đủ thì mới mở hòm mạ vàng mà phô ra. Chỉ quan khách sang trọng, thở ra khói nói ra lửa mới được nhìn tận mắt.

Thế thì chỉ khổ cho đám bọ hung đám cánh cam đang rách cả cánh gẫy cả chân chen lấn. 

Tôi cũng chỉ là một con bọ hung. Nhưng tôi là con bọ hung thổ công. Cũng như cậu tôi, đường ngang lối tắt nào ở đây mà tôi chẳng biết. Tôi là con chuột chũi ở chùa.

Kìa lũ mặt đỏ gay khuỳnh tay chẹn chân người khác chỉ nhăm nhăm vọt vào gần hòm đựng xá lỵ kia, các người chẳng qua cũng là lũ gà trống ngứa cựa, chẳng được cái tích sự gì, chen mãi cũng chỉ trôi dạt hết bên này sang bên khác.

Nói là làm. Tôi lập tức bỏ cỗ xôi gà đã bay hết ruồi vào túi ni lông, đeo lên cổ. Mẹt đựng cao dê đã hết thì quá dễ xử lý. Cái mẹt lúc nào chẳng có dây buộc để đeo vào lưng như đeo ba lô.

Toách! Xoạt! Phạch!

Dù bị rách cả cổ áo, lại toạc mất một miếng bắp tay, nhưng sau một hồi vừa luồn ngóc ngách vừa bò như chuột,  tôi mừng rỡ  nhảy bụp vào đúng chỗ cái hòm đựng xá lỵ đang được cất kỹ. 

Chà chà, một rừng người ngào ngạt hương trầm đang ngồi lần tràng hạt tụng kinh. Trông ai cũng béo tốt rạng rỡ tới mức những chân tóc mới cạo cũng nhô lên bóng như sợi mỡ.

Dù mắt hiếng nhưng không con bọ hung nào lủi nhanh bằng tôi khi đã biết cái việc mình cần phải làm.

Mẹ dặn sống chết gì cũng phải nhìn thấy xá lỵ. Quý lắm báu quá. Cả năm đời nhà tôi bây giờ mới có tôi vinh quang là một. Tôi mà không xem, không đích thân khấn vái để xá lỵ trông thấy lòng thành của tôi thì thà tôi chết đi cho rảnh. Mẹ này cậu này, sau vụ này liệu có còn chê tôi ngẩn ngơ được nữa không.

Tôi đã đoán là trúng. Khi tôi chạm chân xuống đất, hòm xá lỵ cũng vừa được mở ra.

Cả rừng người đang tụng kinh niệm Phật xung quanh quỳ lạy dập đầu xuống đá.

Tôi cũng quỳ, cũng lạy mà không quên tôi đang bị mấy ông bảo vệ thộp cổ lôi xềnh xệch ra ngoài. Cổ tôi gãy chưa không biết, chỉ thấy đau điếng, máu chảy ra đằng tai.

Nhưng tôi vẫn lòng thành khấn lẩm bẩm trong miệng: Lạy trời lạy xá lỵ Phật mới, con gái góa ngu dại, cực chẳng đã con mới phải đi bán cao trâu toàn tính gọi là cao dê nhưng lòng con thành lắm. Con yêu ông Phật béo ông Phật cười ông tỳ hưu, nay con lại vô cùng kính quý xá lỵ Phật. Cái túi ni lông con đeo ở cổ đây đích thị là xôi gà. Xin xá lỵ hãy hiện ra cho con nhòm một cái thì dù có gãy cổ chết con cũng cam lòng.

Đích thị  có khấn là có thiêng.

Cái hòm mạ vàng quý ôi là quý mở ra. Tôi trợn to đôi mắt đã bị máu che mờ, cố nhòm vào.

Ối chà chà đẹp ôi là đẹp. Những người khác có thấy ngọc báu không thì tôi không biết, riêng tôi, thấy vô số viên màu xanh óng ánh. Hóa ra không phải màu hồng, mà là màu xanh cơ đấy.  

Chết thì chết, tôi cũng phải sờ tận tay. Con mẹ là thế đấy mẹ ạ. Làm cái gì là làm đến nơi đến chốn. Con mà sờ được vào xá lỵ là dứt khoát nhà ta được đền bù đất, thoát cảnh ở lều.

Tôi đợi thời.

Tôi chờ đến khi rừng người mặc áo vàng và rừng cánh cam xung quanh xá lỵ rên lên vì ngưỡng mộ, ngay cả ông bảo vệ đang khóa cánh tay tôi cũng rên xiết xúc động, tôi mới cắn một nhát vào tay ông ta.

Ông ta kêu ối lên như bị chọc tiết. Nhanh như cắt, tôi mới thò tay vào hòm đựng xá lỵ, quyết  vồ lấy một viên màu xanh. Này, chết thì chết này! Rồi tôi sẽ được sống lại nhờ xá lỵ.

Nhưng tôi bỗng cảm thấy lạnh buốt dưới đầu ngón tay. Tôi rùng mình nhìn xuống 

Thì những viên ngọc xanh đâu chẳng thấy, chỉ thấy một đàn rắn con đang dùng cái mỏ nhọn đục vỡ những cái vỏ xanh, chui ra.

Đàn rắn con lúc nhúc, ngọ ngọay ngu ngơ trong hòm rồi lập tức trườn nhanh như điện ra ngoài chiếc hòm mạ vàng, chui vào ống tay áo vô số người. 

Hình như cổ tôi đã gẫy. Trước khi ngất đi, tôi còn kịp hân hoan lườm giời: Hớ hớ hớ. Ối mẹ ôi! Con gái ngoan của mẹ sờ được xá lỵ rồi! 
Trò chuyện cùng tác giả
Tôi đã nhìn thấy một mẹt cao dê…

* Truyện ngắn này của chị chứa đựng nhiều thực tế khá phũ phàng. Nó có phải một sản phẩm hoàn toàn của tưởng tượng?

- Không hoàn toàn do tưởng tượng đâu. Nó xuất phát từ một bức ảnh trên báo chụp một ngôi chùa rất hoành tráng và bên cổng chùa có một tấm biển quảng cáo, tương tự cái mẹt, bán cao dê.

* Người ta không thấy “nhân vật phản diện” trong truyện ngắn này của chị. Vậy nó đang ở đâu?

- Nhân vật phản diện không xuất hiện vì nó nằm giữa các hàng chữ, tuy vậy nó sừng sững còn hơn cả những trái núi. Nó ám ảnh tâm hồn con người bằng sự mê muội và cái giả. Nó đòi người ta phải hối lộ tinh thần và đi vào “cửa tử”, và đó là cái chết của tâm hồn.

* Chị đã từng là một nhà báo xông xáo, khi không còn làm báo chị có thấy tiếc không? Chị “bù đắp” bằng cách nào?

Tôi rất tiếc bây giờ mình không còn làm báo chuyên nghiệp. Thời đó thật khổ nhưng cũng nhiều sự hay, dù phải đối phó với nhiều áp lực. Thực ra thời đó chúng tôi làm báo “sướng” hơn nhiều đồng nghiệp bây giờ. Hồi đó cánh phóng viên vào theo dõi quốc hội có thể “chặn đứng” bất kỳ ai: từ tổng bí thư, thủ tướng, chủ tịch nước …để chất vấn về việc tăng giá xăng hoặc một vụ bê bối…

Hồi đó nhiều người gần như không bao giờ từ chối trả lời phỏng vấn, vì họ hiểu từ chối trả lời báo chí là kém minh bạch, chưa làm tròn trách nhiệm chính khách. Chúng tôi thường cử vài bạn nữ cầm máy ghi âm lao ra chặn đường các vị ấy để tung ra một câu hỏi thăm dò, rồi cả bọn lao tới…Tôi nhớ, báo chí đã “chặn đứng” được nhiều cuộc tăng giá xăng, điện hay lạm dụng công quỹ, dù chưa được như ý.

Hồi đó, tôi còn viết cả phóng sự điều tra. Có vụ vừa phát hành báo đã gây chấn động, khiến người viết và tòa soạn bị đe dọa. Kết luận thanh tra nhà nước sau khi đấu tranh làm rõ, họ phải thừa nhận tới khoảng 70% sự thật. Hồi đó, Tuổi Trẻ, Thanh Niên trong nhiều vu việc đã là niềm tự hào của dân làm báo.

Nay không thể làm được như thế, tôi bù đắp bằng việc viết một số bài có tính vấn đề.

* Mỗi ngày sống đều không dễ dàng với những người nhiều nghĩ ngợi. Chị làm sao để có được cân bằng?

- Tôi rất may là có nghề viết. Nghề viết “khổ tâm” nhưng không cô đơn dù làm việc một mình. Biết làm sao khác được. Người viết mà thanh thản tâm trí thì nên chuyển sang nghề hát nhép. Bạn đọc chẳng còn hy vọng gì ở họ. Sinh nghề tử nghiệp, tính cách định số phận. Tôi cảm ơn “tổ nghề” đã cho mình được thổ lộ nhiều nhiều, cho mình được có người đọc, người lắng nghe. Đó là sự an ủi và cân bằng vậy.

Ngoài ra, tôi còn được an ủi bởi đôi chút sở thích phù phiếm của phụ nữ, đặc biệt là lòng  biết ơn những gì tốt đẹp trên đời, như đang cảm tạ nắng mùa đông sao mà quyến rũ thế… 

* Kế hoạch viết của chị sắp tới?

- Tôi vẫn viết tiểu thuyết và truyện ngắn, và những bài bình luận báo chí. Nhưng mỗi ngày đều ăn năn, thấy mình kém cỏi vì viết chậm, bởi có bao nhiều điều cần viết, bao nhiêu người khổ sở hoặc bao nhiều thứ phải nói nên lời mà mình hoặc lười hoặc quá cầu toàn nên không kịp thể hiện trên trang viết. Tôi rất khâm phục ý chí của những người mỗi ngày đều viết một số chữ quy định rồi mới làm những việc khác

Tôi luôn nghĩ phải rèn luyện tính kiên trì một cách đều đặn như vậy nhưng quả thực chẳng dễ dàng vì bản thân tôi cũng có tính “đồng bóng” khi đang viết.

Ngô Thị Kim Cúc thực hiện

Tác giả - Tác phẩm
Gai goa di ban cao de (P.2)
Nhà văn Võ Thị Hảo
Nhà văn Võ Thị Hảo sinh tại Diễn Bình, Diễn Châu, Nghệ An, hiện đang sống tại Hà Nội. Chị viết tiểu thuyết, truyện ngắn, viết báo, viết kịch bản phim, vẽ tranh sơn dầu…

Tác phẩm:

Truyện ngắn : Biển cứu rỗi, Người sót lại của Rừng Cười, Tuyển tập truyện ngắn Võ Thị Hảo, Ngậm cười…Góa phụ đen, Hồn trinh nữ, Võ Thị Hả -  những truyện không nên đọc lúc nửa đêm, Ngồi hong váy ướt…

Tiểu thuyết: Giàn thiêu, Dạ tiệc quỷ.

Kịch bản phim: Võ Thị Hảo – kịch bản phim truyện.

Triển lãm tranh: Đường chân trời (2008)



Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gái góa đi bán cao dê (P.2)