Tôi gái góa hai mươi mốt tuổi. Tôi đi bán cao dê.
Cao dê hôm nay bán chạy. Làng Vệ tôi mở hội lớn, người trẩy hội về chùa đông đặc đầu đen, trông xa giống như đại hội bọ hung.
Đây là lễ hô thần nhập tượng khánh thành chùa mới. Tam quan chùa mới ba tầng thâm thâm tai tái màu cờ đám ma.
Chùa to bằng quả đồi, hãnh diện án ngữ chùa cũ, vừa nhìn đã thấy nể sợ.
Ngôi chùa cổ người làng Vệ tôi đẽo đá tạc gỗ mà dựng nên và chăm chút hương khói từ cả ngàn năm nay giờ trở thành lép vế. Từ tượng Phật cho tới tượng ông thần ông thánh nay bỗng còm nhom. Ông Thiện ông Ác cũng ủ rũ buồn hiu, mắt nhìn ra chiều bẽn lẽn.
Cái tên cha sinh mẹ đẻ của chùa cũ cũng bị cướp mất tiêu. Thì ra cái tên cũng có chân, cứ theo đồng vàng tượng ngọc mà đi, nay đã chễm chệ uy nghi sáng chóe trên chùa mới. Càng ngắm nhìn càng nể người xây chùa. Tên thì là chùa ta mà hình dung thí cứ như lăng mộ người nước bạn.
Người làng tôi rỉ tai nhau rằng đến chùa cũ thì phải uốn chân bảy lần, tung đồng tiền cũ, mặt dương ngửa thì đi, mặt dương sấp, có đi cũng chỉ công cốc. Muốn cầu tài cầu lộc thì cứ thẳng đến chùa mới, đường to đường lớn thế không đi thì để làm gì. Thần Phật ở đó nhiều vô kể, mỗi ông đều cao to nghễu nghện, chưa kể cơ man những đá tảng đá to đùng khắc tên những ông bà giàu tiền đang xập xòe muốn cất mình thành Phật sống. Cứ đến đó mà lạy mà cầu, không lọt tai ông này cũng lọt tai ông khác.
Tôi không biết uốn chân thế nào. Chân tôi lục cục những xương những gân. Thì tôi đành múa chân. Như cách đi chân chữ bát. Muốn đến chùa cũ bây giờ phải ngoằn ngoèo lượn qua những đường đất.
Tôi nín thở chui qua tam quan chùa mới hun hút sâu như cổng đưa hồn người chết. Đi mãi mới ra được sau lưng chùa mới. Chưa đến chùa cũ đã thấy nghi ngút khói nhang, tới gần là đã lạnh gáy. Từ trên bệ thờ vọng ra hàng loạt tiếng thở dài sườn sượt xen lẫn tiếng khóc nấc.
Tôi là đàn bà nhưng không mau nước mắt. Tôi đã khóc cha tôi, chồng tôi chết trẻ và khóc cái thân tôi gái góa hết sạch nước mắt rồi. Tôi nay đã có gan cóc tía. Tôi chỉ đến trước mặt bàn thờ, con mắt liếc ngang, hai tay chắp lại nói ai thương thần thì vào tưới cho thần chén rượu. Ai thương Phật thì vào cắm cho Phật nén nhang. Người không rượu không nhang thì cũng cứ nên hờ một câu cho các vị ấy thỏa lòng.
Vì Phật này là Phật cũ, Phật làng Vệ tôi. Người làng Vệ tôi, nay cứ ngơ ngác như đàn trâu bị đánh cho chạy cong đuôi khỏi đồng cỏ, nhường đất thấm máu cha ông khai khẩn cho chùa mới.
Rồi từ độ đó, thần Phật khóc nghẹn trách người làng tôi xa mặt cách lòng, bỏ hương tàn khói lạnh.
Người làng tôi nay chỉ mê nhìn Phật béo ngồi sừng sững như quả đồi trước sân chùa mới. Phật cười hơn hớn mình đeo đầy tiền. Nhìn Phật cười quen rồi, lại thấy khó chịu khi nhìn Phật cũ cứ ngồi thương khó sự đời. Người làng tôi đã học cách dùng tiền thật dán lên Phật béo cầu tài. Phật cũ làng Vệ cứ đứng đó khóc nghẹn đúng là chẳng biết tùy thời.
***
Tôi phận gái góa đi bán cao dê.
Tôi tai điếc tai sáng, cũng a dua theo người ta, chỉ thích thấy Phật cười mà lánh xa Phật khóc. Vả lại, nghe bảo rằng hôm nay người ta rước xá lỵ cho chùa mới. Người làng tôi từ bao đời nay thấy chùa chẳng thấy xá lỵ mà vẫn thấy Phật, giờ nghe nói phải có xá lỵ mới có Phật, lập tức thấy nôn nao, chỉ muốn nhào vô sờ tận tay cho bõ thèm.
Ông cậu tôi làm nghề dẫn khách đi ngang dọc thăm thú chùa mới đã vài tháng nay, đường ngang đường tắt đường xa đường gần nào cũng thông tỏ. Cậu ngày càng phởn.
Xá lỵ là gỉ là gì ư? Cậu ngồi gác chân lên bàn trả, mắt lim dim ra chiều khinh bỉ tôi là đứa dốt nát, chỉ vẽ tường tận rằng xá lỵ là xương là thịt Phật sau khi hỏa thiêu hóa ra những viên tròn lóng lánh như ngọc. Quý lắm, báu vô kể. Tôi bảo rằng ôi thế thì đẹp quá là đẹp nhỉ, lẽ ra nên bán đi để xây chùa hoặc chia cho mỗi nhà mất đất một ít tiền dựng lều mà ở. Nếu cứ để ở chùa, sớm muộn gì cũng bị chúng lấy cắp.
Cậu tôi nóng mắt cho tôi một bợp tai, bảo mày ngu dại ít học chẳng biết phải trái, ai lại đi bán xá lỵ bao giờ. Mà chuyện đó là chuyện thiêng, miễn bàn, để treo đầu lưỡi thì chết oan có ngày. Hôm nay mày phải ra chùa mới mà xem người ta hô thần nhập tượng thì mới mở được cặp mắt chó giấy của mày ra.
Mà mày phải biết rằng khi có chùa mới rồi thì đừng có lắng xắng đi sang chùa cũ. Khôn ngoan ở đời thì phù thịnh chớ có phù suy. Mẹ con mày bán cao trâu toàn tính mà bảo cao dê, đã thế có lúc còn lòe cao rắn cao mèo, phải khấn vái ở chùa Phật béo thì mới được phù hộ đắt hàng. Làm gì cũng phải đầu tư, cúng bái là đi buôn, mà buôn này là buôn một vốn mười lời trăm vạn lời, biết chưa.
Tôi hỏi tại sao lại thế, cậu tôi tảng lờ, rồi lúng búng bảo rằng chùa mới Phật mới, thấy ghi đầy tên các vị á Phật chỉ quen ngửa tay nhận tiền rồi mới sấp tay ban phép. Những vị á Phật này còn quen nhận tiền chuyển nhanh xuyên lục địa, chỉ nhận tiền dương thế không nhận tiền âm phủ, thế nên mới phù hộ nhanh như điện, vừa cầu cửa trước, chạm cửa sau đã thấy ứng nghiệm.
Nói gì thì nói, trước sau cậu tôi cũng là chúa rắc rối. Cậu tôi đi theo hầu đủ loại người, nghe lỏm đủ thứ chuyện, nghe cậu kể lại chẳng biết thực hư ra sao. Tôi chán chẳng thèm nghe.
Tôi sắm nắm mặc chiếc áo thun lạnh Trung Quốc màu đỏ, cổ trễ sâu. Đôi vú tôi như đầu hai viên đại bác, nhức nhối khiêu khích chỉ muốn xé toang làn áo mà lao vụt ra ngoài. Mặc thun lạnh bó sát người để nổi vòng lưng ong gái góa tôi chưa từng sinh nở, vì các chú các bác các anh nhìn cao dê thì ít mà nhìn mông nhìn ngực tôi thì nhiều. Khách nói cả người tôi mới là thỏi cao dê toàn tính.
Cao dê thì cao dê. Tôi mang mẹt cao dê ra chùa mới, nơi có hai ông sư tử Trung Quốc to quá là to canh cửa. Thật chẳng hổ danh ở chùa này cái gì cũng to nhất.
Tôi đặt mẹt cao dê xuống đất, cúi dập đầu vào tượng Phật béo mà khấn: Ông hổ ơi ông hổ…, à mà ông sư tử ơi, xin ông phù hộ cho tôi hôm nay bán cao dê đắt hàng.
Ông canh chùa đứng bên cạnh, nghe tôi khấn to, liền gắt: Phải gọi là hai ông tỳ hưu. Hai ông ấy từ nước bạn đi sang đây chứ không phải thứ gà què ăn quẩn cối xay như nhà mày đâu. Tên hai ông ấy sang thế, sao mày cứ nôm na mách qué nào hổ nào sư tử. Mày có biết tỳ hưu là ông gì không?
Dạ thưa nhà cháu cả đời chưa ra khỏi cái chợ cách nhà ba trăm bước chân, làm sao biết được cái ông tỳ hưu. À, thì bây giờ mày biết. Đó là cái giống chỉ ăn vàng ăn bạc mà không ị bao giờ. Chẳng nói một năm chứ cả trăm năm ngàn năm cũng không ị, của cải thiên hạ đổ vào mồm là giữ rịt lại cho chủ nhân, không mất đi đâu một ly một lai nào hết.
Tôi ngửa cổ lên thành kính nhòm vào mồm hai ông tỳ hưu. Đúng là mồm hai ông ấy há to, không rõ là cười vì được ăn vàng hay đang dọa người buộc phải nôn vàng ra. Tôi bỗng chạnh lòng thương hai ông ấy bị táo bón lâu ngày, chịu thế quái nào được, có lẽ miệng các ông ấy há ra là để chuẩn bị nôn ra tiền ra bạc cho nhẹ cái bụng.
Tôi lập tức ngửa hai bàn tay ghé dưới mồm hai ông. Nếu các ông nôn ra tiền ra bạc thì hãy nôn ngay bây giờ, có tôi đứng sẵn ở đây hứng, để tôi khỏi phải ngày ngày đi bán dạo cao dê cao mèo cao rắn nấu từ cao trâu toàn tính.
***
Trời đất cha mẹ ơi, làng tôi hôm nay quả thật là đông vui. Bốn phương tứ chiếng đổ về, tay ai cũng lăm lăm tiền thật, xôi gà xôi lợn và bao nhiêu thứ ăn được màu sắc sặc sỡ nhìn hoa cả mắt.
Những đầu lợn choai phết phẩm đỏ ánh ỏi ngạo nghễ giương đôi mắt lờ đờ, hai đùi choãi ra cưỡi trên cỗ xôi đầy tú hụ. Sao tôi đi bán cao dê cao mèo cao rắn mà cứ thấy mình như có họ hàng với đám lợn đang cưỡi cỗ xôi kia nhỉ?
A ha ha, thì ra là đám lợn nhà hàng xóm. Nhà ấy trước làm vàng hương bán cho người vào lễ ở chùa cũ, nay có chùa mới, chuyển ngay sang làm đồ tể giết trâu giết bò giết dê làm đặc sản, trở thành nguồn xương cho mẹ tôi lâu nay. Bây giờ nhà ấy lại quay lợn nấu xôi làm cỗ bán cho khách giàu từ thập phương đến khánh thành chùa mới.
Tôi nhận ra đôi mắt chết của đám lợn ấy thế mà quen. Có lẽ là vì đêm qua, khi tôi lượn sang nhà hàng xóm nhặt xương về nấu cao, tôi thấy một đám hàng trăm con lợn choai đang bị trói vào cái thang, chân chổng lên trời đầu chúc xuống đất. Mắt chúng trợn ngược lên đau đớn nứt khóe, thân mình co giật dữ dội, máu phun phè phè từng đợt trong tiếng òng ọc phì phịt từ chiếc họng bị cắt gần đứt khi lưỡi dao nhọn thọc vào cổ.
Phật ạ, Phật ở gần chỉ cách chúng con một bức tường xây xi măng dỏm, Phật có nghe tiếng rú và tiếng run giật của hàng vạn con lợn bị chọc tiết?
Tôi vân vi ngẫm lại. Thực ra con lợn choai không thể chảy quá nhiều máu. Máu chỉ đọng thành vũng dưới đáy chậu thau. Vậy mà sàn nhà hàng xóm vẫn ngập tràn máu, màu đỏ ánh đen hắc lên trong đêm tối.
Tôi lại nghĩ dại: khi chết trong lò quay, lũ lợn có để lại xá lỵ không nhỉ?
Vừa nghĩ thế, tôi liền sợ hãi chết rồi chết rồi, đồ ngu khổ ngu sở, ai lại nghĩ phạm thượng thế. Tôi liền đập đầu vào chân tượng, cắn lưỡi ba lần tự trừng phạt. Mồm tôi máu chảy ròng ròng. Tôi không dám rửa cũng không dám nuốt, bụng bảo dạ đợi đến lúc nào Phật béo gật đầu thì mới đi rửa máu ở mồm, thế mới gọi là đền tội.
Mẹ tôi chuyên nấu cao lợn cao trâu rồi dán nhãn cao dê cao mèo cao rắn bán cho khách vãng lai đến cầu khấn xin lộc xin tài nơi chùa mới.
Mẹ tôi nói rằng nhà ta bây giờ đổ đốn, sống chẳng hơn gì loài chó lợn, không đáng làm người vì nấu cao lợn cao trâu toàn tính lại bảo rằng cao dê. Nhưng rồi mẹ lại chép miệng bảo thôi thịt trâu nay cũng thành đặc sản, ăn cao trâu toàn tính không bổ ngang cũng bổ dọc.
Vài năm nay chỉ một vùng này thôi đã đầy chuyện cướp giết hiếp. Đầy đường báo loa rao các vụ cướp giết hiếp nghe cứ như tiếng reo mừng. Làng tôi cũng vậy thôi. Mười người bị hiếp chín người câm như hến vì sợ nhục sợ bị giết. Nếu ai cũng uống cao dê thật thì đàn bà con gái xứ này hết đường sống ư?
Cậu tôi nghe nói thế, cười khà khà rằng cao dê bán chạy chẳng qua là đàn ông bây giờ mười thằng thì hết bảy thằng liệt dương. Liệt là vì não teo lại bằng hòn cà, suốt ngày chẳng thể nghĩ ra chuyện gì hay ho thì cứ nhìn xuống dưới rốn, tiêu xài cạn ráo cái của trời cho. Thế mới phải đốt đuốc đi tìm nào rượu Minh Mạng nào cao dê nào Viagra nào sừng tê để tự lừa mình, có uống cho lắm vào thì con giun chết vẫn cứ là con giun chết, chẳng công dụng gì sất.
Mẹ nói, cực chẳng đã mà mẹ con tao phải đi lừa đảo vặt thế thôi. Thiên hạ người ta lừa được những cục vàng to bằng cái đấu, mình thế này chẳng qua là chó cùng rứt giậu kiếm miếng đút vào mồm.
Cao trâu toàn tính chỉ bắt đầu có từ khi ngôi nhà của ông tôi đã năm đời nép vào chân núi dưới chùa cũ bỗng bị cái máy xúc to bằng mười con voi từ đâu đến chõ vào nhà chúng tôi rủa sả bằng những tiếng gào rú điếc tai. Nó gào được ba hơi thì căn nhà cột gỗ lim đã sống qua năm đời của dòng họ tôi sập xuống, cột kèo mẻ vỡ nằm sõng sượt như thể xác chết bom.
Nhà bị san phẳng, đến cả móng nhà cũng bị quật toác hoác để lấy đất xây chùa mới. Mẹ con tôi gào khóc hết hơi, chạy lòng vòng quanh cái máy xúc như hai con cào cào chạy quanh con trâu. Van vỉ hết nước hết cái vẫn không được, mẹ tôi liều lĩnh tụt quần lăn khắp nền nhà vừa lăn vừa giãy đành đạch để cố giữ đất vậy mà vẫn chẳng ăn thua.
Cậu tôi thấy thế lại cười ha ha ha nói bà chị càng tụt quần bọn họ càng phấn chấn, tinh thần càng lên cao. Cả đoàn cứ đứng trố mắt nhìn hau háu cười khật khưỡng, đố có đứa nào xấu hổ mảy may. Chiến thuật của “đội quân tóc dài” ở thời này là lạc hậu rồi bà chị ơi, nó chỉ ăn thua khi đối phương còn biết xấu hổ, còn giờ bà chị cởi truồng chúng lại quay phim chụp ảnh bằng điện thoại, khác gì xem phim con heo miễn phí, thì còn nước mẹ gì. Thôi, em đưa cho vài đồng, mẹ con quây bạt làm lều, nấu giả cao dê bán, em đã đút lót tay trưởng ban bảo vệ chùa chút ít nên cũng được bán dạo trước cổng chùa kiếm tiền mà sống.
Thế nên mới có mẹt cao dê đeo trước bụng tôi bây giờ. Khách vừa mua, vừa ngửi, rồi đưa lưỡi liếm, nhăn mặt chê tanh, nghi ngờ che bai nhưng rồi cũng mua vài lạng, có người mua vài cân, nói để làm quà cho người nhà. Nhưng tôi hiểu anh ấy chú ấy ngụ ý rằng tôi là con đực ngon lành, chẳng có vấn đề gì, vấn để là của kẻ khác kia. Mặc dù ai chẳng biết họ mua để tự bồi bổ. Đàn ông rõ buồn cười. Liệt dương thì có sao, giun đất thì giun đất, có gì đáng xấu hổ nào, thế mà lại coi là nỗi nhục lớn nhất và cố sống cố chết mà giấu.
Chân dung tác giả Võ Thị Hảo |
Truyện ngắn này của Võ Thị Hảo có “giọng lưỡi” của một công dân hạng C tiêu biểu: một cô gái bán cao dê nấu từ xương trâu xương heo. Cú lừa của cô chỉ là cú lừa vặt để kiếm cơm so với những cú lừa cực lớn ở những tầng lớp khác, mà ngay cả nhà chùa cũng không tránh khỏi. Người ta nhìn ra một báo động văn hóa-tinh thần cấp thiết: khi thần Phật còn bị lợi dụng, bị buôn bán thì liệu con người sẽ biết dựa vào đâu trong cuộc chiến với cái ác và cái giả.
* Lâu lắm mới thấy truyện ngắn của nhà văn Võ Thị Hảo. Điều gì khiến chị trở lại viết truyện ngắn thay vì tiểu thuyết?
- Tôi vẫn viết truyện ngắn nhưng rất tiếc là có những truyện chưa được phép xuất bản nên đành hẹn bạn đọc trong nước một dịp khác. Truyện ngắn là thứ quyến rũ mà tôi dẫu viết tiểu thuyết nhưng vẫn không thể bỏ được.
* Độc giả vẫn nhớ rõ câu chuyện đẹp đẽ một cách não nề về những nữ thanh niên xung phong của chị, Người sót lại của rừng cười. Chị có tiếp tục khai thác chất liệu thời chiến nữa không? Vì sao?
- Cảm ơn chị đã nhớ đến truyện ấy. Lâu lắm rồi nhỉ. Từ những năm 1990… Chất liệu thời chiến và hậu chiến Việt Nam là một kho tư liệu và cảm hứng vô tận cho những người viết. Với tôi cũng vậy. Viết về mảng đề tài này ngày càng cần sâu sắc, độc đáo hơn và đòi hỏi tầm nhìn khách quan hơn để vượt khỏi những khuôn khổ hẹp hòi, đơn cực và giáo điều. Quan trọng là mở tầm mắt và phải cố vượt qua sự dễ dãi của bản thân mình.
* Trong mắt chị, hiện thực cuộc sống hiện nay nổi bật nhất là điều gì? Chị giải thích nó thế nào?
- Là sự vô luân, cái giả và cái ác của ngày hôm sau lại gây sốc hơn ngày hôm trước và thực tế ấy còn vượt xa sức của các “nhà tưởng tượng”, khiến người viết nhiều khi gần như bị rút hết sức lực, xuôi tay. Mọi cố gắng cân bằng lại của ánh sáng tưởng chừng bất lực trước bóng tối. Nhưng đã là người viết thì không được phép tuyệt vọng và phải tự hồi phục vì không thể để bị trói tay trước thứ hiện thực ấy.
* Theo chị, tình yêu và cái đẹp đang ở đâu trong đời sống mỗi người thời điểm này?
- Tình yêu và cái đẹp đang “kinh hồn bạt vía” trước cái ác và cái giả. Chúng là những kẻ mồ côi trong dương gian và đang ở trọ đâu đó. Thỉnh thoảng chúng mới về nhưng gọi về rất khó vì cái đẹp và tình yêu nhiều khi bị ruồng bỏ và giết chóc để con người dễ bề “hội nhập” vào sự điên đảo của xã hội.
* Chị có theo dõi văn học Việt Nam không? Chị nhìn ra điều gì ở đó?
- Tôi thấy bèo thì nổi, mốp thì nổi lên mặt nước, còn những thứ trân quý hiếm hoi, có năng lực khai sáng tâm hồn con người thì chìm, thậm chí không được xuất hiện. Hiện trạng cũng hòa nhịp tuyệt đối với văn hóa trình diễn “cởi tất” mà những “gái bao, trai bao” đang phô phang trong cuộc trình diễn thời hiện tại.
* Văn hóa đời sống đang có vấn đề. Và vì thế, tôn giáo mà cụ thể là Phật Giáo, một đạo gốc của người Việt đang trở thành “nạn nhân”. Vì sao lại là Phật giáo mà không phải một tôn giáo khác?
Theo tôi, Phật giáo là một tôn giáo có nhiều mặt rất tuyệt, rất tôn trọng tinh thần tự do, bình đẳng và nhân đạo của con người. Nếu Phật giáo phát triển lành mạnh thì sẽ an ủi và hướng thiện con người, khiến người ta bớt tham ác, biết sợ chính mình. Phật giáo hiện đang bị lợi dụng và có hệ thống. Có thể là vì các vị có trách nhiệm cao của tôn giáo này chưa quan tâm thích đáng tới tính minh triết của Phật giáo, hoặc chưa có được những chiến lược và sách lược quản trị phù hợp để ngăn chặn loại “sư giả trang”.