Theo dự kiến, Festival nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 26 - 28.12.
Sự kiện

Festival nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2024 có gì nổi bật?

Trần Khải 05/07/2024 15:47

Theo dự kiến, Festival nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 26 - 28.12.

Chiều 5.7, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức buổi họp báo thông tin về sự kiện Festival nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2024.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, Festival nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2024 nhằm tôn vinh nghề muối truyền thống, nâng cao giá trị nghề muối của Việt Nam nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng. Đồng thời, khơi dậy tình yêu nghề truyền thống của thế hệ trẻ có trình độ tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp từ nghề muối; tăng cường mối liên kết các sản phẩm của người làm muối đến với thị trường, quảng bá nghề muối và các giá trị nghề muối, nâng cao giá trị kinh tế từ nghề cho người làm muối.

ct..jpg
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu thông tin về sự kiên Festival nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu 2024

Với chủ đề “Nâng tầm giá trị hạt muối Việt Nam”, Festival nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2024 dự kiến diễn ra từ ngày 26 - 28.12, bao gồm các hoạt động như: lễ khai mạc và bế mạc; chương trình khảo sát thực tế cánh đồng muối tỉnh Bạc Liêu và lễ khánh thành dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối Đông Hải (huyện Đông Hải); hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm và triển lãm thương mại các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp, hợp tác xã; hội nghị xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; hội thảo “Ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất muối, thích ứng với biến đổi khí hậu”...

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, muối Bạc Liêu (còn gọi là Muối Ba Thắc) là thương hiệu dân gian nổi tiếng gắn liền với người làm muối tỉnh nhà và trở thành nghề truyền thống của người dân xứ biển.

“Nghề muối tỉnh Bạc Liêu được hình thành và phát triển hơn 100 năm. Với gần 1.500ha, tỉnh Bạc Liêu là một trong những địa phương có diện tích sản xuất muối lớn của cả nước. Trong vụ mùa năm 2023, sản lượng muối toàn tỉnh đạt trên 27.000 tấn, trong đó muối trắng trải bạt là hơn 7.300 tấn, còn lại là muối sản xuất truyền thống. Năng suất trung bình đạt gần 17 tấn/ha (đối với sản xuất muối truyền thống) và trên 37 tấn/ha (đối với muối trải bạt). Tổng số hộ sản xuất muối trên địa bàn tỉnh là 767 hộ, với 1.520 lao động. Năm 2024, việc sản xuất muối của các hộ dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục thuận lợi nhờ nắng nóng kéo dài. Qua đó, giúp cho người làm muối gia tăng thu nhập từ nghề làm muối truyền thống”.

m.jpg
Nghề làm muối ở Bạc Liêu

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, nghề làm muối ở Bạc Liêu đã trải qua nhiều thăng trầm, hạt muối gắn bó với đời sống lao động sản xuất và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Dù còn nhiều khó khăn nhưng người làm muối luôn quyết tâm bám trụ lấy nghề với niềm hy vọng nghề muối sẽ khởi sắc. Chủ trương của tỉnh là phải giữ cho được nghề muối truyền thống, điều này được khẳng định thông qua việc phê duyệt đề án nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021-2030.

Sản phẩm muối ăn Bạc Liêu được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH-CN công nhận chỉ dẫn địa lý năm 2013. Cuối năm 2020, nghề muối tỉnh Bạc Liêu được Bộ VH-TT-DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Muối Bạc Liêu không chỉ được nhiều người ưa chuộng, sử dụng rộng rãi trong nước mà còn được xuất khẩu sang các nước, nhất là thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc... Đến nay, 10 sản phẩm muối được công nhận đạt chứng nhận OCOP.

hb.jpg
Quang cảnh buổi họp báo

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, để nâng tầm sản phẩm, khai thác có hiệu quả chứng nhận chỉ dẫn địa lý, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ các công ty muối quy trình công nghệ để chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ hạt muối, phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và định hướng xuất khẩu.

“Tỉnh Bạc Liêu cũng chú trọng khâu liên kết trong sản xuất, chế biến giữa hợp tác xã với doanh nghiệp; phát huy vai trò tổ chức và điều phối giữa các thành phần liên kết của chính quyền các cấp và có kế hoạch cụ thể cho tiến trình liên kết; thúc đẩy xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã ứng dụng thành tựu từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 gắn với liên kết chuỗi giá trị. Đồng thời, tập trung khai thác và phát triển thương hiệu muối ăn Bạc Liêu được chứng nhận chỉ dẫn địa lý; đẩy mạnh, mở rộng, đổi mới công tác xúc tiến thương mại theo hướng quảng bá những giá trị dinh dưỡng khác biệt, những tính chất đặc trưng, đặc thù trong hạt muối Bạc Liêu”, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết.

Cùng với những thuận lợi có được, nghề muối tại Bạc Liêu cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như sản xuất muối phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, năng suất không ổn định; đầu ra sản phẩm còn lệ thuộc phần lớn vào thương lái; người làm muối có thu nhập thấp, bấp bênh nên đời sống không ổn định; nhiều hộ làm muối đã chuyển đổi mô hình sản xuất để có thu nhập cao hơn…

Ngoài ra, việc tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật của người dân còn hạn chế và chậm thay đổi, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm sản xuất truyền thống. Một bộ phận người làm nghề thiếu vốn đầu tư cũng như thiếu các thông tin kỹ thuật mới.

Đặc biệt, mô hình hợp tác, liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp bước đầu được triển khai nhưng còn bất cập về phương thức đầu tư, liên kết bao tiêu sản phẩm dẫn đến phát triển chưa bền vững nên hiệu quả kinh tế trung bình nhiều năm qua còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Festival nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2024 có gì nổi bật?