Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) già cỗi tự ngàn xưa khi những ngọn núi lửa thôi phun trào. Ngày nay, đó là một hòn đảo tiền tiêu quan trọng để giữ vững chủ quyền biển tổ quốc. Tuy nhiên, quá trình phát triển của huyện đảo này còn nhiều thứ cần sắp xếp lắm mới tương xứng với tiềm năng và tầm quan trọng. Và đã có một cuộc làm mới...

F5 Lý Sơn - Kỳ 1: Những mặt trái chua xót sau khi điện lưới về đảo

Lê Đình Dũng | 15/09/2017, 05:54

Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) già cỗi tự ngàn xưa khi những ngọn núi lửa thôi phun trào. Ngày nay, đó là một hòn đảo tiền tiêu quan trọng để giữ vững chủ quyền biển tổ quốc. Tuy nhiên, quá trình phát triển của huyện đảo này còn nhiều thứ cần sắp xếp lắm mới tương xứng với tiềm năng và tầm quan trọng. Và đã có một cuộc làm mới...

Nơigiao thoa các nền văn hóa

Cách đây 10 triệu năm, Cù Lao Ré hay đảo Lý Sơn được hình thành từ hoạt động phun trào của núi lửa. Theo khảo sát, có ít nhất khoảng 10 miệng núi lửa ở khu vực quanh đảo. Toàn huyện có diện tích hơn 10km2 với tổng số dân khoảng 23.000 người, tập trung chủ yếu ở đảo Lớn. Từ đảo vào đất liền nơi gần nhất (cảng Sa Kỳ, Bình Sơn, Quảng Ngãi) tầm 30km.

Theo TS. Phạm Quốc Quân (Ủy viên Hội đồng Giám định cổ vật Việt Nam), bên cạnh di sản thiên nhiên, huyện đảo Lý Sơn còn đậm đặc di tích văn hóa. Với diện tích 10km2, đảo có 56 di tích, là một mật độ hiếm nơi nào có được trên đất liền.

Cảnh đẹp ở đảo Bé, Lý Sơn

Ngoài báo dẫn về di tích Hậu kỳ đá cũ cách đây 30 vạn năm thì Lý Sơn còn 2 di tích được biết cho tới nay thuộc văn hóa Sa Huỳnh là Xóm Ốc và Suối Chình có niên đại cách đây khoảng 3.000-2.500 năm. Đây có thể coi là lớp cư dân đầu tiên ra khai thác và sinh sống ở đảo.

Lớp cư dân tiếp theo là người Chăm Pa có niên đại cách nay khoảng 2.000 năm kéo dài tới tận thế kỷ 16-17. Dấu ấn để lại rõ nét nhất là các đền thờ nữ thần Thiên Y Ana, đền thờ thần bò Na Đin. Dưới nền chùa Hang, nay là chùa thờ Phật của người Việt, còn nhiều di vật Chăm Pa và rất nhiều trong số đó đã được sử dụng lại làm bàn thờ cho Phật điện.

Lớp văn hóa kế tiếp là của người Việt; đó là lớp cư dân ra khai khẩn lập làng trên đảo vào thế kỷ 16, 17. Họ là những cư dân ở xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) cùng với người ở An Hải và Sa Kỳ của huyện Bình Sơn, gồm 15 vị tiền hiền của 15 dòng họ lớn di cư ra đảo. Đến hôm nay, nhiều kiến trúc đình làng, nhà thờ họ, chùa chiền lăng miếu, nhà gỗ mang đậm truyền thống văn hóa của người Việt vùng duyên hải Quảng Ngãi.

Những thắng cảnh hùng vĩđược tạo thành từ hoạt động phun trào núi lửa cách đây hàng chục triệu năm làm Lý Sơn có vẻ đẹp riêng

Nhiều lớp cư dân cư trú trong nhiều ngàn năm đã tạo nên nhiều giá trị văn hóa phi vật thể trên huyện đảo này. Tiêu biểu nhất là lễ Khao lề thế lính gắn với hải đội Hoàng Sa có từ thời vua Nguyễn, lễ hội đua thuyền Tứ linh, lễ tế Thần Thiên Y Ana, lễ xuống nghề và lên nghề cửa vạn, lễ tế tiền hiền, lễ tế xuân thu nhị kỳ…

Thời các Chúa Nguyễn mở mang bờ cõi, Lý Sơn đã là hòn đảo tiền tiêu để thực thi việc xác định chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Những đội hùng binh hằng năm vâng mệnh triều đình từ nơi đây giong buồm ra khơi xa, mang theo những khúc bi tráng đến những mảnh đất xa xôi nhất của tổ quốc, vọng mãi tới bây giờ. Bảo tàng Trường Sa-Hoàng Sa trên đảo hiện nay là công trình hiện đại, nhưng là một điểm đến của du khách nếu muốn tìm hiểu về chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Ở Lý Sơn còn khá nhiều tàn tích của những con tàu cổ bị đắm chìm khi hòn đảo này từng là điểm dừng chân của các tàu buôn trên hải trình Đông-Tây, con đường tơ lụa trên biển, con đường gốm sứ qua hàng chục thế kỷ thông thương.

Lý Sơn mất nhiều quá

Lý Sơn cách đường hàng hải quốc tế 90 hải lý, cách đảo Tri Tôn (quần đảo Hoàng Sa) khoảng 121 hải lý, cách đảo Trường Sa khoảng 445 hải lý; lịch sử khai phá, cai quản Lý Sơn và vùng Biển Đông 400 năm nay của nước ta đã minh chứng tầm quan trọng của nó. Trong “thế kỷ của đại dương” này, những hòn đảo như Lý Sơn càng có tầm quan trọng đặc biệt.

Núi Thới Lới lớn nhất đảo Lý Sơn nhưng trọc lóc cây cối

Ngày 28.9.2014 huyện đảoLý Sơnchính thức hòa điện lưới quốc gia tạo tiền đề cho một trang phát triển mới bắt đầu.

Sau khi có điện, Lý Sơn phát triểnđến chóng mặt. Nhà cửa, khách sạn, các cơ sở dịch vụ ăn uống đua nhau mọc lên không theo quy hoạch nào. Một hòn đảo nhỏ nhưng ồ ạt bê tông hóa. Bây giờ ra Lý Sơn, ngồi cạnh cầu cảng An Vĩnh chẳng khác nào ở các con đường ở phố thị trên bờ, inh ỏi còi xe, khói xăng mù mịt.

Về mặt môi trường, Lý Sơn đang ngày có biểu hiện ô nhiễm. Nhiều gia đình trên đảo hiện vẫn chưa có nhà vệ sinh. Các bãi biển bị xả rác rất nhiều. Quy hoạch xây dựng nghĩa địa chưa có nên người dân vẫn chôn cất người chết không tập trung trong khi quỹ đất eo hẹp. Có điện, người dân tốc lực hút nước ngầm để làm tỏi, hậu quả đang hiện hữu là mạch nước ngầm bị nhiễm mặn nghiêm trọng.

Hoạt động nông nghiệp trồng hành tỏi chiếm nhiều diện tích đất và đe dọa ngày càng nhiều nguồn nước ngầm trên đảo

Người Lý Sơn thu hoạch hành

Vào tháng 12.2014, trong hội thảo quốc gia định hướng phát triển và cơ chế, chính sách đặc thù cho đảo Lý Sơn; TS. Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó tổng cục biển và hải đảo Việt Nam, đã phải xót xa mà nói rằng Lý Sơn đã bị mất đi nhiều quá.

Theo tiến sỹ, Lý Sơn đã mất đi 3 cái cốt lõi. Mất dưới biển toàn bộ dãy san hô ở bãi bằng. Theo khảo sát, diện tích phân bố rạn san hô quanh Lý Sơn trên 1.000ha tính từ bờ đảo xuống độ sâu 300m. Việc lấy đất cát ở các rạn san hô để trồng hành tỏi trên đảo diễn ra từ lâu; tỏi được nhưng san hô mất.

Thứ hai, Lý Sơn mất quá nhiều rừng. Cách đây khoảng trên dưới 100 năm, diện tích rừng trên đảo chiếm khoảng 70% với hệ thống động thực vật khá phong phú, đa dạng. Nhưng hiện nay trên đảo này hiện chỉ có 19,6% diện tích được phủ xanh.

Thứ ba, từ việc phá vỡ hệ sinh thái san hô đã làm mất toàn bộ nghề nuôi trồng thủy sản trên đảo, mất đi những đặc sản mà ngày xưa chỉ có vùng này có để tiến vua.

Có điện, Lý Sơn phát triển quá nóng với việc xây dựng rầm rộ không có quy hoạch

Có một cảm nhận chung khi ra Lý Sơn bây giờ là chẳng còn gì ngoài cây tỏi. Nhưng một đảo nhỏ như vậy chắc chắn không thể phát triển nông nghiệp và lấy nó làm thu nhập chủ lực cho người dân được. Lý Sơn phải là một đảo xanh, phát triển kinh tế biển xanh gắn với hoạt động bảo tồn thiên nhiên đối với biển. Ra biển không phải để làm nông nghiệp.

Do đó, việc đầu tiên và xuất phát điểm ban đầu để bàn việc đưa Lý Sơn phát triển là trả lại cho nó những gì vốn có. Phục hồi rừng, biển, phục hồi nghề nuôi, tiếp tục phát triển xa bờ.

Không những vậy, trong xu thế hiện đại, với những giá trị văn hóa, lịch sử mà Lý Sơn sẵn có thì việc phát triển du lịch, dịch vụ mới là hướng đi bền vững và lâu dài.

Kỳ tới:Người trẻ trên đảo già​

Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
F5 Lý Sơn - Kỳ 1: Những mặt trái chua xót sau khi điện lưới về đảo