Những ngày qua, rất nhiều người dân băn khoăn khi biết 15 trường hợp F2 của bệnh nhân 1979 (nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất) dương tính với SARS-CoV-2, nhưng F1 của anh này âm tính. Vì sao F1 âm tính mà lây cho F2? Thực hư của vấn đề này thế nào?

F1 âm tính mà F2 dương tính với SARS-CoV-2 có bất thường không?

Hồ Quang | 10/02/2021, 15:31

Những ngày qua, rất nhiều người dân băn khoăn khi biết 15 trường hợp F2 của bệnh nhân 1979 (nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất) dương tính với SARS-CoV-2, nhưng F1 của anh này âm tính. Vì sao F1 âm tính mà lây cho F2? Thực hư của vấn đề này thế nào?

Bệnh nhân âm tính lúc này nhưng trước đó có thể đã lây bệnh

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM ngày 8.2, TP phát hiện 25 ca mắc COVID-19 qua việc xét nghiệm 149 trường hợp tiếp xúc F1, F2 của bệnh nhân 1979 và cả 20 trường hợp nghi ngờ khi làm mẫu gộp. Qua đó cho thấy có đến 15 trường hợp là F2 dương tính mà F1 âm tính với SARS-CoV-2.

f1-am-tinh-ma-f2-duong-tinh-co-bat-thuong-hay-khong-hinh-anh(1).png
Xét nghiệm khẳng định vi rút SARS- CoV-2 tại một cơ sở y tế - Ảnh: PV

Về chuyện này, một chuyên gia về dịch tễ học tại TP.HCM cho rằng có rất nhiều nguyên nhân, đôi khi chúng ta chưa xác định chính xác những trường hợp dương tính trên là F2 của bệnh nhân 1979.

“Nhiều lúc ta cứ nghĩ bệnh nhân dương tính trên là F2 của bệnh nhân 1979, nhưng biết đâu F2 này lại do một người nào đó khác lây nhiễm, rồi F2 này lại lây cho người mà chúng ta gọi là F1 (người tiếp xúc gần với bệnh nhân 1979). Khi đó, F1 lại trở thành F2, còn người mà chúng ta ta gọi F2 lại là F1 của một bệnh nhân nào khác chưa biết. Khi chúng ta xác định được F1 và thấy F2 dương tính cùng thời điểm tiếp xúc với F1 nên nghĩ họ là F2 thôi, chứ chưa chắc họ là F2”, vị chuyên gia này giải thích.

Bên cạnh đó, phân tích của chuyên gia dịch tễ này cũng cho thấy, ngay cả những người khi xét nghiệm âm tính với vi rút SARS- CoV-2, nhưng trước đó vẫn có thể lây nhiễm cho người khác. Thông thường khi bệnh nhân nhân mắc COVID-19, tải lượng vi rút xâm nhập vào cơ thể sẽ tăng dần, nếu người bệnh không chống chọi được thì bệnh sẽ trở nặng, biến chứng. Nếu chống chọi được sẽ sản sinh ra kháng thể với vi rút này, khi đó tải lượng vi rút trong cơ thể của người bệnh sẽ giảm dần. Khi tải lượng vi rút giảm dần thì xét nghiệm RT–PCR sẽ không bắt được vi rút trên nên cho kết quả âm tính.

Xét nghiệm RT–PCR chỉ bắt ở từng thời điểm, nếu bắt đúng thời điểm tải lượng vi rút ở bệnh nhân cao thì cho kết quả dương tính; còn nếu bắt thời điểm tải lượng vi rút ở bệnh nhân thấp thì cho kết quả âm tính. Do đó chưa chắc khi xét nghiệm RT–PCR cho kết quả âm tính là người đó không mắc COVID-19.

“Chuyện F1 âm tính mà F2 dương tính cũng có thể xuất phát từ tình huống này. Vì có thời điểm chúng ta xét nghiệm F1 âm tính, nhưng trước đó F1 dương tính nên lây cho F2. Đây là chuyện bình thường trong y học”, chuyên gia này nói.

Tuy nhiên theo chuyên gia này, đây là lúc “dầu sôi lửa bỏng” của dịch bệnh COVID-19, chúng ta cần tập trung nguồn lực để nhanh chóng truy vết, khoanh vùng, dập dịp một cách hiệu quả.

“Thay vì đi tìm ai đã bỏ vào chậu nước một 1 viên sỏi bẩn, lúc này chúng ta hãy tập trung xử lý cho chậu nước đó sạch trở lại mới là điều cần thiết nhất. Tất nhiên sau đó cũng sẽ điều tra ra ai là người bỏ viên sỏi bẩn vào chậu nước đó”, chuyên gia này ví von.

Người dân hãy vui tết tại nhà

Về công tác phòng chống dịch COVID-19 tại TP.HCM, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho hay đến ngày 10.2, TP đã truy vết được 1.186 trường hợp tiếp xúc gần (F1) với 32 bệnh nhân mắc COVID-19 được phát hiện từ ngày 28.1 đến nay, trong đó 1.106 người có kết quả âm tính lần 1 với vi rút SARS-CoV-2, 80 người đang chờ kết quả. Ngoài ra cũng đã xác định được 1.090 trường hợp F2 với 32 bệnh nhân trên đang được cách ly tại nhà và đã lấy mẫu xét nghiệm, trong đó 257 người âm tính, 833 đang chờ kết quả.

BS.CK2 Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết TP đang tập trung truy vết, khoanh vùng khẩn các trường hợp, địa điểm liên quan đến bệnh nhân. Tiến hành phong toả rộng, lấy xét nghiệm giám sát cộng đồng bằng mẫu gộp hộ gia đình xung quanh nơi bệnh nhân cư trú. Khẩn trương truy vết, cách ly các trường hợp tiếp xúc. Lấy khẩn mẫu xét nghiệm tầm soát RT-PCR lại lần 2 cho 1.600 nhân viên công ty VIAGS cũng như xét nghiệm kháng thể cho toàn bộ nhóm này.

Lấy mẫu xét nghiệm tầm soát theo hình thức mẫu gộp cho toàn thể hộ gia đình của nhân viên công ty VIAGS. Để đảm bảo cho hành khách đến và đi tại sân bay Tân Sơn Nhất, nhân viên sân bay có tiếp xúc với hành khách phải được xét nghiệm trước 1 ngày vào ca làm việc. Nhân viên chỉ vào làm việc khi có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Hiện TP.HCM đang thực hiện cách ly y tế tập trung để theo dõi COVID-19 với 3.141 người và cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 1.681 người.

“Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang đến, người dân cần hạn chế đến nơi đông người, vui tết tại nhà; theo dõi thông tin chính thức từ ngành y tế; thực hiện nghiêm biện pháp phòng bệnh theo thông điệp 5K”, ông Dũng khuyến cáo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thúc đẩy hợp tác Nghị viện giữa Việt Nam và Nhật Bản đi vào thực chất
4 giờ trước Theo dòng thời sự
"Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm hiện thực hóa đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam, thúc đẩy quan hệ hợp tác trên kênh nghị viện giữa Quốc hội Việt Nam với Thượng viện và Hạ viện Nhật Bản đi vào thực chất và bền vững".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
F1 âm tính mà F2 dương tính với SARS-CoV-2 có bất thường không?