Sửa chữa điện live-line, tức công nhân phải làm việc trực tiếp trên đường dây đang mang điện 22kV. Đây là một công việc cực kỳ nguy hiểm mà hơn 100 công nhân đội live–line thuộc Công ty Dịch vụ Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) đang đảm trách.
Cận kề hiểm nguy
Anh Đoàn Văn Tùng – tổ trưởng tổ live–line 8, là người tham gia ngay từ khi Tổng công ty thành lập đội Live-line đầu tiên, vào năm 1996. Anh kể, 24 năm rồi mà lần nào lên lưới, cảm giác của tôi vẫn như lần đầu. Vẫn “lạnh gáy” vì biết “thứ” mình đang chạm vào là một “thứ” nguy hiểm chết người khi lưới điện 22kV đang vận hành. Dù vậy, vẫn phải giữ cho cái đầu thật “lạnh” để cẩn thận từng thao tác, không được phép sơ suất dù chỉ một “tích tắc”. Anh tâm sự: “không như các nghề khác, chúng tôi không có cơ hội rút kinh nghiệm cho lần sau”.
Quy định về thời gian làm việc của lực lượng live-line rất khắt khe, không được thực hiện khi trời tối, khi trời đang mưa, khi thời tiết không thuận lợi. Do đó, lực lượng này hầu như phải thực hiện công tác vào những ngày nắng nóng và phải thường xuyên làm việc hết công suất thì mới đáp ứng được tiến độ công tác. “Trang bị bảo hộ lao động của chúng tôi rất nặng nề, lại làm việc trên cao, trong gàu nâng khá chật chội và khó thao tác, trong khi xung quang mình là dòng điện đang chạy. Chỉ những điều đó thôi đã quá áp lực cho người công nhân live-line như chúng tôi” – anh Lương, một công nhân live-line lâu năm tâm sự thêm.
Hơn 100 công nhân thuộc 16 đội thi công live-line hiện đang hỗ trợ cho 16 công ty Điện lực trên địa bàn Thành phố thực hiện thi công trên đường dây đang mang điện để xử lý sự cố, để bảo trì (thay sứ, thiết bị đóng cắt...) hay thi công xây dựng các công trình điện (nâng cao độ võng, trồng trụ, lắp thiết bị, đấu nối cấp nguồn, lắp đặt trạm mới…) mà không cắt điện. Phương pháp thi công này sẽ làm giảm thời gian và số lần mất điện của khách hàng, đảm bảo lưới điện vận hành ổn định, liên tục, độ tin cậy cung cấp điện ngày càng nâng cao.
24 năm giữ điện – 24 năm đảm bảo an toàn cho công nhân
Ông Bùi Hải Thành – hiện là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tổng công ty Điện lực TP.HCM, người có nhiều năm gắn bó với lực lượng live-line cho biết: “24 năm EVNHCMC cố gắng đảm bảo giữ điện liên tục, ổn định cho khách hàng và quan trọng hơn cả là 24 năm qua chúng tôi phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng công nhân live-line”. Sửa chữa điện nóng là công nghệ hiện đại được EVNHCMC đưa vào áp dụng đầu tiên trong ngành điện, từ năm 1996.
Theo ông Bùi Hải Thành, công nhân live-line phải đảm bảo các yêu cầu về sức khỏe theo quy định quản lý sức khỏe trong Tổng công ty cũng như các quy định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. EVNHCMC yêu cầu lực lượng live-line phải nghiêm túc thực hiện những quy định chuyên ngành để đảm bảo an toàn cho người lao động trong quá trình công tác. Phải sinh hoạt an toàn trước khi ra hiện trường. Phải được kiểm tra, giám sát toàn bộ quá trình thao tác thi công trên lưới qua hình thức video trực tuyến (livestream) từ trụ sở công ty. Phải được bồi huấn định kỳ kỹ năng sử dụng các trang thiết bị, dụng cụ thi công live-line.
Có thể nói, công nhân live-line là một lực lượng khá đặc biệt. Họ được tuyển chọn từ công nhân điện lành nghề, có sức khỏe tốt và tính kỷ luật cao, sau đó được đào tạo chuyên biệt để nắm vững công nghệ và thành thạo kỹ năng sửa chữa đường dây mang điện. Đặc biệt, từ năm 2013, EVNHCMC đã đủ năng lực để tự đào tạo hàng trăm công nhân live-line cho Tổng công ty và nhiều đơn vị ngành điện cả nước. Ngày 19.12.2013 là ngày đánh dấu khóa học live-line “tự đào tạo” đầu tiên hoàn thành, và được anh em công nhân live-line tự hào ghi nhớ, kỷ niệm.
Trong năm 2020, 16 tổ sửa chữa điện live-line của Tổng công ty Điện lực TP.HCM đã thực hiện hơn 14.400 lượt sửa chữa trên lưới mà không phải cắt điện. Cùng với sự đầu tư lưới điện hiện đại, tự động hóa cao và quy trình quản lý vận hành tiên tiến “Chuyển tải trước, xử lý sau”, công tác live-line đã giúp chỉ số SAIFI - số lần mất điện trung bình/khách hàng giảm còn 0,6 lần/năm, giảm (tốt hơn) 25,49% so với cùng kỳ năm 2019; chỉ số SAIDI - thời gian mất điện trung bình/khách hàng giảm còn hơn 48,5 phút/năm, giảm (tốt hơn) 27,13% so với năm 2019. Kết quả này cũng góp phần nâng cao chỉ số tiếp cận điện năng 2019 của Việt Nam, xếp hạng 27 trên 190 nền kinh tế Thế giới, và Top 4 trong các nước ASEAN - do Tổ chức Doing Business của Ngân hàng Thế giới công bố.