Trong bối cảnh căng thẳng với Nga ngày càng tăng cao, Liên minh châu Âu (EU) ngày 28.3 đã công bố một kế hoạch giúp việc di chuyển trang thiết bị quân đội và binh lính trong khu vực dễ dàng, nhanh chóng hơn trước.

EU công bố kế hoạch triển khai nhanh quân đội

Cẩm Bình | 29/03/2018, 15:25

Trong bối cảnh căng thẳng với Nga ngày càng tăng cao, Liên minh châu Âu (EU) ngày 28.3 đã công bố một kế hoạch giúp việc di chuyển trang thiết bị quân đội và binh lính trong khu vực dễ dàng, nhanh chóng hơn trước.

Với “Kế hoạch hành động về điều động quân sự” (Action Plan on Military Mobility), các quan chức EU muốn thông qua việc đơn giản hóa những quy định kiểm tra và cơ chế hải quan, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông để đẩy nhanh khả năng triển khai quân đội đến khắp nơi tại châu Âu.

Theo bà Federica Mogherini, đại diện cấp cao về an ninh và chính sách đối ngoại EU: “Bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho công tác điều động quân sự trong khối, chúng tôi sẽ ngăn ngừa các cuộc khủng hoảng, triển khai các sứ mệnh hiệu quả hơn, và cũng ứng phó nhanh hơn khi có thách thức nổi lên”.

Kế hoạch này sẽ được trình lên chính phủ các nước EU và Nghị viện châu Âu (EC) để thảo luận.

Các quốc gia vùng Baltic, gồm Estonia, Latvia và Lithuania, đã thí điểm thực hiện kế hoạch này. Ở các quốc gia còn lại, một số nước đã sắp xếp hợp lý những thủ tục di chuyển phương tiện và hàng hóa nguy hiểm như đạn dược...

Học giả Elisabeth Braw của nhóm chuyên gia cố vấn Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), cho biết: “Để đưa một xe tải quân sự chở hàng hóa thông thường vào Ý chỉ cần 48 tiếng đồng hồ thông báo, trong khi tại các quốc gia khác, bạn phải mất 14 ngày làm việc”.

Dự kiến EC trong năm tới sẽ vạch ra tuyến đường xuyên châu Âu phục vụ cho việc vận chuyển quân sự tốt nhất, xem xét những khu vực cần nâng cấp cơ sở hạ tầng, ước tính chi phí, tìm cách hợp lý hóa thủ tục hải quan cho quân nhu cùng hàng hóa nguy hiểm và giúp các cơ quan EU phối hợp tốt hơn.

Đơn giản hóa những quy định kiểm tra và cơ chế hải quan là một phần của kế hoạch - Ảnh: Reuters

Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, nhu cầu di chuyển quân đội đi khắp châu Âu đã giảm đi nhiều. Tuy nhiên, sự kiện Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và đẩy mạnh hoạt động quân sự ở khu vực Kaliningrad đã khiến các nước châu Âu phải tăng cường phòng bị.

Trong một diễn biến khác, Ba Lan, một thành viên của EU, ngày 28.3 đã ký thỏa thuận mua 4 hệ thống tên lửa phòng không Patriot từ nhà thầu Raytheon của Mỹ.

Thời gian qua, mối quan hệ giữa phương Tây và Moscow càng thêm căng thẳng vì vụ một cựu sĩ quan tình báo Nga bị đầu độc tại Anh. Hàng loạt nhà ngoại giao Ngađã bị trục xuất.

Cẩm Bình (theo Reuters, AFP)
Bài liên quan
Bán nhà giá 1 euro cho người Mỹ thất vọng với kết quả bầu cử
Một ngôi làng trên đảo Sardinia của Ý đã nhìn ra cơ hội tiềm năng khi chính trị gia Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
EU công bố kế hoạch triển khai nhanh quân đội