Bộ phim điện ảnh “Em và Trịnh” đã hé lộ hình tượng Trịnh Công Sơn và Diễm trong bối cảnh đầy chất thơ, nhạc…

'Em và Trịnh': Trịnh Công Sơn và Diễm đầy thơ mộng trong những thước phim đầu tiên

Tiểu Vũ | 09/03/2021, 12:40

Bộ phim điện ảnh “Em và Trịnh” đã hé lộ hình tượng Trịnh Công Sơn và Diễm trong bối cảnh đầy chất thơ, nhạc…

trinh-cong-son_avin-lu-2-.jpg
Hình tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong phim Em và Trịnh - Ảnh: Chụp màn hình

Sau một quá trình chuẩn bị dài hơi về thời gian và đầu tư lớn về kinh phí, nhà sản xuất phim Em và Trịnh cuối cùng cũng tiết lộ những thước phim đầu tiên về người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn.

Đoạn clip ngắn có thời lượng 1 phút 21 giây do ekip làm phim tiết lộ hôm nay đã “đốn tim” người yêu nhạc Trịnh qua hình ảnh của ông và nàng thơ.

Chàng nhạc sĩ trẻ họ Trịnh trong một căn nhà cổ kính ở cố đô Huế, bên khung cửa sổ, anh ôm đàn guitare và phác thảo những nốt nhạc đầu tiên cho bản tình ca bất hủ Diễm xưa – Bản nhạc lấy cảm hứng từ một người con gái tên Diễm.

Clip Trịnh Công Sơn viết Diễm xưa trong phim Em và Trịnh: 

Ngắn ngủi thôi, nhưng không gian của Trịnh đầy thơ mộng. Bên ngoài cửa sổ là một khung trời bàng bạc. Bên trong căn phòng hơi mờ mờ tối, tiếng đàn bập bùng thánh thót, trên đầu ngọn bút những dòng chữ “Diễm xưa” rồi “Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao/Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ/Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu…” dần dần hiện ra trên khuôn nhạc.

trinh-cong-son_avin-lu-1-.jpg
Nhạc sĩ Trinhh Công Sơn bên ô cửa sổ ở Huế trong phim Em và Trịnh - Ảnh: Chụp màn hình 

Những cảnh phim được chuyển rất tự nhiên, mượt mà, cứ thế đưa khán giả ngược thời gian trở về Huế của những năm 1960 thơ mộng, chứng kiến thời khắc một mối tình tuyệt đẹp mới chỉ được nghe qua lời kể. Này là gác Trịnh, nhà thờ Phủ Cam, hàng cây long não, con đường bờ sông trong cơn mưa Huế và đặc biệt một nhạc phẩm bất hủ nảy mầm trong trái tim người nghệ sĩ tài hoa.

bich-diem_lan-thy.jpg
Hình tượng Diễm "xưa" do diễn viên Lan Thy tái hiện - Ảnh: Chụp màn hình 

Trịnh Công Sơn ngồi đó, làn khói nhẹ bay lên từ chiếc gạt tàn, cùng luồng sáng lấp lánh tràn vào từ ô cửa sổ khiến hình ảnh của ông trở nên vừa đẹp đẽ tao nhã, vừa cô đơn đến tận cùng. Ngoài kia màn mưa giăng giăng, chàng nhạc sĩ họ Trịnh thổn thức dõi theo bóng một chiếc áo trắng tóc dài thoắt ẩn thoắt hiện trên con đường đầy lá đổ.

Không biết sau này khi ra mắt khán giả, hình tượng người nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh cùng với những mối tình của ông được các nhà phim tái hiện như thế nào, nhưng một phút rưỡi đầu tiên của phim đã khiến nhiều người xao xuyến chờ đợi.

trinh-cong-son_avin-lu-4-.jpg
Trịnh Công Sơn thời trẻ do diễn viên Avin Lu tái hiện - Ảnh: Chụp màn hình

Theo thông tin từ nhà sản xuất, phim Em và Trịnh dự kiến ra mắt vào tháng 12.2021. Có nghĩa là còn rất lâu nữa khán giả mới có dịp thưởng thức và đánh giá đầy đủ về bộ phim này.

diem-xua-1-.jpg
Những phác thảo đầu tiên về bản tình ca bất hủ Diễm xưa

Không loại trừ khả năng đoạn phim ngắn về Trịnh Công Sơn vừa tung ra là một trong những công đoạn trong chiến dịch truyền thông quảng bá cho phim. Tuy nhiên phải thừa nhận rằng cuộc làm quen “làm quen” ngắn ngủi nói trên cho thấy Em và Trịnh hứa hẹn là một bộ phim không chỉ đẹp mà còn chắt lọc tinh tế, sang trọng trong từng khung hình, với chuyện đời của nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh được tái hiện gắn liền với âm nhạc và tình yêu của ông.

Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường đại học văn khoa ở Huế. Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi qua dưới những vòm cây long não. Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những mùa nắng ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế người còn gái ấy đi qua nhòa nhạt trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt. Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường. Từ balcon nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận.

Thời buổi ấy những người con gái Huế chưa hề dùng đến phương tiện có máy nổ và có tốc độ chóng mặt như bây giờ. Trừ những người ở quá xa phải đi xe đạp, còn lại đa số cứ đến trường bằng những bước đi thong thả hoàng cung. Đi để được ngắm nhìn, để cảm thấy âm thầm trong lòng, mình là một nhan sắc. Nhan sắc cho nhiều người hoặc chỉ cho một người thì có quan trọng gì đâu. Những bước chân ấy từ mọi phía đổ về những ngôi trường với những cái tên quen thuộc, đôi khi lại quá cũ kỹ. Đi để được những con mắt chung quanh nhìn ngắm nhưng đồng thời cũng tự mình có thì giờ nhìn ngắm trời đất, sông nước và hoa lá thiên nhiên.

Long não, bàng, phượng đỏ, muối, mù u và một giòng sông Hương chảy quanh thành phố đã phả vào tâm hồn thời con gái một lớp sương khói lãng mạn thanh khiết. Huế nhờ vậy không bao giờ cạn nguồn thi hứng. Thành cổ, đền đài, lăng tẩm khiến con người dễ có một hoài niệm man mác về quá khứ hơn và một phần nào cũng cứu rỗi cho con người ta khỏi vành đai tục lụy. Và từ đó Huế đã hình thành cho riêng mình một không gian riêng, một thế giới riêng. Từ đó con người bỗng đâm ra mơ mộng và ước mơ những cõi trời đất như không có thực. Nhưng thật sự thực và mơ là gì? Thật ra, nói cho cùng, cái này chỉ là ảo ảnh của điều kia. Và với những ảo ảnh đó đã có một thời, khá dài lâu, những con người lớn lên trong thành phố nhỏ nhắn đó đã dệt gấm theo hoa những giấc mơ, giấc mộng của mình.

Đó cũng là thời gian mà mỗi sớm tinh mơ, mỗi chiều, mỗi tối, tiếng chuông Linh Mụ vang xa trong không gian, chuyền đi trên dòng sông để đến với từng căn nhà khép hờ hay đang đóng kín cửa. Thời gian trôi đi ở đây lặng lẽ quá. Lặng lẽ đến độ người không còn cảm giác về thời gian. Một thứ thời gian không bóng hình, không màu sắc. Chỉ có cái chết của những người già, vào mùa đông giá rét, mới làm sực tỉnh và bổng chốc nhận ra tiếng nói thì thầm của lăng miếu, bia mộ ở những vùng đồi núi chung quanh. Trong không gian tĩnh mịch và mơ màng đó, thêm chìm đắm vào một khí hậu loáng thoáng liêu trai, người con gái ấy vẫn đi qua đều đặn mỗi ngày dưới hai hàng cây long não để đến trường. Đi đến trường mà đôi lúc dường như đi đến một nơi vô định. Định hướng mà không định hướng bởi vì những bước chân ngày nào ấy dường như đang phiêu bồng trên một đám mây hoan lạc của giấc mơ. Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để cuối cùng đến một nơi hò hẹn. Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường. Giấc mơ liêu trai nào cũng sẽ không có thực và sẽ biến mất đi.

Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là Diễm của những ngày xưa.

Bài viết "Diễm của những ngày xưa"  - Trịnh Công Sơn

Bài liên quan
 Độc đáo ‘Vẽ nhạc Trịnh’ trên đường Trịnh Công Sơn ở Huế
Ai đã từng đến Huế cũng đều nhận thấy rằng con đường mang tên nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn xưa nay chỉ là một dãy dài những quán nhậu. Điều đó cũng không nằm ngoài trăn trở của các văn nghệ sĩ xứ Huế.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Em và Trịnh': Trịnh Công Sơn và Diễm đầy thơ mộng trong những thước phim đầu tiên