Nói tới cải lương thì phải nhắc tới báo chí, hoặc ngược lại. Đây là cái duyên nợ giữa hai ngành có từ trăm năm trước.

Duyên nợ trăm năm giữa cải lương và báo chí

Theo Nét Quảng | 20/01/2019, 07:19

Nói tới cải lương thì phải nhắc tới báo chí, hoặc ngược lại. Đây là cái duyên nợ giữa hai ngành có từ trăm năm trước.

Nếu tính cải lương là “một tuồng diễn trên sân khấu, có ca, có diễn; sân khấu thì giống hát bội, ca và diễn thì như đờn ca tài tử, ăn mặc thì đương thời, tuồng tích thì lấy tích Việt” và đặc biệt là “không dùng bộ gõ như hát bội” thìVì nghĩa quên nhàlà tuồng cải lương đầu tiên.

Tuồng do hai ông Hồ Văn Trung và Lê Quang Liêm biên kịch, nhóm Cải lương kịch xã của Hội Khuyến học Long Xuyên tổ chức diễn vào năm 1916.

Ban nhạc tài tử ở Hội chợ đấu xảo Marseille, Pháp, năm 1906, bức ảnh do E. Lacour chụp

Ông Hồ Văn Trung khi ấy đã viết báo lai rai và năm 1918, thì ông là chủ nhiệm tờĐại Việt tập chívới bút danh là Hồ Biểu Chánh. Tháng 7.1917, tuồng này được đưa lên Sài Gòn diễn, báo chí chú ý, tạo được tiếng vang.

Năm 1917, nhà báo Lương Khắc Ninh, chủ bút đầu tiên của báoNông cổ mín đàm, đã đăng đàn diễn thuyết tại Hội Khuyến học Sài Gòn về cải lương, hát bội. Ở đây hai chữ “cải lương” có nghĩa là “thay đổi chút chút, thay đổi một phần” chớ không bao hàm nghĩa nghệ thuật cải lương như hiện nay.

Tại buổi diễn thuyết này, ông Ninh đề nghị hát bội nên bỏ tuồng tích của Tàu, không vẽ mặt rằn ri, không áo quần sặc sỡ, những đặc trưng của hát bội. Còn đào kép thì mời thầy thông, thầy ký, những người trí thức trong xã hội tham gia chớ không phải là những người diễn viên chuyên nghiệp sống bằng nghề biểu diễn. Ý kiến của ông có người ủng hộ, có người phản đối.

Song năm sau, 1918, ý kiến của ông Ninh đã được Hội Báo chương Nam kỳ, tổ chức như Hội Nhà báo hiện nay, biến thành hiện thực.

Lấy cảm hứng từ vở cải lương năm 1918, tiểu thuyết “Gia Long tẩu quốc” của Tân Dân Tử ra đời năm 1930. Sau đó một biên kịch lại dựa vào tiểu thuyết này để chuyển soạn một vở cải lương khác

Tuồng tương tự diễn ra tại Nhà hát Tây Sài Gòn năm 1918 là tuồngGia Long tẩu quốc, hợp soạn của hai nhà báo Đặng Thúc Liêng và Nguyễn Viên Kiều. Tuồng này, không chỉ do nhà báo viết, mà còn do chính nhà báo diễn.

TuồngGia Long tẩu quốcđược Hội Báo chương Nam kỳ, đứng đầu là nhà báo Nguyễn Văn Của, chủ nhiệm tờNam Trung nhựt báo, tổ chức rầm rộ từ Sài Gòn xuống lục tỉnh suốt ba tháng liền, với các diễn viên không chuyên như Nguyễn Chánh Sắt, chủ bút tờNông cổ mín đàm; Nguyễn Kim Đính, tổng lý tờCông luận báo; Nguyễn Viên Kiều, Giáo Sỏi, cộng tác viên các tờ báo ở Sài Gòn; Nguyễn Văn Của, chủ tịch Hội Báo chương Nam kỳ; Nguyễn Phú Khai, tổng lý báoTribune Indigène, Đặng thúc Liêng, chủ bútĐại Việt tập chí; Hồ Văn Trung, chủ nhiệmĐại Việt tập chí; Trần Ngọc Lê, thư ký báoOpinion(bản tiếng Pháp củaCông luận báo), Lê Sum, chủ bútCông luận báo; Trần Văn Chim, chủ bút báoNữ giới chung…

Đây là tuồng và là cuộc biểu diễn hoành tráng nhất của cải lương và nhà báo vào đầu thế kỷ 20, mà đến nay chưa có lần nào được như vậy nữa.

Nghệ sĩ Năm Phỉ quỳ bên trái, tuồng “Xử án Bàng Quý Phi”, lưu diễn tại Hội chợ Paris năm 1931. Báo “L’Éveil Économique de l’Indochine” cho biết một số người Pháp xem cải lương là “một cuộc cách mạng của sân khấu cổ điển” và cô Năm Phỉ như là diễn viên Pháp nổi tiếng Sarah Bernhardt của Đông Dương. Ảnh do nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên chú giải, theo sự cho phép của Clemens Radauer ngày 11.6.2018

Rồi đến giữa thế kỷ 20, nhà báo Thanh Tâm (tức Trần Tấn Quốc) khi nắm tờTiếng dộiđã mở trang kịch trường chuyên viết về cải lương. Đây cũng là trang báo đầu tiên viết về cải lương, mở đầu cho các trang báo văn nghệ viết về cải lương, thoại kịch, phim… của các tờ báo sau này.

Từ trang báo này, nghệ thuật cải lương vốn đang phát triển mạnh mẽ, lại càng thêm mạnh và đi xa, đi sâu vào lòng quần chúng hơn nữa. Nhiều người mua báo chỉ để đọc những bài viết về tuồng tích cải lương, về nghệ sĩ thần tượng của mình.

Và cũng ông Trần Tấn Quốc đã đề xướng và thành lập giải Thanh Tâm (lấy bút danh của ông đặt tên giải) trao cho các tài năng trẻ của sân khấu cải lương. Giải thưởng chủ yếu là do các nhà báo và các nhân sĩ bình chọn. Đây là giải thưởng đầu tiên của cải lương do nhà báo đề xuất và tặng thưởng. Giải Trần Hữu Trang hiện nay có thể coi là tiếp tục con đường của giải Thanh Tâm.

Nghệ sĩ Thanh Nga nhận giải Thanh Tâm triển vọng vào năm 1958. Chính giải này trở thành bệ phóng để Thanh Nga trở thành “nữ hoàng sân khấu”

Trong vòng 10 năm từ 1958-1967, giải Thanh Tâm phát hiện được vài chục diễn viên trẻ và những diễn viên ấy sau đó đã trở thành những ngôi sao lớn trên vòm trời nghệ thuật cải lương, cho tới nay vẫn chưa có người thay thế. Các tên tuổi như Thanh Nga, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Tấn Tài, Diệp Lang, Thành Được, Thanh Sang, Hữu Phước, Phượng Liên… cho đến nay vẫn còn sống trong lòng người yêu cải lương.

Đầu tháng 11.2018, tại Hội Sân khấu TP.HCM, CLB các nhà báo viết sân khấu đã thành lập. Tại buổi ra mắt tôi có lấy làm tiếc về sự vắng mặt của đại diện Hội Nhà báo TP.HCM. Song trong một chừng mực nhất định, sự ra đời của CLB này là một khẳng định lần nữa sự gắn bó giữa cải lương và báo chí, một mối duyên nợ có từ trăm năm qua vẫn đang được tiếp tục.

Trong bối cảnh hiện nay, cải lương đang cần được gầy dựng lại bằng cái cốt đã có. Song một trong những điều cần thiết là không thể thiếu vắng sự tham gia của báo chí, nhất là những nhà báo hết lòng vì cải lương. Tin rằng, đây sẽ là một điều kiện để cải lương có thể sống lại trong tương lai.

Theo Trần Nhật Vy/ Nét Quảng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Duyên nợ trăm năm giữa cải lương và báo chí