Năm 1992, Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) được thành lập dựa trên nền tảng các công ty trực thuộc ban tài chính của UBND TP.HCM và Quận Phú Nhuận với số vốn điều lệ lúc ấy là 20 tỉ đồng. Ngay từ đầu đi vào hoạt động, ngân hàng được quản lý khá chặt chẽ theo cơ chế của Nhà nước.

Đường thăng trầm của DongA Bank

Một Thế Giới | 21/08/2015, 09:08

Năm 1992, Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) được thành lập dựa trên nền tảng các công ty trực thuộc ban tài chính của UBND TP.HCM và Quận Phú Nhuận với số vốn điều lệ lúc ấy là 20 tỉ đồng. Ngay từ đầu đi vào hoạt động, ngân hàng được quản lý khá chặt chẽ theo cơ chế của Nhà nước.

Thời điểm này, bà Cao Thị Ngọc Dung (Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận – PNJ hiện nay) là Chủ tịch Ngân hàng Đông Á. Chồng bà, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc hiện nay – ông Trần Phương Bình giữ vai trò cố vấn bên cạnh công việc chính là một thầy giáo.
Khi Đông Á ra đời, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận – PNJ đã hoạt động được 4 năm, có nhiều cán bộ giỏi, giàu kinh nghiệm. Họ đã được đưa sang làm việc cho ngân hàng. Song song đó, nhiều giảng viên giỏi từ các trường đại học cũng được bà Dung mời về với quyết tâm xây dựng một ngân hàng thương mại cổ phần đi đầu về lĩnh vực bán lẻ, chú trọng vào mảng khách hàng tiểu thương, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Giai đoạn 1992 – 1997, dưới thời bà Dung làm Chủ tịch, DongA Bank phát triển khá mạnh theo những tiêu chí nêu trên. Ngân hàng cũng đi vào ngành sản phẩm dịch vụ khá mới trên thị trường như thanh toán quốc tế, chuyển tiền nhanh, chi lương hộ… đồng thời là đối tác duy nhất nhận vốn ủy thác từ tổ chức Hợp tác Quốc tế của Thụy Điển (SIDA), tài trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam. Đây cũng là một trong hai ngân hàng cổ phần được nhận vốn tài trợ từ Quỹ Phát triển Nông thôn (RDF) của Ngân hàng Thế giới.
Giai đoạn này, ngân hàng phát triển khá mạnh ngoại trừ việc vấp phải một “cơn sóng” nhỏ là bảo lãnh cho một công ty thuộc tỉnh uỷ Sóc Trăng vay của một đối tác nước ngoài với giá trị khoảng 2 triệu USD (gần 30 tỉ đồng trong khi vốn điều lệ lúc bấy giờ của DongA Bank chỉ 40 tỉ). Công ty này sau đó mất khả năng chi trả và theo hợp đồng thì Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh sẽ đứng ra chi trả cho Đông Á để ngân hàng giải quyết khoản nợ cho đối tác. Nhưng cuối cùng, DongA Bank cũng tự trích lợi nhuận hàng năm ra trả dứt điểm cho đối tác ngoại, nhờ vậy uy tín trên thị trường quốc tế tăng lên.
Cũng do dính vào vụ này nên ngân hàng đưa ra chủ trương không bảo lãnh trả chậm trong mọi trường hợp. Nhờ vậy, DongA Bank vượt qua được giai đoạn khủng hoảng do những hậu quả của việc bảo lãnh trả chậm gây ra những năm 1999 - 2000 khiến nhiều nhà băng khác rơi vào kiểm soát đặc biệt.
Duong thang tram cua DongA Bank-hinh-anh-1
 Kết quả kinh doanh của DongA Bank những năm gần đây.
Từ 1998 đến 2007, bà Cao Thị Ngọc Dung lui về làm cố vấn, còn ông Trần Phương Bình làm Tổng giám đốc điều hành. Một thầy giáo gắn bó 8 năm với bục giảng và bất ngờ rẽ sang kinh doanh, tưởng chừng là điều rất khó thích ứng nhưng ông Bình đã vượt qua tất cả và trở thành một CEO bản lĩnh trên thương trường.
Ông vốn nổi tiếng với phương châm điều hành “đi chậm mà chắc”, tức không chạy đua theo chỉ tiêu, mà quên đi quản trị rủi ro. Đó cũng chính là quan điểm trong xây dựng chiến lược phát triển của DongA Bank và giúp nhà băng này đứng vững trong bối cảnh kinh tế khó khăn những nhiều năm trước đó.
Từ một ngân hàng không tên tuổi với số vốn điều lệ vỏn vẹn 20 tỉ đồng, ông Bình và các đồng sự đã định vị được thương hiệu DongA Bank với một mô hình ngân hàng bán lẻ, đồng thời đứng ngoài hoạt động cho vay bất động sản đang nóng sốt. DongA Bank cũng xác định sẽ xây dựng ngân hàng mạnh về công nghệ nên đã thành lập Trung tâm thẻ và phát hành thẻ Đông Á.Thời điểm này, DongA Bank được xem là một trong những nhà băng hàng đầu về mảng dịch vụ thẻ và là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam tự chế tạo ra được máy ATM bán vàng tự động, đưa vào hoạt động các dòng ATM lưu động, các buồng Auto Banking thế hệ mới có chức năng nhận tiền mặt trực tiếp lớn nhất Việt Nam…
Giai đoạn 2008 – 2012, ban lãnh đạo Ngân hàng Đông Á có dấu hiệu đi chệch hướng khi không chú trọng nhiều tới khách hàng tiểu thương mà lại “lao mạnh vào” lĩnh vực bất động sản để đẩy mạnh tín dụng. Lúc đó, ngân hàng giao chỉ tiêu xuống cho từng chi nhánh, phòng giao dịch và tiếp nhận nhiều khách hàng lớn nhưng tài chính không ổn. Mặt khác, đây là giai đoạn bất động sản bắt đầu đóng băng khiến nợ xấu phát sinh và cuốn Ngân hàng Đông Á vào vòng xoáy mà không sao thoát ra được. Từ chỗ cho vay khách không trả được, ngân hàng lại cơ cấu nợ cho khách rồi tạo ra vòng luẩn quẩn.
Duong thang tram cua DongA Bank-hinh-anh-2
Cơ cấu cổ đông của Ngân hàng Đông Á đến nay. 
Một sai lầm khác cũng có thể kể đến trong giai đoạn này là thay vì mạnh tay trích lập dự phòng đối với các khoản vay bất động sản, vốn có rủi ro cao, DongA Bank lại đi theo hướng ngược lại là tăng dự thu, khiến cho doanh thu cao chót vót, lãi sau thuế gần nghìn tỉ đồng vào năm 2011.
Ngân hàng nhận ra “sai lầm” và bắt đầu mời những người có chuyên môn cao về làm cố vấn chuyên môn và chấp nhận “giải phẫu” triệt để nên tiến hành kê khai, hoạch toán đầy đủ tất cả các khoản nợ xấu để đưa ra giải pháp xử lý tốt nhất. DongA Bank rốt ráo bắt tay vào xử lý nợ xấu, chủ yếu thu hồi nợ là chính nên hoạt động cho vay chững lại, năm 2014 tín dụng chỉ tăng 1% so với năm liền trước. Trong khi đó lãi suất cho vay lại thấp khiến cho khoản lãi thu về không cao. Do vậy, trong vòng ba năm từ 2012-2014, lợi nhuận của ngân hàng giảm dần đều. Từ năm 2011 đến năm 2013, thu nhập lãi thuần của DongA Bank liên tục đi xuống và bắt đầu sụt mạnh vào năm 2014 khi kéo từ 2.227 tỉ đồng cuối năm 2013 về 1.483 tỉ đồng và lợi nhuận trượt xuống 35 tỉ đồng vào năm ngoái.
Riêng nợ xấu theo hạch toán của ngân hàng thì từ mức 1,69% (năm 2011) lên 3,95% (năm 2012). Đến cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu ở mức 3,99% và cuối năm 2014 là 3,7%.
Tuy nhiên, theo cách tính của Ngân hàng Nhà nước thì những khoản cho vay do vướng mắc chính sách khiến thủ tục giấy tờ chưa hoàn thiện dẫn đến khoản vay trở thành không có tài sản đảm bảo thì vẫn bị coi là nợ xấu. Vì vậy, một nguồn tin cho biết, với cách tính này thì nợ xấu của DongA Bank theo kết quả thanh tra lên tới mười mấy nghìn tỉ đồng. “Điểm huyệt” nợ xấu này là nguyên nhân khiến cho Đông Á bị rơi vào kiểm soát đặc biệt, dù theo lãnh đạo ngân hàng đa số các khoản nợ sau 31.7.2014 đã được giải quyết.
Trước khi có kết luận của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước công bố chiều 14.8, Ngân hàng Đông Á cũng đã đưa ra bài toán tái cơ cấu toàn diện cho ngân hàng, trong đó, có bài toán mua bán sáp nhập với Ngân hàng An Bình. Tuy nhiên, phướng thức này không thành vì nhiều cổ đông lớn không đồng ý.
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2015 diễn ra tháng trước, ngân hàng xin ý kiến cổ đông để phát hành thêm 100 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng một cổ phiếu cho nhà đầu tư là Công ty Kinh Đô (KIDO) để nâng vốn từ 5.000 tỉ đồng lên 6.000 tỉ đồng.
Gần nhất, Tổng giám đốc Trần Phương Bình cũng cho hay, ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu và đã có văn bản xin Thủ tướng cho phép kéo dài thời gian đến cuối năm để ngân hàng xây dựng đề án cơ cấu lại. Theo ông, có hai phương án chính là tăng cường xử lý nợ xấu và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, trong đó phương án hai là giải pháp tốt nhất. Trong kế hoạch tăng vốn này, mới đây lãnh đạo Ngân hàng Đông Á có dự định bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ tới 49% và hỗ trợ tài chính để nhà băng xử lý nợ xấu.
Năm 2015, DongA Bank đặt kế hoạch 200 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp gần 6 lần năm 2014. 7 tháng đầu năm 2015, lợi nhuận trước thuế của DongA Bank đạt hơn 105 tỉ đồng, huy động vốn gần 82.000 tỉ đồng, tăng gần 5,5%, trong khi tín dụng chỉ tăng 1%.
Theo Lệ Chi/ Baothuonggia.vn

Theo VOV.VN, chiều 20.8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố quyết định đình chỉ chức vụ Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) đối với ông Trần Phương Bình. Quyết định trên do Phó thống đốc Nguyễn Phước Thanh ký cũng đồng thời đình chỉ chức vụ của bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Phó tổng giám đốc ngân hàng này.

Trước khi bị đình chỉ chức vụ, ông Trần Phương Bình là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc DongA Bank. Ông Bình được bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc từ năm 1998, là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị từ năm 2013. Còn bà Nguyễn Thị Ngọc Vân sinh năm 1979, là thạc sỹ Quản trị Kinh doanh, nắm giữ vị trí Phó tổng giám đốc thường trực DongA Bank.

Trước đó, ngày 14.8, NHNN đã công bố quyết định kiểm soát đặc biệt đối với ngân hàng này. Ban kiểm soát đặc biệt của NHNN cũng ra văn bản yêu cầu tất cả các cổ đông của DongA Bank không được chuyển nhượng cổ phần.

Theo thông báo của DongA Bank, ông Trần Phương Bình và vợ là bà Cao Ngọc Dung cùng 3 con gái đang sở hữu tổng cộng 9,62% cổ phần, tương ứng với lượng cổ phiếu có mệnh giá 480 tỉ đồng tại ngân hàng này.

Ngoài ra, NHNN cũng chỉ định ông Võ Hải Nam, Giám đốc Ban Quản lý rủi ro Ngân hàng Đầu tư - Phát triển Việt Nam (BIDV) hội sở chính giữ chức vụ Tổng giám đốc DongA Bank thay thế ông Bình. Ông Phạm Thế Nguyên, Phó giám đốc Chi nhánh Sở Giao dịch 2 BIDV giữ chức vụ thay bà Vân.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đường thăng trầm của DongA Bank