Sau 3 tháng triển khai điện thoại đường dây nóng: 08.88247.247 và hộp thư điện tử: [email protected] theo chỉ đạo của Thành ủy, Văn phòng UBND TP.HCM đã tiếp nhận hơn 13.000 tin phản ánh của cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố gửi đến lãnh đạo thành phố.
Đây là thông tin được Văn phòng UBNDTP.HCMcho biết tại Hội nghị sơ kết 3 tháng vận hành đường dây nóng của Thành ủy trên lĩnh vực quản lý Nhà nước tổ chức chiều 6.7.
Theo Văn phòng UBND thành phố, việc phản ánh của người dân chủ yếu tập trung vào những vấn đề phát sinh trong sinh hoạt đời sống cộng đồng tại khu dân cư như lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh gây mất trật tự công cộng; xây dựng nhà trái phép, sai phép; kinh doanh gây tiếng ồn; sản xuất gây ô nhiễm…
Trong số tin phản ánh tiếp nhận trên, tin cấp độ 1 (điện thoại viên trực tiếp hướng dẫn, giải đáp) có 6.760 tin; tin cấp độ 2 (những vụ việc phát sinh trong đời sống người dân) có 4.980 tin; tin cấp độ 3 (những nội dung thành phố đã có chỉ đạo, các đơn vị thực hiện chậm, chưa đạt hiệu quả) có 1.000 tin; tin cấp độ 4 (người dân muốn gặp trực tiếp lãnh đạo thành phố) có 350 tin; tin cấp độ 5 (người dân hiến kế xây dựng thành phố) có 230 tin.
Về công tác phản hồi, các sở, ngành, UBND các quận, huyện đã trả lời 2.580/4.980 tin phản ánh. Điển hình, người dân phản ánh tại khu vực phố ăn uống trên đường Hưng Phú, quận 8, hàng ngày mở nhạc rất lớn từ 15-22 giờ làm ảnh hưởng dân cư sinh sống xung quanh.
Sau khi nhận được tin phản ánh, Ủy ban Nhân dân quận 8 đã kiểm tra đột xuất, lập biên bản làm việc và đề nghị khắc phục ngay việc mở nhạc làm ảnh hưởng đến người dân xung quanh; đồng thời giao chính quyền địa phương tiếp tục theo dõi và xử phạt theo quy định pháp luật nếu có tái phạm.
Bên cạnh những nội dung tích cực, qua công tác xác minh, rà soát của bộ phận xử lý ở cơ sở, có khoảng 500 tin (tỷ lệ 20%) thuộc các trường hợp nội dung thông tin chưa hoặc không đúng thực tế… dẫn đến công tác phản hồi gặp khó khăn, không khả thi hoặc không cần thiết. Đối với các tin hiến kế, đề xuất phần lớn chỉ nêu yêu cầu, chưa đưa ra được giải pháp cụ thể, cơ sở khoa học, đảm bảo khả thi.
Bên cạnh những kết quả ban đầu, việc vận hành đường dây nóng vẫn còn một số hạn chế như: phần mềm xử lý thông tin đường dây nóng chưa hoàn thiện; còn xảy ra lỗi kỹ thuật trong thao tác xử lý. Bên cạnh đó, việc phản hồi thông tin tại các sở, ngành, quận, huyện còn chậm, chưa kịp thời (nhất là thông tin cấp độ 2). Nhiều đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác xử lý, phản hồi thông tin qua đường dây nóng...
Ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM, cho biết đường dây nóng đã trở thành cầu nối gắn kết giữa người dân với chính quyền thành phố; công tác tổ chức tiếp nhận thông tin được thực hiện chu đáo; công tác xử lý thông tin được thường xuyên, liên tục.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận huyện, thủ trưởng các sở ngành nhận được tin chuyển từ đường dây nóng đã tích cực chỉ đạo, triển khai xác minh, xử lý thông tin. Bên cạnh đó, công tác phản hồi thông tin đạt kết quả bước đầu, phần nào đáp ứng được nhu cầu của người dân và tạo được niềm tin của nhân dân vào chính quyền.
Ông Võ Văn Hoan cũng yêu cầu thời gian tới các đơn vị liên quan cần tập trung giải quyết những vấn đề còn tồn đọng và xử lý thông tin phản ánh của người dân; tập huấn nâng cao kỹ năng cho điện thoại viên nhằm nâng cao hiệu quả tiếp nhận, phân cấp, hướng dẫn thông tin phản ánh của người dân.
Bên cạnh đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức trong thực hiện xử lý thông tin phản ánh; đảm bảo thông tin được xử lý nhanh chóng, chính xác, có hiệu quả...
Để đưa hoạt động của đường dây nóng đi vào hoạt động quy củ hơn, UBND TP.HCMcũng đã tiến hành soạn thảo và chuẩn bị ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin trên lĩnh vực quản lý Nhà nước qua đường dây nóng.
Theo TTXVN