“Đừng trở nên xấu xa” (Don’t be evil) khiến người đọc bất ngờ với những thông tin ngồn ngộn về “thế giới” Big Tech - những đóng góp cùng những “mặt tối” của nó trong việc thao túng xã hội.

Đừng trở nên xấu xa – Lời cảnh báo chưa bao giờ là muộn

H.V | 13/03/2023, 10:40

“Đừng trở nên xấu xa” (Don’t be evil) khiến người đọc bất ngờ với những thông tin ngồn ngộn về “thế giới” Big Tech - những đóng góp cùng những “mặt tối” của nó trong việc thao túng xã hội.

“Đừng trở nên xấu xa” cuốn sách được viết bởi nhà báo Rana Foroohar - một phóng viên chuyên mục kinh doanh toàn cầu, phó tổng biên tập của tờ Financial Times. Với kiến thức lĩnh vực chuyên sâu, dày dạn kinh nghiệm, tác giả đã khiến người đọc bất ngờ với những thông tin ngồn ngộn về “thế giới” Big Tech - những đóng góp thần tốc của nó trong quá trình phát triển xã hội hiện đại, cùng những “mặt tối” khủng khiếp trong việc thao túng từ con người cho đến nền kinh tế, chính trị…

Mặt tối của Big Tech

“Đừng trở nên xấu xa” (Don’t be evil) là câu mở đầu nổi tiếng trong Qui tắc ứng xử nguyên bản của Google, một trong năm “gã khổng lồ” lĩnh vực công nghệ đang nắm giữ số tài sản cực kỳ lớn, được gọi là FAANG (gồm Facebook, Apple, Amazon, Netflix và Google). Đó cũng là triết lý những ngày đầu thành lập công ty. Nó thể hiện tinh thần lạc quan và chất lý tưởng đáng nể phục vì một tương lai phát triển thế giới bằng ứng dụng công nghệ mới.

dungtronenxauxa-2-.jpeg

Nhưng rồi, các Big Tech (những tập đoàn công nghệ lớn) ngày càng xa rời mục tiêu, lý tưởng của mình. Sự “ngây thơ” dấn thân cho lý tưởng ban đầu đã không còn nữa. Các nền tảng của nhiều công ty công nghệ đã trở thành những công cụ để thao túng chính trị, xoay chuyển vận mệnh các quốc gia, làm giàu cho các giám đốc điều hành, các cổ đông của công ty.

“Làm thế nào một ngành công nghiệp từng rất nhiệt huyết, cách tân và lạc quan lại trở nên tham lam, phiến diện và cao ngạo chỉ sau vài thập niên? Làm thế nào một thế giới của “thông tin phải được miễn phí” lại trở thành nơi mà mọi dữ liệu đều được qui ra tiền? Làm thế nào mà một phong trào ra đời vì mục đích “dân chủ hóa” thông tin lại phá hủy cấu trúc nền dân chủ của chúng ta?”.

Rana Foroohar đã cố gắng trả lời những câu hỏi đó một cách đầy đủ nhất có thể trong “Đừng trở nên xấu xa”. Và câu trả lời dễ nhận ra nhất về nguyên nhân, được gọi một cách nôm na, là “tiền”, khi tác giả dẫn lời cảnh báo của nhà kinh tế học Mancur Olson “nền văn minh sẽ dần suy tàn khi hệ thống chính trị bị chi phối bởi lợi ích tài chính”.

rana-foroohar.jpg

Rana Foroohar viết: Đã một thời, những người theo “giáo phái kỹ thuật số” từng rao giảng tầm nhìn về một tương lai mà công nghệ nắm giữ sức mạnh biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn, an toàn hơn và thịnh vượng hơn cho mọi người. Tầm nhìn này luôn tuân thủ một nguyên tắc nghiêm ngặt: thông tin phải được miễn phí và Internet sẽ là một “lực lượng dân chủ “ tạo sân chơi “công bằng ” cho tất cả chúng ta.

Nhưng rồi, chỉ sau một thời gian ngắn, lòng tham và lợi nhuận đã chiến thắng. Đồng tiền đã thao túng tất cả. Tất nhiên, Big Tech có những đóng góp tuyệt vời về công nghệ cho quá trình phát triển, nhưng ở đây tác giả muốn phân tích sâu hơn “mặt tối” của nó.

Chúng ta không phải là người tiêu dùng mà là hàng hóa

Cuốn sách đã giúp người đọc hình dung một bức tranh tương đối toàn cảnh về Big Tech: Chúng ta đang chứng kiến một ngành công nghiệp mới to lớn đến mức không thể sụp đổ và phức tạp đến mức không thể quản lý. Nó tái định hình nền kinh tế và lực lượng lao động theo những cách sâu sắc, biến mọi người thành sản phẩm thông qua việc thu thập và kiếm tiền từ dữ liệu cá nhân của họ, nhưng lại không bị ai kiểm soát… Nó vận dụng sức mạnh cả về kinh tế lẫn chính trị để đảm bảo mọi thứ được giữ nguyên theo cách nó muốn.

dungtronenxauxa-20-.jpg

Mô hình kinh doanh của ngành công nghệ chủ yếu là giữ cho mọi người “sống” trên không gian mạng càng lâu càng tốt, để thu thập dữ liệu cá nhân và kiếm tiền từ sự chú ý của người dùng. Chúng ta không phải trả tiền cho hầu hết dịch vụ kỹ thuật số, nhưng chúng ta phải trả giá đắt bằng các dữ liệu và sự chú ý của mình. Con người trở thành tài nguyên để nhóm Big Tech kinh doanh. Chúng ta nghĩ mình là người tiêu dùng nhưng trên thực tế, chúng ta là hàng hóa.

Theo tác giả, Big Tech không chỉ muốn trở thành người dẫn đầu trong mọi lĩnh vực, mà còn muốn trở thành nền tảng cho mọi thứ và trở thành “hệ điều hành” cho cuộc sống của chúng ta. Các công ty Big Tech không cần phải tăng giá. Họ có một mô hình kinh doanh không được trả bằng tiền. Họ được thanh toán bằng dữ liệu, thông qua một hệ thống “đổi chác”… Dữ liệu rất có giá trị đối với Big Tech khi họ bán nó cho các đơn vị quảng cáo và thu về mức lợi nhuận đáng kinh ngạc… Người dùng đã trở thành “nguyên liệu đầu vào” của thời đại kỹ thuật số… Trong thời đại của Big Tech, những đơn vị quảng cáo và doanh nghiệp bỏ tiền ra để mua các con số phân tích dữ liệu và số lượt xem mới là khách hàng, còn con người là sản phẩm.

Big Tech biến con người thành “nguyên liệu đầu vào”

Nuôi dưỡng cơn nghiện công nghệ bằng việc điều khiển nhận thức con người. Sức mạnh nguy hiểm của Big Tech là khả năng thao túng suy nghĩ, hành động và cả não bộ của chúng ta. Theo một nghiên cứu năm 2016, chúng ta chạm vào điện thoại di động của mình khoảng 2.617 lần mỗi ngày. Trong số những người sở hữu điện thoại thông minh, có đến 77% kiểm tra điện thoại trong vòng 15 phút sau khi họ thức dậy. Một phần ba người Mỹ nói rằng họ thà từ bỏ tình dục còn hơn là bị mất điện thoại di động. Điều đó làm “sức khỏe tâm thần của con người lại giảm xuống”.

Trong một nghiên cứu gần đây, Hiệp hội tâm lý Mỹ kết luận “những người liên tục kiểm tra thiết bị” (để xem email, tin nhắn và lướt mạng xã hội) dễ bị căng thẳng hơn những người không làm thế. Năm 2018, một nghiên cứu của Đại học Pittsburgh cho thấy thanh niên sử dụng mạng xã hội càng nhiều sẽ càng có nguy cơ bị trầm cảm. Nhiều nhà khoa học thần kinh lo ngại rằng việc sử dụng các ứng dụng và trò chơi dành cho thiết bị di động có thể dẫn đến sự suy giảm nhận thức trên diện rộng, thậm chí là gây mất trí sớm hàng loạt.

Khi xâm phạm quyền riêng tư cá nhân. Họ thu thập dữ liệu tạo nên hồ sơ người tiêu dùng và bán nó. Dữ liệu chính là “dầu mỏ” của thời đại thông tin, là nhiên liệu thúc đẩy sự phát triển của những công ty có thể vận hành bằng dữ liệu. Mỗi khi khởi động điện thoại bạn đã mở hàng loạt ứng dụng theo dõi vị trí và hoạt động của bạn trong từng giây. Riêng những ứng dụng này đã đại diện cho một ngành công nghiệp “tọc mạch” trị giá đến 21 tỉ đô la, và bên hưởng lợi không chỉ là các công ty công nghệ lớn nhất mà còn là một loạt tổ chức bạn chưa bao giờ nghĩ tới. Họ có xu hướng tin rằng những ưu tiên của bản thân nên được đặt cao hơn sự riêng tư, quyền tự do dân sự và bảo mật thông tin của những người khác…

dungtronenxauxa-22-.jpg

Không chỉ nhiều chiêu trò với người dùng, các công ty Big Tech còn “bao trùm bóng tối lẫn nhau” khi “vay mượn ý tưởng” của đối thủ cạnh tranh, làm “gián điệp hợp pháp” mang về những thông tin tình báo có thể sử dụng làm suy yếu đối thủ cạnh tranh.

Và vượt ra ngoài giới hạn đó, để phục vụ lợi ích của mình, Big Tech đã thao túng cả nền kinh tế, xã hội, chính trị. Từ việc làm thay đổi thị trường lao động - việc làm, gây nên sự khủng hoảng của ngành báo chí, đến việc thao túng chính sách, can thiệp vào bầu cử Tổng thống, thâu tóm chính quyền… Kể cả nhúng tay vào cuộc cạnh tranh toàn cầu, điển hình là “cuộc chiến” thương mại và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Cuốn sách là lời cảnh báo chưa bao giờ muộn với mọi người. Điều đáng trân trọng, là không chỉ đề cập đến thực trạng, Rana Foroohar đã cố gắng đề xuất nhiều giải pháp để Big Tech “không trở thành kẻ xấu”. Cuốn sách là một nỗ lực nhằm làm sáng tỏ những vấn đề có liên quan Big Tech đã khiến chúng ta lo lắng, cũng như những gì chúng ta có thể làm để giải quyết những vấn đề đó.

Trong phần kết, tác giả cũng thể hiện khao khát về một tương lai tươi sáng hơn với những con người trách nhiệm hơn: “Con người tạo ra những cổ máy và dù có những tưởng tượng bi quan về việc AI thâu tóm thế giới, con người vẫn là chủ nhân của chúng. Đi kèm với quyền làm chủ là khả năng- hay nói đúng hơn là trách nhiệm - lựa chọn và tạo ra tương lai mà chúng ta muốn từ Big Tech, cho chính chúng ta và cho thế hệ sau này”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đừng trở nên xấu xa – Lời cảnh báo chưa bao giờ là muộn