Thử nghiệm độc tính của nấm bụi đối với các loài muỗi khác nhau, các nhà khoa học Đức và Thụy Sĩ phát hiện ra rằng nó giết chết ấu trùng của muỗi sốt vàng (Aedes aegypti) và họ hàng của nó - muỗi Aedes albopictus, cả hai đều mang một số bệnh nguy hiểm.

Dùng độc tố của loài nấm ăn diệt ấu trùng muỗi

Vũ Trung Hương | 20/11/2019, 20:31

Thử nghiệm độc tính của nấm bụi đối với các loài muỗi khác nhau, các nhà khoa học Đức và Thụy Sĩ phát hiện ra rằng nó giết chết ấu trùng của muỗi sốt vàng (Aedes aegypti) và họ hàng của nó - muỗi Aedes albopictus, cả hai đều mang một số bệnh nguy hiểm.

Theo Applied and Environmental Microbiology, nấm thường thải ra độc tố để thoát khỏi côn trùng thích ăn thân nấm hoặc đẻ trứng vào đó. Một trong những chất độc này được các nhà khoa học coi là một công cụ tiềm năng để chống muỗi mang mầm bệnh nguy hiểm. Một nhóm các nhà khoa học từ Thụy Sĩ và Đức đã phát hiện được cơ chế hoạt động của chất này.

Nấm bụi Cyclocybe aegerita(còn được gọi là Agrocybe xiindracea, Agrocybe aegerita và Pholiota aegerita), mọc trên thân những loài cây còn sống hoặc đã chết khô. Nó phổ biến rộng rãi ở khu vực cận nhiệt đới lục địa Á - Âu, người ăn được, còn ở miền Nam nước Pháp nó thậm chí còn được coi là một đặc sản.

Từ thời cổ đại, nấm bụi hình trụ đã được trồng để con người dùng làm thức ăn, thực hành này lần đầu tiên được mô tả bởi Pliny the Elder. Các trang trại trồng nấm này có ở Pháp, Ý, Mỹ, Chile, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Úc. Năm 2017, các nhà khoa học đã nhận thấy chất độc ageritin do loài nấm này tiết ra ảnh hưởng đến côn trùng. Bây giờ các nhà khoa học từ Trung tâm Nghiên cứu và bảo tàng Zenkenberg ở Frankfurt (Đức) và Đại học kỹ thuật Zurich (Thụy Sĩ)đã tìm ra cơ chế hoạt động của chất độc này và cơ sở di truyền của nó.

Theo nghiên cứu của họ, ageritin là một ribotoxin, nghĩa là nó tác động tới các ribosome - cơ quan tế bào liên quan đến việc sản xuất protein. Độc tố ngăn chặn tổng hợp protein, cuối cùng dẫn đến chết tế bào. Một trong những tác giả của công trình nghiên cứu, ông Florian Hennicke giải thích rằng ribotoxin cũng được sản xuất bởi nấm túi (ascomycetes). Tuy nhiên, trình tự các gien đảm bảo sản xuất ageritin trong Agrocybe aegerita khác biệt đáng kể so với các biến thể ribotoxin được biết đến ở nấm túi. Do đó, nó đại diện cho một loại độc tố nấm mới - loại ribotoxin đầu tiên thu được từ một loại nấm ăn được.

Các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm độc tính của ageritin đối với các loại muỗi khác nhau và phát hiện ra rằng nó giết chết ấu trùng của muỗi gây bệnh sốt vàng (Aedes aegypti) và họ hàng của nó, muỗi Aedes albopictus, cả hai đều mang một số bệnh nguy hiểm. Các nhà nghiên cứu cho rằng ageritin phù hợp để sử dụng độc tố nấm để phát triển một phương tiện chống lại những con muỗi này.

Thương mại toàn cầu và biến đổi khí hậu cho phép muỗi nhiệt đới và cận nhiệt đới lan rộng hơn và xa hơn vào các vĩ độ phía bắc. Đồng thời, những con muỗi này mang mầm bệnh arbovirus gây ra các bệnh nhiệt đới nghiêm trọng như Zika, sốt vàng da và sốt xuất huyết. Do đó, sự phát triển của thuốc trừ sâu sinh học dựa trên ageritin đang trở thành một lựa chọn tốt cho tương lai. Nhưng các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng một số chi tiết liên quan đến ageritin vẫn còn chưa được khám phá. Ví dụ, họ vẫn không thể giải thích làm thế nào nấm bảo vệ các tế bào của chính nó khỏi bị nhiễm độc bởi chất độc do nó tạo ra.

Vũ Trung Hương
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dùng độc tố của loài nấm ăn diệt ấu trùng muỗi