Mình nhớ buổi trưa hôm đó, Ninh Thuận nắng cuồng dữ dội. Ngồi trên xe tang, mình nhìn hút mắt vào đám cây xương rồng dọc đường vào nghĩa trang. Cát trắng xóa. Nắng chói lóa. Xương rồng vẫn xanh.
Cả đoàn người không ai khóc. Nước mắt đã phủ kín quan tài bạn trong những ngày qua. Cả đoàn người lặng lẽ đón nhận nỗi đau theo cách của riêng mình. Chấp nhận. Những người thân yêu nhất của bạn đang cố gắng để chấp nhận rằng, bạn đã ra đi ở cái tuổi sung sức của chàng thanh niên chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa hôn nhân.
Nhớ lần đầu nhận tin bạn bị tai nạn, hoảng hốt chạy vào bệnh viện. Thấy bạn trong tình trạng băng bó gần như toàn thân. Tay gãy. Chân gãy. Quai hàm vỡ. Bạn vẫn cười. Rồi lần thứ hai, lần thứ ba… Ai cũng nghĩ thôi quá tam ba bận, chắc qua khỏi. Vậy mà, bạn vẫn ra đi theo cách này.
Chị kể, đêm hôm ấy, đang nằm thì giật mình tỉnh dậy bởi giấc mơ. Bạn gọi chị cứu bạn. Bạn bị tai nạn không thoát ra được. Chị toát mồ hôi tỉnh dậy cũng là lúc điện thoại vừa đến, báo tin… Bạn gắn bó với chị, cả cuộc đời. Chị yêu thương bạn như cách cha mẹ nâng niu đứa con hiếu thuận của mình. Bạn từng kể đến giờ chị cũng không chịu lấy chồng là vì bạn. Chị suốt ngày lo cho bạn từng li từng tí một vì mẹ ở xa, vì bạn là con út, vì bạn là đứa em yêu thương nhất cuộc đời chị. Bạn hiền lành, dễ thương. Chỉ cần gặp bạn một lần, đủ thương để nhớ với nụ cười hiền queo. Bạn lúc nào cũng đau đáu với những chuyện bất bình của xã hội. Không sợ khó, không sợ bị thù hằn đeo bám, luôn hết lòng vì công việc. Những nhà báo như bạn ngày nay thật sự không còn nhiều lắm.
Và rồi bạn đi thật.
Nhận tin bạn, một cú sốc dội thẳng vào ngực. Ra trường 10 năm, mỗi đứa một công việc, một cuộc sống riêng. Cơm áo gạo tiền, ổn định cuộc sống vẫn là nỗi lo hàng đầu. Đứa về quê. Đứa xuất ngoại. Có cả những đứa 10 năm không tung tích. Số kha khá còn lại bám trụ ở Sài Gòn. Thi thoảng nhận điện thoại, nhận tin nhắn rủ rê hò hẹn. Nhưng rồi…bận. Bận mà, cuộc sống lúc nào chẳng thế. Mỗi ngày đều phải quay cuồng với tất bật lo toan. Hẹn không gặp. Hẹn rồi không tới. Hẹn để quên. Hẹn…để lại tặc lưỡi thôi lo việc đã, còn biết bao nhiêu dịp gặp nhau. Mười năm, không có những lần bạn nằm bệnh viện, chắc gì hẹn hò có thể đếm trên đầu ngón tay.
Và rồi bạn không hẹn mà đi. Nỗi hụt hẫng bao trùm lên cả khóa mình năm đó. Mấy đứa ở Sài Gòn ngay trong đêm đã lên tàu về quê bạn. Nói với nhau thôi cố gắng tiễn bạn về đoạn cuối con đường.
Nghĩa trang Yên Bình, nơi bạn nằm đẹp như thơ. Đầu bạn gối trên núi, mắt dõi ra biển. Mình tự nhủ lòng rằng có lẽ đây chính là nơi bạn nên về, an yên, tự tại. Từ nay sẽ chẳng còn bon chen nơi phố thị. Từ nay chẳng ai phải ngay ngáy chờ bạn từ những chuyến đi. Từ nay chẳng còn hằn thù, trả giá. Nói là nói vậy, là nghĩ vậy, lòng vẫn xót xa đau đớn. Lúc hạ huyệt bạn, gió xoáy lốc mù trời, cát bay trắng nghĩa trang. Mọi người bảo rằng bạn uất ức. Bạn còn trẻ quá mà. Tương lại bạn sáng quá mà. Nhưng giờ đây, mình muốn nghĩ rằng, bạn nói lời tiễn biệt cõi người nhiều mệt mỏi, lòng nhẹ nhàng ra đi.
Hôm rồi, nhà thơ Phan Hoàng, Phó chủ tịch Hội nhà văn TP.HCM nhắc lại hình ảnh chuyến đi thực tế sáng tác tại Bình Phước nhân sinh nhật nhà thơ quá cố Hoa Níp. Vậy là một năm rồi, chuyến đi đầy kỉ niệm ấy. Em đã ra đi cũng gần bằng khoảng thời gian này. Nhưng nụ cười em, tình thân ấm áp của em vẫn ở đó, cạnh mọi người.
Mình nhớ lại lần gặp ba của Níp tại buổi tổng kết hội nhà văn. Níp cũng ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, thời kì sáng tác sung sức. Níp ra đi vào một đêm thinh lặng giữa kiếp người. Ba Níp bảo, nó thuộc về một thế giới khác, không dành cho nơi này. Nó thương đến vô cùng mà ghét cũng cùng cực. Nó có thể vét những đồng tiền cuối cùng trong người để cho một người nghèo khổ dù sau đó mình phải nhịn. Nó có thể đưa ngay tiền học phí nhà vừa gửi lên cho bạn rồi mình tính sau. Nhưng nó cũng là đứa sẽ lên tiếng kịch liệt để bảo vệ một vấn đề nào đó mà tất cả mọi người có thể nghĩ sai còn nó cho là đúng. Nó là vậy, nên nó không thuộc về nơi này… Đó có thể là cách để gia đình dễ dàng chấp nhận sự ra đi của em hơn. Đó có thể là cách để nỗi đau dịu lại. Cũng có thể… Và mình đứng lặng im bên chú, nghe gió ru nhẹ bờ vai, cảm giác như em đang ở đâu đó thật gần.
Sự ra đi của Níp, dường như cũng tạo một chấn động nhẹ trong giới. Mọi người nhắc nhau về khoảng cách, về thời gian, về cách mà chúng ta quan tâm đến những người xung quanh mình.
Bọn mình cũng vậy, sau khi trở về từ đám tang bạn, mọi người muốn xích lại gần nhau hơn. Minh Cường đã “triệu tập” ngay cuộc họp đột xuất. Cô chủ nhiệm cũng thu xếp có mặt. Cô bảo 10 năm rồi, lớp mình người thành công không ít, nhưng cũng có những bạn còn loay hoay chưa có lối ra. Xích lại gần nhau đi, để chia sẻ với bạn. Xích lại gần nhau đi để không hối tiếc…
Có lẽ, không ít lần ai đó trong chúng ta hối tiếc vì không kịp nói lời từ biệt một người
hối tiếc vì không kịp cảm ơn, xin lỗi
hối tiếc vì những lần chia tay rất vội
hối tiếc khi chạm nỗi đau nhau chẳng thể vỗ về
cuộc đời vốn dài như những cơn mê
nhưng cũng chỉ ngắn bằng khoảnh khắc giật mình tỉnh giấc
chỉ có yêu thương trên thế gian này đủ đầy chân thật
để đưa nhau qua giông gió đời mình.
Phương Huyền