Ở nước mình, cái gì mà làm theo phong trào, làm lấy thành tích thì sớm muộn gì cũng... đổ nợ. Phong trào xây dựng “Nông thôn mới” là một ví dụ điển hình.

Đừng để đổ nợ vì 'nông thôn mới'

29/05/2016, 05:16

Ở nước mình, cái gì mà làm theo phong trào, làm lấy thành tích thì sớm muộn gì cũng... đổ nợ. Phong trào xây dựng “Nông thôn mới” là một ví dụ điển hình.

Từ nợ công của nhà nước tới nợ công của làng xã, tới làng xã nợ dân, rồi nhà nước nợ dân, toàn là những món nợ khó đòi, đó là một phần thực trạng sau 5 năm xây dựng chương trình mục tiêu Nông thôn mới (NTM). Nếu đừng có đưa hàng chục “tiêu chí NTM” để hô hào các địa phương thực hiện, mà chỉ tập trung vào xây dựng đường nông thôn thôi, thì đã không đổ nợ. NTM ở đây không chỉ làm đường, mà còn xây chợ, làm nhà văn hóa, thậm chí xây... cổng chào “hoành tráng” - một “mục tiêu” mà người ta không biết nên gọi là gì cho đúng nghĩa - cộng tất cả các “mục tiêu” đó lại, mỗi địa phương tự nhiên gánh nợ nhiều tỉ đồng, mà không biết lấy nguồn nào để trả.

Bản thân tôi, có nhà ở quê, ngay từ đầu tôi đã rất ủng hộ việc làm đường bê-tông trong làng xóm, và đã vừa hiến đất, vừa đóng góp tiền, vừa cho làng xã... mượn tiền để làm đường. Dù sao, tôi thấy việc làm đường vẫn có ích lợi ngay cho người dân, nên chuyện đóng góp có thể hiểu được. Nhưng nếu bắt tôi phải đóng tiền để xây... chợ, hay xây... cổng chào, thì thú thật, dù ủng hộ chủ trương NTM bao nhiêu, tôi cũng xin dứt khoát từ chối, không đóng góp. Tôi nghĩ, không chỉ riêng mình, mà nhiều hộ nông dân cũng cùng ý nghĩ như thế. Người nông dân của ta đâu giàu có gì, mỗi khi phải bỏ ra số tiền đóng góp cho công trình công ích, dù có lợi cho họ, thì họ đều phải suy nghĩ, cân nhắc, tìm “nguồn tiền dự trữ” trong nhà mình, đặng có mà đóng góp. Vì thế, những “mục tiêu” như dựng cổng chào hay xây chợ trong khi đã có nơi họp chợ làng, thì người nông dân rất không muốn đóng góp. Có thể lãnh đạo xã ưng xây dựng các mục tiêu “hoành tráng” vì nhiều lý do, trong đó có cả lý do tế nhị khó nói, nhưng người dân thì tuyệt đối không muốn. Cái gì dân không muốn, mà cứ ép dân phải làm, thì chuyện “đổ nợ” là hoàn toàn dễ hiểu.

Tại sao có những địa phương người dân sẵn sàng hiến đất, góp tiền để làm đường? Vì chủ trương ấy hợp với ý nguyện của họ, mang lại lợi ích thiết thực cho họ. Còn xây chợ để... bỏ hoang, xây cổng chào để... ngắm, thì dân không ưng là chuyện đương nhiên. Cũng như tỉnh nào cùng đòi dựng tượng đài, tỉnh nào cũng đòi xây trung tâm hành chính hàng nghìn tỉ, thì chính phủ cũng chỉ còn cách...cười như mếu, vì lấy tiền đâu ra? Tiền vay ODA thì từ bây giờ không còn “dễ như ăn chuối” để địa phương nào muốn cũng được Trung ương cấp, vì nợ công đã tăng tới mức báo động đỏ. Còn tiền... huy động trong dân, thì dân nghèo như thế, tiền đâu đóng góp? Tại sao không biết tự hạn chế, như mục tiêu của chương trình NTM chỉ giới hạn trong những gì mang lại lợi ích thiết thực như làm đường, bắc cầu nông thôn? Như thế thì làm gì tới mức... phải đổ nợ?

Thanh Thảo

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đừng để đổ nợ vì 'nông thôn mới'