Khi tổng thống Barack Obama trích dẫn lại một câu nói của người Mỹ “những điều tốt đẹp nhất luôn được dành lại sau cùng” để lý giải vì sao ông lại chọn Việt Nam như một trong những điểm đến cuối cùng trong 2 nhiệm kỳ của mình, ông đã đúng.

Ẩn ý của ông Obama khi nói: Những điều tốt đẹp nhất luôn được dành lại sau cùng

24/05/2016, 06:03

Khi tổng thống Barack Obama trích dẫn lại một câu nói của người Mỹ “những điều tốt đẹp nhất luôn được dành lại sau cùng” để lý giải vì sao ông lại chọn Việt Nam như một trong những điểm đến cuối cùng trong 2 nhiệm kỳ của mình, ông đã đúng.

Sự kiện đáng chú ý nhất của Việt Nam trong những ngày này không gì khác ngoài chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ Barack Obama, một sự kiện được đánh giá sẽ đem lại bước ngoặt trong hàng loạt các vấn đề quan trọng của Việt Nam ở thời điểm hiện tại, từ chính trị quân sự cho đến xã hội và kinh tế.

Cũng giống như chuyến thăm hồi cuối năm 2000 của tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton, chuyến thăm lần này của ông Obama cũng diễn ra vào thời điểm cuối nhiệm kỳ thứ 2 của ông. Đồng nghĩa với việc 2 trên 3 chuyến công du tới Việt Nam của 3 vị tổng thống Mỹ kế tiếp nhau kể từ sau chiến tranh Việt Nam đều được diễn ra vào thời điểm cuối nhiệm kỳ. Và không phải ngẫu nhiên khi cả 2 chuyến công du bề ngoài có vẻ hơi muộn màng đó đều là những chuyến thăm có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Khi tổng thống Barack Obama trích dẫn lại một câu nói của người Mỹ “những điều tốt đẹp nhất luôn được dành lại sau cùng” để lý giải vì sao ông lại chọn Việt Nam như một trong những điểm đến cuối cùng trong hai nhiệm kỳ của mình, ông đã đúng.

Có quá nhiều điều để nói về chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Tổng thống Mỹ Barack Obama, đã có rất nhiều bài bình luận và phân tích cả trong nước lẫn quốc tế về vấn đề này. Nhưng nếu như có một sự kiện mang tính tiêu biểu nhất cho chuyến thăm của ông Obama, hẳn đó là câu trả lời phỏng vấn đầy khôn khéo nhưng cũng chuyển tải trọn vẹn ý nghĩa.

Một phóng viên đã đặt câu hỏi: “Ông đã thăm chính thức hơn 50 quốc gia trong suốt thời gian làm tổng thống. Việt Nam là quốc gia gần như cuối cùng (mà ông đến thăm) trong nhiệm kỳ của ông. Vậy ông đánh giá như thế nào về quan hệ Việt Nam - Mỹ và tầm quan trọng của Việt Nam đối với chính sách đối ngoại của Mỹ?”. Đáp lại, ông Obama đã trích dẫn lại một câu nói quen thuộc của người Mỹ: “Những điều tốt đẹp nhất luôn được dành lại sau cùng”.

Quả thực đây đã là quãng thời gian cuối trong 2 nhiệm kỳ giữ cương vị tổng thống Mỹ của ông Obama, thời điểm mà các vị tổng thống không còn duy trì được quá nhiều quyền lực và tầm ảnh hưởng như những năm đầu giữ cương vị, người Mỹ đã đặt ra một biệt danh “tổng thống vịt què” (lame-duck president) để chỉ thời điểm cuối nhiệm kỳ của các đời tổng thống. Về lý thuyết, các chuyến công du diễn ra vào cuối nhiệm kỳ của các tổng thống Mỹ thường là không có tầm ảnh hưởng quan trọng, đặc biệt là khi so sánh với các chuyến công du khi mới nhậm chức, vốn được xem là những chuyến đi mang tính định hình chính sách căn bản sẽ được áp dụng trong những năm sau đó. Tuy nhiên, thực tế thì hoàn toàn ngược lại.

Đối với những vị tổng thống đầy năng lực và tham vọng, thời gian cuối cùng của nhiệm kỳ luôn vô cùng quan trọng, đặc biệt là với mục đích tạo ra các dấu ấn sẽ đóng vai trò như những di sản bất hủ mà vị tổng thống đó để lại sau khi rời Nhà Trắng. Để tạo được các di sản bất hủ này, các tổng thống Mỹ luôn dành hết mọi quyền lực và ảnh hưởng của mình để thiết lập các dấu ấn đó.

Vì thế, không phải ngẫu nhiên khi tổng thống Bill Clinton đã thực hiện chuyến thăm mang ý nghĩa biểu tượng quyết định tới việc bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ vào thời điểm cuối cùng trong hai nhiệm kỳ của mình năm 2000. Đó không đơn thuần là một chuyến công du bình thường mà thực tế đã mở ra một chương mới trong quan hệ Việt - Mỹ về mọi mặt, từ chính trị ngoại giao đến hợp tác kinh tế. Mười sáu năm đã trôi qua kể từ sau chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Bill Clinton, Mỹ đã trở thành 1 trong 2 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại và có thể sẽ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong tương lai gần.

Điều này cũng đang đúng với chuyến công du tới Việt Nam của tổng thống Barack Obama lúc này. So với các đời tổng thống trước, ông Obama được xem là vị tổng thống có quyết tâm muốn để lại những di sản lớn lao cũng như những dấu ấn cá nhân ở mức độ cao hơn rất nhiều. Không khó để điểm qua những nỗ lực tạo ra những di sản đó của ông, từ việc hoàn tất thỏa thuận hạt nhân với Iran, nối lại quan hệ ngoại giao và sắp tới là cả kinh tế với Cuba, cho đến việc ký kết TPP nổi tiếng được dự đoán sẽ định hình lại bộ mặt thương mại toàn cầu. Đó đều là những di sản lớn lao của ông Obama, bởi hầu hết đó đều là những vấn đề mà các đời tổng thống Mỹ tiền nhiệm đã không thể làm nổi.

Do đó, dễ hiểu là với một vị tổng thống luôn có khao khát mãnh liệt để lại những di sản lớn lao như những dấu ấn cá nhân như ông Obama thì chuyến thăm Việt Nam vào thời điểm gần cuối trong nhiệm kỳ thứ 2 sẽ không đơn thuần là một chuyến công du bình thường. Khi ông Obama nói “những điều tốt đẹp nhất luôn được dành lại sau cùng” thì đó là một câu trả lời đã gói gọn được tất cả ý nghĩa của chuyến đi này.

Đến thăm Việt Nam vào thời điểm cuối nhiệm kỳ, đồng nghĩa với việc những cơ hội và lợi ích mà tổng thống Obama đem lại cho quan hệ Việt - Mỹ nói chung và cho Việt Nam nói riêng sẽ nhiều hơn và quan trọng hơn hẳn so với nếu ông thực hiện chuyến thăm này vào một thời điểm khác. Nói cách khác, Việt Nam sẽ là một trong những địa điểm mà ông Obama đã chọn để để lại một trong những di sản quan trọng nhất của mình trước khi rời cương vị tổng thống Mỹ.

Di sản đó cụ thể là gì? Không thể liệt kê hết nhưng cũng không khó để chỉ ra một vài khía cạnh. Chẳng hạn như thúc đẩy TPP, hay quyết định gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vốn đã được duy trì từ sau năm 1975 là một ví dụ.

Trước thời điểm chuyến công du tới Việt Nam của ông Obama, hầu hết các chuyên gia và nhà phân tích trên thế giới đều cho rằng khả năng gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm này là không lớn, vì ý nghĩa quá quan trọng của nó, nhưng cuối cùng thì nó đã diễn ra. Có thể đó là điều chính phủ Mỹ đã dự định từ trước, nhưng cũng có thể đó là kết quả của việc tổng thống Barack Obama đã dồn hết quyền lực và tầm ảnh hưởng của mình để vận động gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm này, như một trong những di sản quan trọng cuối cùng trong nhiệm kỳ của mình, cũng như một món quà mà ông dành cho Việt Nam trong chuyến công du lần này. Vì những điều tốt đẹp nhất thì luôn được dành lại sau cùng.

Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ CafeF, Cafebiz, The Saigon Times)

Bài liên quan
'Cú sốc chính trị' tại Venezuela: Mỹ chính thức công nhận ứng cử viên đối lập là tổng thống đắc cử
Trong một động thái quan trọng, chính phủ Mỹ đã chính thức công nhận ông Edmundo Gonzalez, ứng cử viên đối lập của Venezuela, là "tổng thống đắc cử" của quốc gia Nam Mỹ này vào ngày 21.11.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ẩn ý của ông Obama khi nói: Những điều tốt đẹp nhất luôn được dành lại sau cùng