Trong khi lo ngại ngày càng gia tăng về tác động của AI đến công việc, công nghệ này có thể giúp ngăn chặn việc nhân viên báo ốm và nghỉ việc khi họ thực sự khỏe.

Dùng AI phát hiện cảm lạnh qua giọng nói, ngăn nhân viên giả ốm nghỉ việc

Sơn Vân | 10/04/2023, 09:57

Trong khi lo ngại ngày càng gia tăng về tác động của AI đến công việc, công nghệ này có thể giúp ngăn chặn việc nhân viên báo ốm và nghỉ việc khi họ thực sự khỏe.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Quốc gia Sardar Vallabhbhai ở thành phố Surat, Ấn Độ đã phân tích kiểu phát âm của 630 người Đức (111 người trong số đó bị cảm lạnh) nhằm xác định những người thực sự mắc bệnh.

Theo báo cáo của trang The Economist, nghiên cứu đã sử dụng nhịp điệu giọng được phát hiện trong lời nói con người, đặc trưng là các âm điệu cộng hưởng giảm dần biên độ khi tần số của chúng tăng lên.

Các nhà nghiên cứu, dẫn đầu bởi kỹ sư điện tử Pankaj Warule, đã đưa ra giả thuyết rằng cảm lạnh có thể làm đảo lộn mô hình thông thường này.

Sau đó, họ đưa những thành phần này vào các thuật toán học máy để xác định và nghiên cứu sự khác biệt trong việc khuếch đại âm thanh, từ đó xác định được những người bị cảm lạnh.

Theo The Economist, thử nghiệm yêu cầu người tham gia đếm từ 1 đến 40 trước khi mô tả những gì họ làm vào cuối tuần. Tiếp đến, họ được yêu cầu đọc lại truyện ngụ ngôn The North Wind and the Sun của Aesop (nhà văn Hy Lạp cổ đại). Đây là truyện ngụ ngôn trước đây được chứng minh là phổ biến với các nhà nghiên cứu ngữ âm.

Nghiên cứu có thể phát hiện cảm lạnh với tỷ lệ chính xác khoảng 70%.

Theo các nhà nghiên cứu, ứng dụng chính của những phát hiện này là có thể xác định cảm lạnh mà không cần đến gặp bác sĩ dẫn đến mất nhiều thời gian và tiền bạc. Nó cũng gây hứng thú cho các sếp muốn phát hiện nhân viên có giả ốm để nghỉ việc hay không. Dù vậy, điều này có thể liên quan đến việc yêu cầu nhân viên đọc truyện ngụ ngôn.

Dù không có nhiều nghiên cứu nghiêm túc về việc giả ốm để nghỉ việc, người Mỹ vẫn ít khi nghỉ phép ngay cả khi bị bệnh. Gần 1/4 nhân viên khu vực tư nhân ở Mỹ không được trả lương khi nghỉ phép vì bệnh, không giống như nhiều quốc gia khác, nơi chính phủ quy định việc nghỉ ốm có lương.

dung-ai-de-xac-nhan-cam-lanh-tu-giong-noi.jpg
Dùng AI có thể phát hiện cảm lạnh với tỷ lệ chính xác khoảng 70% - Ảnh: Internet

Dùng AI phát hiện bệnh Parkinson sớm 

Sự phát triển về nhận dạng giọng nói là một trong những ứng dụng mới nhất của AI trong lĩnh vực y tế.

Năm ngoái, một nhóm nghiên cứu sử dụng AI để phát hiện bệnh Parkinson thông qua kiểu thở của bệnh nhân. Trầm cảm và một số loại ung thư cũng có thể được phát hiện thông qua việc phân tích các mẫu giọng nói được đào tạo bằng AI.

Parkinson là bệnh thần kinh gây hại cho não, thường khiến bệnh nhân mất khả năng kiểm soát cử động, đi lại khó khăn, tay chân run rẩy. Nhiều bệnh nhân còn gặp phải các vấn đề về nhận thức, sức khỏe tâm thần và khó ngủ.

Hiện chưa có xét nghiệm cụ thể nào để chẩn đoán chính xác Parkinson cũng như chưa có phương pháp đặc trị bệnh. Parkinson chỉ được chẩn đoán chủ yếu dựa trên tiền sử bệnh tật, xem xét các dấu hiệu, triệu chứng, khám thần kinh...

Theo các chuyên gia y học, các dấu hiệu ban đầu của bệnh Parkinson không dễ phát hiện. Nhiều dấu hiệu hoặc triệu chứng chỉ xuất hiện vài năm sau khi bệnh khởi phát.

Thế nhưng, việc sử dụng hệ thống AI có thể phát hiện bệnh Parkinson sớm nhất với độ chính xác lên đến 86%, theo các nhà nghiên cứu tại Viện công nghệ Massachusetts (MIT).

Các nhà nghiên cứu tại Viện công nghệ Massachusetts cùng nhiều tổ chức giáo dục và y tế tại Mỹ tiết lộ AI hoạt động bằng cách đo nhịp thở một người trong khi ngủ cũng như có thể đo mức độ nghiêm trọng của Parkinson và ghi lại quá trình tiến triển bệnh.

Phương pháp dựa trên AI này rất đơn giản và có thể xác định sớm căn bệnh Parkinson trong quá trình phát triển.

Hệ thống ghi lại dữ liệu về nhịp thở vào ban đêm của một người. Thông tin này được thu thập bởi các thiết bị đo tín hiệu từ cảm biến thở trên cơ thể hoặc từ tín hiệu sóng vô tuyến trong phòng.

Dữ liệu sau đó được xử lý thông qua hệ thống được gọi là "mạng lưới thần kinh" - hệ thống máy tính được xây dựng để mô phỏng hoặc hoạt động giống bộ não con người.

Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng kiểu thở liên quan đến bệnh Parkinson có thể xuất hiện nhiều năm trước khi có các triệu chứng khác.

Với nghiên cứu của các chuyên gia của Mỹ, thuật toán được thử nghiệm trên 7.687 cá nhân, bao gồm cả 757 bệnh nhân Parkinson. Nghiên cứu bao gồm dữ liệu từ một số bệnh viện Mỹ và thông tin khác.

Kết quả là hệ thống AI có thể phát hiện bệnh Parkinson với độ chính xác lên đến 86% cho bệnh nhân chỉ sau một đêm ngủ. Sự đơn giản của công cụ này cho phép thực hiện chẩn đoán bệnh tại nhà.

Cuối năm 2021, các nhà nghiên cứu của hãng IBM và Michael J. Fox Foundation (MJFF) thông báo sẽ phát triển một chương trình mới, giúp dự đoán các triệu chứng của bệnh nhân Parkinson tiến triển ra sao về cả thời gian và mức độ nghiêm trọng bằng AI.

Phần mềm AI đề xuất cách điều trị ung thư hiệu quả nhất

Hồi tháng 6.2021, công ty Oncompass (Hungary) đã phát triển ra  phương pháp dùng AI giúp các bác sĩ tìm ra liệu pháp phù hợp cho bệnh nhân ung thư dựa trên cấu hình phân tử của từng khối u.

Istvan Petak, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Oncompass, nói phần mềm AI này có thể tìm ra liệu pháp phù hợp để chữa trị cho bệnh nhân ung thư. 

Các bác sĩ có quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu để xác định loại thuốc nào phù hợp với loại đột biến cụ thể, cũng như các xét nghiệm chẩn đoán phân tử.

Phần mềm AI của Oncompass sẽ kết hợp tất cả những thông tin này lại với nhau, sau đó tạo ra các lựa chọn điều trị theo một trình tự hợp lý.

dung-ai-de-xac-nhan-cam-lanh-tu-giong-noi1.jpg
Phần mềm AI của Oncompass sẽ hiển thị các lựa chọn điều trị ung thư theo một trình tự hợp lý - Ảnh: Reuters

Istvan Petak nói: "Những gì chúng tôi có thể làm không chỉ đơn giản là đẩy nhanh quyết định điều trị mà còn cải thiện nó một cách đáng kể. Điều này mở ra một chương mới cho ung thư học. Tôi nghĩ rằng trong y học, chúng ta gọi đó là kỷ nguyên kỹ thuật số của y học và của cả ung thư học".

Phần mềm AI của Oncompass đã được sử dụng để hỗ trợ điều trị hàng chục ngàn bệnh nhân ở một số nước châu Âu, gồm cả bà Katalin Bernath.

Katalin Bernath phát hiện mắc bệnh ung thư phổi và não vào năm 2012, nhận thông báo rằng bà chỉ còn sống được 3 tháng.

Katalin Bernath kể lại: "Tôi đã đề nghị bác sĩ nên nói với tôi về một số phương pháp điều trị thay thế hoặc giải pháp nhẹ nhàng hơn. Thế nhưng, tất cả những gì ông ấy nói là không thể cung cấp bất cứ thông tin gì vì tôi phải hiểu khối u đó nguy hiểm và lây lan nhanh như thế nào. Tôi sẽ phải đến bệnh viện, mặc tã và chết ở đó. Tôi trả lời là không muốn điều đó xảy ra và đóng sầm cửa lại. Tôi đã quyết định tìm một bác sĩ chuyên khoa ung thư khác".

Bác sĩ mới của Katalin Bernath đã liên hệ với Oncompass vào năm 2013. Phần mềm AI của Oncompass cho biết liệu pháp khả quan nhất là sinh thiết khối u bị đột biến gien của Katalin Bernath. Bà đã đáp ứng rất tốt với việc điều trị và các khối u biến mất, không có thêm triệu chứng gì.

Bài liên quan
Nvidia, Qualcomm tranh giành vị trí đầu bảng trong các bài kiểm tra hiệu suất chip AI
Chip trí tuệ nhân tạo (AI) của Qualcomm đánh bại Nvidia ở hai trong số ba phép đo về hiệu quả sử dụng năng lượng trong một bộ dữ liệu thử nghiệm được công bố hôm 5.4. Trong khi đó, chip của Neuchips (Đài Loan) vượt qua cả hai công ty Mỹ ở một hạng mục.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dùng AI phát hiện cảm lạnh qua giọng nói, ngăn nhân viên giả ốm nghỉ việc