Tòa nhà trung tâm hành chính tập trung tỉnh Bình Dương hoành tráng cao 21 tầng với trang thiết bị hiện đại nhưng hằng ngày cán bộ nhân viên phải tay xách nách mang lỉnh kỉnh gờ-men, giỏ xách đựng cơm trưa tới nhiệm sở choáng ngợp này...

Đùm cơm theo ăn trong tòa tháp chọc trời giữa thành phố mới

Một Thế Giới | 21/06/2014, 16:18

Tòa nhà trung tâm hành chính tập trung tỉnh Bình Dương hoành tráng cao 21 tầng với trang thiết bị hiện đại nhưng hằng ngày cán bộ nhân viên phải tay xách nách mang lỉnh kỉnh gờ-men, giỏ xách đựng cơm trưa tới nhiệm sở choáng ngợp này...

Tháng 2.2014, Thành phố mới Bình Dương chính thức được khởi động bằng việc đưa vào sử dụng tòa nhà trung tâm hành chính tập trung của tỉnh.

Tòa nhà cao 21 tầng với không gian và trang thiết bị hiện đại là nơi hoạt động của tất cả các ban, sở ngành.

Cùng với diện tích đất rộng lớn xung quanh, thành phố mới sẽ là nơi đáp ứng nhu cầu cho 125.000 người định cư và hơn 400.000 người thường xuyên đến làm việc.

Thế nhưng, sau bốn tháng hoạt động, công trình hành chính như vẫn “đơn độc” giữa vùng đất đai bạt ngàn. Thành phố mới thưa thớt dân cư. Vắng bóng những công trình hạ tầng thiết yếu như bệnh viện, trường học... 

Dum com theo an trong toa thap choc troi giua thanh pho moi
 Toàn cảnh Trung tâm hành chính tập trung thành phố mới Bình Dương
 Cán bộ mang cơm đi làm
Từ trung tâm Thủ Dầu Một đến thành phố mới Bình Dương băng qua con đường rộng thẳng tắp có 6 làn xe. Cảm giác “vắng vẻ” lập tức đập vào mắt. Hai bên đường là đất trống không nhà cửa. Thi thoảng, lại gặp một công trình nhà cao tầng dang dở đang trong tình trạng đắp mền.
Tòa nhà hành chính tập trung của tỉnh mang hình tòa tháp đôi cao chọc trời, lát đá hoa cương bóng lưỡng từ trong ra ngoài. Đây là nơi làm việc của tất cả các ban - sở - ngành trong thành phố. Tầng trệt hai tòa tháp đặt từng quầy tiếp dân của mỗi đơn vị. 

Từ các quầy này, người dân liên hệ sẽ được hướng dẫn đi thang máy lên các tầng cao, nơi đặt trụ sở cơ quan chức năng. Người đến liên hệ làm việc bấm nút chọn số thứ tự và được loa gọi khi đến lượt. Phòng rộng rãi sáng trưng, máy lạnh tiện nghi, rất sạch sẽ và trật tự.

Dum com theo an trong toa thap choc troi giua thanh pho moiBên trong tòa nhà hành chính sang trọng nhưng thưa người

Cả một gian phòng rộng lớn hơi yên tĩnh. Trên dưới trăm con người cả nhân viên hành chính lẫn dân lọt thỏm giữa công trình choáng ngợp. Tầng trệt bên phải tòa tháp, nơi đặt quầy tiếp dân của khối đoàn thể còn “vắng vẻ” hơn. Nhiều quầy không có nhân viên. Một căng-tin nhỏ được bố trí ở góc tòa nhà, chỉ đủ kê vài bộ bàn ghế, bán cà phê nước ngọt.

“Tòa nhà hành chính không bán đồ ăn. Hàng ngàn người bên trong không biết ăn uống ở chỗ nào” - anh P., một cán bộ Sở TN-MT tỉnh Bình Dương nói. 

Do trụ sở hành chính nằm tách biệt, xa trung tâm thành phố Thủ Dầu Một nên cán bộ công nhân viên chức nếu nhà ở xa thì buổi trưa phải ở lại trong cơ quan. Ngặt nỗi, trong bán kính vài cây số quanh tòa nhà, không hề có một quán ăn uống nào!?. Muốn ăn cơm, phải vượt đường xa về nhà hoặc tìm trở lại thành phố Thủ Dầu Một.

Anh kể, cái khó bó cái khôn, lúc tòa nhà mới đưa vào sử dụng, cán bộ nhân viên cả nam lẫn nữ đều tay xách nách mang lỉnh kỉnh gờ-men giỏ xách đựng cơm trưa tới nhiệm sở. Sau này, cánh đàn ông phần mắc cỡ, phần phiền hà nên ít người còn mang theo cơm trưa khi đi làm. Nhưng phái nữ thì vẫn phải duy trì vì bất khả kháng.

“Kể cả nơi giải trí thư giãn xung quanh khu vực đều không có. Dù cán bộ nhưng đi làm mà xung quanh vắng vẻ cảm thấy cũng không hứng thú” - anh P nói thêm. 

Cũng tương tự như quán ăn, xung quanh khu hành chính này cũng không hề có một dịch vụ giải trí nào. Bốn bề đất trống. Ai muốn ăn nhậu, khách khứa gì cũng phải trở về Thủ Dầu Một. 

Xác phố hồn quê

“Thành phố mới Bình Dương” có quy mô 1.000 ha, khi xưa là vùng đất rẫy thuộc các huyện Tân Uyên, Bến Cát và một phần Thủ Dầu Một. Thành phố được quy hoạch thành nhiều khu. Đối diện với tòa nhà hành chính là khu biệt thự thưa thớt người ở. Bên phải là khu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. Một phần được người dân bán lại hoặc cho công nhân thuê, chuyển ra ngoài sinh sống. Bên trái tòa nhà là một “quần thể” nhà phố liền kề rất khang trang nhưng hầu hết cửa đóng then cài. 

Gần như căn nào mở cửa thì chắc chắn bên trên đều treo biển hiệu doanh nghiệp bất động sản nhưng rất ế ẩm, gần như không có người đến giao dịch. Hàng ngàn căn nhà im ỉm san sát nhau. 

Theo người dân nơi đây, giá trị mỗi căn vào khoảng 7 tỷ đồng. Chỉ có giới kinh doanh mua đi bán lại chứ dân làm gì có tiền mua” - ông Quân, một người dân nói. 

Hầu hết chủ nhân của các căn nhà đều mua đón đầu để bán lại kiếm lời hoặc tính chuyện lậu dài, nên dù nhu cầu ít nhưng giá vẫn treo cao ngất ngưỡng.

 Dum com theo an trong toa thap choc troi giua thanh pho moi
Nhà mặt phố bạc tỷ để không nhiều năm

Đi dọc những vùng đất tái định cư trong thành phố mới, một cảnh đìu hiu lộ rõ. Một diện tích đất rộng lớn bị bỏ không. Theo người dân, hầu hết những người thuộc diện giải tỏa trước đây đều đã bán đất đi nơi khác. Giá đất trong các khu tái định cư này giao động từ 3-7 triệu đồng/m2 nhưng cũng ít người hỏi mua. 

Thi thoảng mới gặp một khu tái định cư có người ở nhưng mật độ thưa, xen kẽ với những khoảng đất trống loang lổ. Cảnh tượng trâu bò gặm cỏ trong các khu dân cư không hiếm gặp.
“Mang tiếng ở phố nhưng cực khổ như ở nông thôn. Cái gì cũng thiếu thốn, bị động” - anh Nguyễn Phúc, một người dân sống ở mặt tiền đường lớn cho biết. 

Thành phố mới Bình Dương hiện tại là thành phố “nhiều không”, không bệnh viện, không trung tâm thương mại, không trường học, nơi giải trí... Người dân đau ốm cũng phải quay lại Thủ Dầu Một để được cứu chữa. Con cái đi học cũng phải vượt quãng đường xa. 

Hộ anh Phúc gồm vợ chồng và hai con nhỏ. Mỗi ngày, anh chị chia nhau chở hai con đi học ở Thủ Dầu Một. Đến chiều lại phải canh giờ rước về. 

Đó là chưa kể việc sinh hoạt trong nhà, muốn mua sắm bất cứ thứ gì cũng không thể có tại chỗ, lại phải vào Thủ Dầu Một. Vòng luẩn quẩn nhiều năm như thế, rất bất tiện.

Dum com theo an trong toa thap choc troi giua thanh pho moiKhu dân cư thưa thớt, loang lổ 
“Hồi trước dân vào đây cũng đông nhưng cũng nhiều người ngán ngẩm bán nhà. Mình không có điều kiện nên phải bám trụ lại” - anh Phúc cho biết thêm. 

Thành phố mới cũng đang tiến hành xây dựng các trường học nhưng tiến độ rất chậm. Thiếu thốn cơ sở hạ tầng thiết yếu là nguyên nhân chính khiến việc thu hút dân vào thành phố mới đang trở nên nan giải.
Bài và ảnh: Kiến Giang

Thành phố mới Bình Dương dự kiến hoàn thành vào năm 2020 sẽ là trung tâm hành chính của tỉnh. Dự kiến đến năm 2015 và năm 2020 tổng vốn đầu tư cho các dự án của Trung tâm Thành phố mới Bình Dương là hơn 150.000 tỷ đồng. Thành phố này nằm trong dự án Khu liên hiệp Công nghiệp - Dịch vụ và Đô thị Bình Dương có tổng diện tích gần 4.200 ha. Trong đó diện tích quy hoạch dành cho lĩnh vực phát triển công nghiệp sạch là 2.000 ha, đô thị cao cấp là 1.000 ha và còn lại là các lĩnh vực dịch vụ, thương mại cao cấp. Đến nay, tất cả vẫn còn rất ngổn ngang...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
8 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đùm cơm theo ăn trong tòa tháp chọc trời giữa thành phố mới