Vải thiều Việt Nam đã nhận được "visa" vào nhiều thị trường khó tính và ngày càng khẳng định chỗ đứng vững chắc. Cơ hội ghi dấu loại trái cây này trên "bản đồ trái cây" thế giới rất lớn.

Đưa vải thiều Việt Nam lên 'bản đồ trái cây' thế giới

Tuyết Nhung | 05/06/2023, 17:22

Vải thiều Việt Nam đã nhận được "visa" vào nhiều thị trường khó tính và ngày càng khẳng định chỗ đứng vững chắc. Cơ hội ghi dấu loại trái cây này trên "bản đồ trái cây" thế giới rất lớn.

Đầu mùa vải với nhiều hy vọng bội thu

Mới đây, 100 tấn vải thiều chín sớm của tỉnh Bắc Giang đã được vận chuyển đến các hệ thống bán lẻ trên toàn quốc, mở đầu cho mùa tiêu thụ vải năm nay của tỉnh này. Cùng ngày, gần 500 tấn vải chín sớm của huyện Tân Yên trong tỉnh đã được các doanh nghiệp ký kết tiêu thụ ngay tại hội nghị xúc tiến tiêu thụ sản phẩm vải thiều năm 2023 của tỉnh Bắc Giang.

vai-thieu-1-lvut.jpg

Về kế hoạch chuẩn bị cho mùa vụ vải thiều năm 2023 của tỉnh Bắc Giang, ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, thời gian qua, địa phương tập trung đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật nên chất lượng vải thiều Bắc Giang năm 2023 cao nhất từ trước đến nay. Ước sản lượng vải toàn tỉnh năm 2023 trên 180.000 tấn, thời gian thu hoạch vải thiều dự kiến từ ngày 25.5 đến 30.7. Về thị trường xuất khẩu của vải thiều Bắc Giang, Trung Quốc tiếp tục được xác định là thị trường truyền thống, các thị trường tiềm năng Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Malaysia, UAE, Singapore, Trung Đông, Thái Lan, Hồng Kông...

Theo ông Tấn, để chuẩn bị cho vụ vải thiều năm nay, tỉnh Bắc Giang đã chuẩn bị các điều kiện như: Bảo đảm nguồn vốn, nguồn điện, thùng xốp, đá cây, vệ sinh môi trường, chuẩn bị kho chứa, bãi tập kết phương tiện vận tải, các điểm cân, mua vải thiều tập trung... "Bắc Giang cam kết tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp thương nhân đến Bắc Giang thực hiện chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ vải thiều trên địa bàn", ông Tấn nhấn mạnh.

Năm nay, Bắc Giang duy trì hơn 29.000ha vải, với sản lượng khoảng 180.000 tấn. Do đó, việc chủ động kết nối cung cầu là cách để quả vải có thể đi xa và nông dân có thu nhập tốt. Niên vụ năm 2023, Bắc Giang dự kiến xuất khẩu khoảng 96.000 tấn vải thiều, chiếm khoảng 53% sản lượng và tăng 15,2% so với niên vụ 2022.

Từ cuối tháng 4, tỉnh đã xúc tiến tiêu thụ và đã ký kết gần 40 hợp đồng, biên bản ghi nhớ cho tiêu thụ vải thiều, với sản lượng hơn 110.000 tấn. Các huyện Tân Yên, Lục Ngạn cũng đã tổ chức các đoàn xúc tiến tại Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc. Đến nay đã có trên 200 thương nhân Trung Quốc đăng ký nhập cảnh vào Việt Nam để đến Bắc Giang tham gia giám sát vùng nguyên liệu, ký kết các hợp đồng thu mua, tiêu thụ vải thiều. Thời gian thu hoạch vải thiều chín sớm sẽ kéo dài trong khoảng 20 ngày. Trà vải chính vụ sẽ được thu hoạch từ ngày 10.6 tới.

Tại tỉnh Hải Dương, cuối tháng 4 vừa qua tỉnh đã tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm vải thiều Thanh Hà. Theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, hiện nay, huyện Thanh Hà có 3.265ha vải, sản lượng đạt khoảng 40.000 tấn (vải sớm 25.000 tấn, vải chính vụ 15.000 tấn).

Toàn bộ diện tích vải được hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, trong đó có khoảng 4.000 - 5.000 tấn đủ điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Dự kiến, vào thời điểm giữa tháng 6.2023, Thanh Hà bước vào thụ hoạch cả 3 giống vải là u hồng, Tàu lai và vải thiều đặc sản.

Chinh phục nhiều thị trường khó tính

Quả vải là loại trái cây nhiệt đới đặc trưng của Việt Nam, có hương vị thơm ngon, là mặt hàng đã chinh phục nhiều thị trường khó tính trên thế giới. Trong khu vực ASEAN, Singapore là thị trường có mức thu nhập trung bình cao, có nhu cầu đối với các loại trái cây tươi chất lượng cao. Quả vải của Việt Nam nếu đáp ứng được các yêu cầu nhập khẩu của Singapore sẽ có cơ hội thâm nhập thị trường tiềm năng này.

image_969f3.png
Singapore là thị trường khắt khe, đặt ra nhiều yêu cầu đối với trái cây tươi nhập khẩu vào nước này

Theo số liệu của Cơ quan quản lý doanh nghiệp Singapore, năm 2022, Singapore nhập khẩu quả vải tươi (mã HS: 08109020), đạt kim ngạch 6,78 triệu SGD; nhập khẩu quả nhãn tươi (mã HS: 08109010) đạt kim ngạch hơn 4,6 triệu SGD.

Trong 7 nước xuất khẩu vải tươi nhiều nhất vào thị trường Singapore, Trung Quốc là nước dẫn đầu với kim ngạch vượt trội (đạt 5,8 triệu SGD năm 2022, chiếm 85,8% thị phần). Tiếp theo sau là Úc (720 nghìn SGD), Việt Nam (43 nghìn SGD), Nam Phi (52 nghìn SGD), Thái Lan (24 nghìn SGD).

Xét về chất lượng và mẫu mã, quả vải Việt Nam có mẫu mã đẹp, vỏ mỏng, ngọt hơn so với vải của các nơi khác. Hiện nay, trái vải của Việt Nam cũng đã được nhiều thị trường có yêu cầu cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc... nhập khẩu. Do vậy, với thương hiệu và tiềm năng như vậy, quả vải Việt Nam còn nhiều dư địa tại thị trường Singapore.

Singapore là thị trường khắt khe, đặt ra nhiều yêu cầu đối với trái cây tươi nhập khẩu vào nước này. Theo đó, trái cây tươi nhập khẩu vào Singapore phải đáp ứng được các điều kiện do Cơ quan quản lý thực phẩm của Singapore yêu cầu. Trong thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Singapore và các đơn vị liên quan cho biết sẽ sẵn sàng hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu quả vải tươi Việt Nam sang Singapore.

Chia sẻ về tiềm năng xuất khẩu loại trái cây này sang thị trường Mỹ, ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán thương mại, thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết thị trường này còn nhiều dư địa cho trái cây Việt Nam mở rộng và phát triển, là thị trường tiêu thụ trái cây khổng lồ với nhu cầu đa dạng, ngày càng chú trọng các loại rau quả, thực phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe. Nhóm khách hàng chính hiện nay là cộng đồng dân cư gốc Á và đặc biệt là cộng đồng người Việt ngày càng lớn mạnh, tập trung tại các đô thị, thành phố lớn tại đây.

Tuy nhiên, để tiếp cận thị trường tiềm năng này, theo Tham tán thương mại Đỗ Ngọc Hưng, còn có một số trở ngại, như: khoảng cách địa lý quá xa dẫn đến thời gian vận chuyển kéo dài; chưa có cơ sở chiếu xạ theo tiêu chuẩn của Mỹ đặt tại miền Bắc; đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam là Trung Quốc, Mexico có nhiều kinh nghiệm, hệ thống phân phối rộng khắp, giá cả cạnh tranh, chi phí vận chuyển thấp.

Để tháo gỡ khó khăn cho hàng xuất khẩu Việt Nam, ông Hưng cho hay Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đã phối hợp với các cơ quan liên quan trong và ngoài nước từng bước tháo gỡ khó khăn nhằm mở rộng thị phần quả vải tại thị trường Mỹ tham mưu và đề xuất cơ chế nhằm giải quyết vướng mắc liên quan đến việc tham gia của Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội vào chương trình tiền chứng nhận của Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS); đàm phán với APHIS và được phép bổ sung thêm 1 đầu mối đối tác là doanh nghiệp của Bắc Giang vào danh sách Corporator thay mặt Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội ký kết thỏa thuận với APHIS về việc chứng nhận cơ sở chiếu xạ xuất khẩu vải sang Mỹ.

Đối với thị trường Malaysia, ông Lê Phú Cường - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cho biết doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng thương hiệu và quảng bá thương hiệu sản phẩm, cần chú ý định vị sản phẩm vải thiều ở phân khúc thị trường cao cấp hoặc trung bình để đưa vào hệ thống phân phối phù hợp. Ngoài ra, Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cho hay, để mở rộng xuất khẩu vải nói riêng, nông sản nói chung của Việt Nam sang Malaysia, doanh nghiệp cần có biện pháp bảo quản sản phẩm để vận chuyển bằng đường biển, giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh vơi sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Tăng cường liên kết, đa dạng kênh phân phối

Thời gian qua, xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm nông sản, đặc biệt các sản phẩm nông sản có tính mùa vụ luôn là một trong những trọng tâm ưu tiên của Bộ Công Thương. Với nguyên tắc hỗ trợ sớm nhất có thể, đón đầu các mùa vụ, Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung cao việc triển khai hoạt động xúc tiến thương mại thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua đa dạng các kênh phân phối truyền thống và hiện đại ở trong nước cũng như nước ngoài.

203004667_1413629742355130_3987445809498065336_n(1).jpg
Vải thiều Việt Nam được bán rộng rãi tại nhiều điểm bán lẻ trên thế giới

Theo đó, cơ quan này sẽ thực hiện với các hình thức hướng đến nhiều đối tượng như: Hội chợ, triển lãm, phiên chợ, tuần hàng, lễ hội quảng bá lồng ghép với các sự kiện kinh tế - văn hóa - du lịch lớn, các chương trình giao dịch thương mại, kết nối giao thương, truyền thông thương hiệu, phát triển thương mại đa kênh trong đó thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, tăng cường hoạt động thương mại điện tử với nhiều sàn giao dịch lớn trong và ngoài nước, đẩy mạnh kết nối xuất khẩu thông qua các nhà phân phối nước ngoài tại Việt Nam…

Đặc biệt, Bộ Công Thương luôn tìm cách để phát huy tối đa vai trò của hệ thống các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài - một kênh trao đổi thông tin trực tiếp, thống nhất và nhanh nhất với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương cùng các cơ quan bộ ngành trung ương khác, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên cả nước trong việc nghiên cứu, đánh giá thị trường, các cơ chế chính sách mới về kinh tế, thương mại, đầu tư của nước sở tại.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, đây là cơ sở cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, chiến lược xuất khẩu, sản xuất và kinh doanh. Tuy nhiên, Thứ trưởng Hải nhấn mạnh, với mặt hàng có tính mùa vụ như vải, các đơn vị cần chanh chóng có biện pháp để đảm bảo tiêu thụ, xuất khẩu hiệu quả. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại hỗ trợ mặt hàng vải nói chung và trái cây nói riêng, các đơn vị cần tiếp tục nắm bắt cập nhật tình hình các sản phẩm nông sản, trái cây đến vụ, thường xuyên trao đổi với doanh nghiệp nhằm nắm bắt nhu cầu hỗ trợ xuất khẩu, tiêu thụ.

Trong dài hạn, để triển khai những giải pháp có tính căn cơ, bền vững, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết Bộ Công Thương cũng tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, các bộ ngành liên quan và các địa phương định hướng chính sách, có cơ chế khuyến khích hình thành và nhân rộng mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ gắn với nhu cầu của thị trường, sản xuất theo đúng quy hoạch, số lượng, chất lượng nông sản; đầu tư phát triển ngành công nghiệp bảo quản, chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm, thu hút sự tham gia của các chủ thể tham gia chuỗi giá trị từ nhà sản xuất đến hệ thống phân phối, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, các tổ chức hỗ trợ kinh doanh, để góp phần đưa quả vải nói riêng và nông sản của nước ta đi được xa hơn và bền vững hơn.

Bài liên quan
Nông dân phấn khởi vụ vải thiều được mùa, được giá
Hương vị ngon, lạ, quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày... đã đưa vải thiều trở thành loại quả "đặc sản" không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đưa vải thiều Việt Nam lên 'bản đồ trái cây' thế giới