Bộ Tài chính dự toán tổng thu ngân sách nhà nước năm 2019 là khoảng 1.411.300 tỉ đồng, trong khi dự toán thu ngân sách là 1.633.300 tỉ đồng.

Dự toán chi ngân sách năm 2019 vượt thu hơn 200.000 tỉ đồng

26/10/2018, 16:06

Bộ Tài chính dự toán tổng thu ngân sách nhà nước năm 2019 là khoảng 1.411.300 tỉ đồng, trong khi dự toán thu ngân sách là 1.633.300 tỉ đồng.

Bộ Tài chính dự toán tổng thu cân đối NSNN năm 2019 khoảng 1.411.300 tỉ đồng - Ảnh minh họa từ Internet

Bộ Tài chính vừa mới xin ý kiến đóng góp Báo cáo công khai Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 Chính phủ trình Quốc hội. Theo báo cáo, dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019 được xây dựng trên cơ sở dự kiến tăng trưởng kinh tế 6,6-6,8%, giá trị GDP dự kiến khoảng 6,17 triệu tỉ đồng, giá dầu thô khoảng 65 USD/thùng.

Trên cơ sở đánh giá thu NSNN năm 2018, dự kiến các chỉ tiêu vĩ mô năm 2019, đồng thời có tính đến yếu tố tác động điều chỉnh chính sách thu, Bộ Tài chính dự toán tổng thu cân đối NSNN năm 2019 khoảng 1.411.300 tỉ đồng, tăng 3,9% so với ước thực hiện năm 2018. Tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 23% GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 20% GDP.

Cụ thể, dự toán thu nội địa là 1.173.500 tỉ đồng, chiếm 83,2% tổng dự toán thu NSNN, không kể các khoản thu không ổn định và không phải đặc trưng của sản xuất - kinh doanh trong nước (thu tiền sử dụng đất, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết, thu từ bán bớt phần vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi Ngân hàng Nhà nước), thì dự kiến khoảng 945.000 tỉ đồng, tăng 12,8% so với ước thực hiện năm 2018.

Dự toán thu từ dầu thô là 44.600 tỉ đồng, chiếm 3,2% tổng dự toán thu NSNN, trên cơ sở sản lượng dầu khai thác là 10,43 triệu tấn, giá dự toán 65 USD/thùng. Dự toán thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu là 189.200 tỉ đồng, chiếm 13,4% tổng dự toán thu NSNN.

Bộ Tài chính dự kiến bội chi NSNN năm 2019 là 222.000 tỉ đồng, bằng khoảng 3,6% GDP. Đến hết năm 2019, dự kiến nợ công bằng khoảng 61,3% GDP, nợ chính phủ bằng khoảng 52,2% GDP, nợ nước ngoài quốc gia bằng khoảng 49,9% GDP.

Với mức thu và bội chi như trên, Bộ Tài chính dự kiến tổng chi cân đối NSNN năm 2019 là 1.633.300 tỉ đồng, tăng 7,2% so dự toán năm 2018. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 429.300 tỉ đồng, bằng 26,3% tổng chi NSNN, tăng 7,4% so dự toán năm 2018. Chi trả nợ lãi là 124.800 tỉ đồng, bằng 7,6% tổng chi NSNN, tăng 11% so với dự toán năm 2018. Chi viện trợ là 1.300 tỉ đồng, bằng với dự toán năm 2018. Chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính là 100 tỉ đồng, bằng dự toán năm 2018.

Tuy nhiên, chi thường xuyên (bao gồm cả chi tạo nguồn cải cách tiền lương và tinh giản biên chế) vẫn đạt mức cao là 1.042.800 tỉ đồng, bằng 63,8% tổng chi, tăng 6,8% dự toán năm 2018.

Đánh giá tác động rủi ro trong triển vọng thu chi ngân sách năm sau, Bộ Tài chính chỉ ra có rủi ro do các diễn biến thực tế chưa lượng hóa đầy đủ đối với tác động của việc cắt giảm thuế theo hiệp định thương mại tự do; rủi ro gắn với nguồn thu từ cổ phần hóa, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế không đạt.

Về chi NSNN, trong bối cảnh dư địa tăng thu không còn nhiều, các yêu cầu đột xuất trong chi như rủi ro giải ngân vượt kế hoạch nguồn vốn ngoài nước sẽ tác động đến bội chi NSNN và nợ công.

Về rủi ro về bội chi, nợ công: trường hợp giá trị GDP không đạt kế hoạch, hoặc có các biến động lớn về lãi suất, tỷ giá... sẽ làm tăng nghĩa vụ trả nợ gốc. Đồng thời, việc cơ cấu lại kỳ hạn và lãi suất các khoảng vay sẽ chỉ thực hiện được khi thị trường diễn biến thuận lợi, có bước phát triển khá, cả về chiều rộng và chiều sâu.

Bên cạnh đó, rủi ro tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế hiện còn thấp, cũng như những biến động khó lường của tình hình kinh tế, thương mại thế giới. Khi tăng trưởng GDP thực tế không đạt thì sẽ ảnh hưởng đến thu NSNN và tác động các chỉ tiêu tính toán trên GDP (bội chi, nợ công...).

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự toán chi ngân sách năm 2019 vượt thu hơn 200.000 tỉ đồng