Trong tháng 2/2014, Ủy ban thường vụ các vấn đề xã hội của Quốc hội đã gửi đi xin ý kiến về bản dự thảo mới nhất (đề ngày 10/2/2014) Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi). Tên gọi của dự luật đã không còn là luật sửa đổi, bổ sung một số điều nữa do phạm vi thay đổi sâu rộng của nó.

Dự thảo luật Hôn nhân và Gia đình muốn "treo" quyền kết hôn của người đồng tính?

Một Thế Giới | 04/03/2014, 12:59

Trong tháng 2/2014, Ủy ban thường vụ các vấn đề xã hội của Quốc hội đã gửi đi xin ý kiến về bản dự thảo mới nhất (đề ngày 10/2/2014) Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi). Tên gọi của dự luật đã không còn là luật sửa đổi, bổ sung một số điều nữa do phạm vi thay đổi sâu rộng của nó.

Du thao luat Hon nhan va Gia dinh muon
So với dự thảo trình Quốc lấy cho ý kiến vào tháng 11 năm ngoái, bản dự thảo mới này có một số điểm giữ nguyên cũng như thay đổi đáng chú ý sau.
-    Bỏ điều khoản cấm kết hôn “giữa những người cùng giới.”
-    Khẳng định “nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.” (Điều 8, Khoản 2 về Điều kiện kết hôn)
-    Điều 2a, Khoản 3 (Giải thích từ ngữ) và Điều 8, Khoản 1 (Điều kiện kết hôn) thêm vào cụm từ “với nhau.” (“Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau...”, “Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây...”)
-    Đưa ra 2 phương án cho việc giải quyết hậu quả của việc chung sống giữa những người cùng giới tính: Một là bỏ đi không quy định nữa. Hai là quy định: “Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của các bên trong quan hệ chung sống giữa những người cùng giới tính được giải quyết theo thỏa thuận của các bên; nếu không có thỏa thuận thì theo quy định của Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan. Công việc nội trợ và các công việc khác có liên quan đến duy trì đời sống chung được xem như lao động có thu nhập.”
Du thao luat Hon nhan va Gia dinh muon
Không cấm và không thừa nhận

Sau rất nhiều thảo luận, việc bỏ điều cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính ra khỏi luật gần như đã đạt đồng thuận. Tuy nhiên các nhà làm luật cho rằng chưa thể hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới ngay lúc này, nên chuyển từ “cấm” sang “không thừa nhận.
Quy định này không được nhiều người đồng tình. Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói:“Không cấm mà cũng không công nhận hôn nhân đồng giới là vẫn còn lửng lơ, vì không cấm tức là được làm. Quan điểm của tôi là công nhận.”
Đứng trước những ý kiến này, dự thảo luật mới nhất vẫn quyết định “không thừa nhận” và ghi rõ thành một điều khoản “nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.” (Điều 8, Khoản 2 về Điều kiện kết hôn)
Có thể nói đây là cách nhà làm luật muốn khẳng định lại sự bối rối của mình. “Cấm” có nghĩa là “không được làm”, còn “không thừa nhận”thì giống như “không làm được.” Xét về lý thuyết, các nhà làm luật đã chuyển người đồng tính từ “không có quyền” sang “không thực hiện được quyền.” Quyền kết hôn của người đồng tính bây giờ trở thành một quyền “treo” để chờ “quy hoạch” trong tương lai. Còn xét về thực tế thì không có gì thay đổi, người đồng tính vẫn tiếp tục yêu nhau, sống với nhau và không được pháp luật bảo vệ quyền, lợi ích trong việc chung sống như thừa kế, đại diện, tài sản, con cái.
Luật quy định giới hạn Hiến pháp

Có một thay đổi nhỏ tinh tế trong dự thảo mới là tại Điều 2a, Khoản 3 (Giải thích từ ngữ) và Điều 8, Khoản 1 (Điều kiện kết hôn) có thêm vào cụm từ “với nhau” không hề có trong các dự thảo trước. (“Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau...”, “Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây...”)
Nhìn qua một chút Hiến pháp mới năm 2013 tại Điều 36: “Nam, nữ có quyền kết hôn.” Quy định này không có nghĩa là chỉ có các cặp khác giới mới có quyền kết hôn, vì người đồng tính thì cũng là người nam hoặc nữ. Điều này để công nhận quyền kết hôn của công dân chứ không hề định nghĩa hôn nhân hay để giới hạn người thụ hưởng quyền này.
Tuy nhiên có lẽ vì “sợ” ý kiến giải thích như vậy, mà dự thảo luật đã gắn thêm cụm từ “với nhau” vào. Theo đó, từ Hiến pháp xuống tới luật, quyền kết hôn của nam, nữ đã bị quy định thu hẹp lại. Điều này trái với nguyên tắc luật chỉ có thể mở rộng quyền chứ không được giới hạn vĩnh viễn một quyền đã được hiến định của công dân.
Du thao luat Hon nhan va Gia dinh muon
Giải quyết hay không giải quyết?

Nếu như trong dự thảo trước, các nhà làm luật thảo luận xem giải quyết hậu quả của việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính như thế nào, thì tới dự thảo lần này lại xuất hiện thêm một phương án là “bỏ” không quy định gì nữa. Nói nôm na, các cặp cùng giới đứng trước hai khả năng là phải “lên phường” hay “về nhà” tự giải quyết chuyện của mình.
Có chuyên gia nhận xét bỏ đi lại là điều tốt hơn về lâu dài. Vì nếu có quy định nhưng lại quá ít ỏi, thì sẽ khó để thay đổi sau này. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng quy định thì vẫn còn hơn không quy định. Vì nếu không có quy định thì chắc chắn sẽ không có hướng dẫn gì trong tương lai cả. Việc có quy định cũng mang ý nghĩa tích cực vì sau rất nhiều thảo luận xã hội, ít ra cũng có thành quả được ghi nhận.
Đi vào phân tích phương án có quy định, có một số điểm lưu ý như sau.
-    Quan hệ cha mẹ với con đã không còn được quy định, chỉ còn có “quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng.” Trong dự thảo cũ mặc dù phần này được quy định không rõ ràng, tuy nhiên việc loại bỏ hẳn đi là một bước lùi lớn. Quyền nghĩa vụ đối với con vẫn là một trong những vấn đề pháp lý mà các cặp cùng giới cần giải quyết nhiều nhất trong thực tế. Bên cạnh đó, điều khoản này đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi của đứa trẻ. 
-    Cụm từ “quan hệ chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính” đã bị bỏ cụm từ “như vợ chồng” trong dự thảo mới. Như vậy, dự thảo cũng đã khước từ bản chất bình đẳng của mối quan hệ chung sống của những cặp cùng giới cũng như khác giới. Quan trọng hơn, việc bỏ đi cụm từ “như vợ chồng” khiến quy định này trở nên vô nghĩa, vì hai người cùng giới tính sống chung với nhau thì có thể là bạn bè, thậm chí người lạ hay họ hàng, gia đình. Có “như vợ chồng” là để thấy họ có “tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng.” (Điều 2a, Khoản 5)
-    Cùng lúc đó, dự thảo thêm vào quy định căn cứ giải quyết tài sản: “Công việc nội trợ và các công việc khác có liên quan đến duy trì đời sống chung được xem như lao động có thu nhập”. Đây là điểm thú vị vì nó sử dụng thuật ngữ “công việc nội trợ” và “đời sống chung” vốn dùng trong các quy định về giải quyết tài sản giữa các cặp khác giới. Để nhất quán với việc thừa nhận thực tế các cặp cùng giới có “duy trì đời sống chung” như vợ chồng, dự thảo nên giữ lại cụm từ "sống chung như vợ chồng" để giải quyết được thấu đáo các phát sinh trong thực tế.
Một vài gợi ý

Thật khó để bây giờ gợi ý các nhà làm luật hãy làm như chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từng nói “bảo không cấm là tiến bộ, tại sao quốc hội không công nhận đi?” Hợp pháp hóa hôn nhân không phân biệt giới tính vẫn là cách giải quyết bình đẳng, tiến bộ và hợp lý nhất.
Tuy nhiên trong phạm vi những gì đang có ở dự thảo hiện tại, sẽ có những gợi ý sau đây:
-    Bỏ điều khoản “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.” (Điều 8, Khoản 2 về Điều kiện kết hôn)
-    Bỏ cụm từ “với nhau” ở Điều 2a, Khoản 3 (Giải thích từ ngữ) và Điều 8, Khoản 1 (Điều kiện kết hôn).
-    Bỏ phương án 1 của Điều 16.
-    Điều chỉnh tiêu đề của Điều 16 “Giải quyết hậu quả của việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính”; điều chỉnh phương án 2 của Điều 16: “Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của các bên trong quan hệ chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính được giải quyết theo thỏa thuận của các bên; nếu không có thỏa thuận thì theo quy định của Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan. Công việc nội trợ và các công việc khác có liên quan đến duy trì đời sống chung được xem như lao động có thu nhập.”
Hơn hết trong thời gian nước rút này, các nhà làm luật cần thật sự nghĩ về những người đang đặt rất nhiều niềm tin vào họ. Niềm tin rằng mọi người đều cần được đối xử bình đẳng về quyền và phẩm giá trước pháp luật. Niềm tin rằng hạnh phúc và tình yêu vẫn là thứ đầu tiên cho tới sau cùng mà mỗi con người đều mưu cầu cho cuộc sống.
Lương Thế Huy (Theo Diễn Ngôn)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
10 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự thảo luật Hôn nhân và Gia đình muốn "treo" quyền kết hôn của người đồng tính?