Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) điều chỉnh theo hướng, bên cạnh các đối tượng kê khai theo luật hiện hành, thì mở rộng đối với mọi cán bộ, công chức, đều phải có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập lần đầu.
Sáng 31.5, Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòngchống tham nhũng (PCTN-sửa đổi) tại Quốc hội.
Theo đó, về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, Luật PCTN hiện hành quy định đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản là cán bộ từ Phó phòng Ủy ban nhân dân cấp huyện và tương đương trở lên; một số cán bộ, công chức cấp xã, người làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân. Các đối tượng này có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập hằng năm.
Dự thảo Luật PCTN sửa đổi theo hướng, bên cạnh các đối tượng kê khai theo luật hiện hành, thì mở rộng đối với mọi cán bộ, công chức, đều phải có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập lần đầu.
Theo quan điểm của Chính phủ, việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đối với mọi cán bộ, công chức và với viên chức giữ chức vụ tương đương phó trưởng phòng trở lên khi lần đầu được tuyển dụng, bổ nhiệm là một bước đi cần thiết.
Mục đích để hình thành đồng bộ hệ thống dữ liệu quốc gia về bản kê khai, qua đó giúp kiểm soát có hiệu quả những biến động về tài sản, thu nhập của họ khi thuộc diện phải kê khai hằng năm.
Để đảm bảo tính khả thi của quy định theo phương án từng bước mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai, dự thảo luật đã có những sửa đổi, bổ sung căn bản về kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập như quy định mới về phương thức kê khai; xây dựng cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập; cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập; căn cứ xác minh tài sản, thu nhập và xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tăng thêm mà không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc.
Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Tư pháp tán thành với quy định của dự thảo luật. Ủy banTư pháp cho rằngngoài nhóm đối tượng công tác trong các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao cần phải kiểm soát chặt chẽ thì trước mắt, để phù hợp với thực tế và khả thi, nhóm đối tượng cán bộ, công chức còn lại chỉ cần kiểm soát tài sản, thu nhập ở mức độ đơn giản hơn.
“Mục đích chủ yếu nhằm tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu khi tài sản, thu nhập của họ có biến động từ 300 triệu đồng trở lên trong 1 năm hoặc khi có tố cáo, có dấu hiệu về việc kê khai không trung thực”, đại diện Ủy banTư pháp nêu.
Đồng thời, so với luật hiện hành thì phương thức kê khai đã có sự thay đổi theo hướng thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai hằng năm. Đó là chỉ bao gồm những người giữ các chức vụ cao hoặc làm việc ở những vị trí có nguy cơ tham nhũng cao.Qua đó nhằm bảo đảm tập trung nguồn lực cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập, tăng cường ý thức tuân thủ của người kê khai, bảo đảm tính khả thi và góp phần khắc phục được tính hình thức của việc kiểm soát tài sản, thu nhập như thời gian qua.
Quy định này cũng là thể chế hóa quan điểm của Đảng được nêu trong Nghị quyết Trung ương 3 (khóa 10) là “tiến tới tất cả cán bộ, công chức là đảng viên đều phải kê khai tài sản”.
Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến đề nghị thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, tập trung vào những vị trí có nguy cơ tham nhũng cao. Việc mở rộng sẽ được thực hiện khi đã làm tốt công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của nhóm đối tượng này và có đủ nguồn lực cho việc kiểm soát.
Ý kiến này cho rằng, theo quy định của Luật PCTN hiện hành thì đối tượng phải kê khai là cán bộ giữ chức vụ từ Phó phòng UBND cấp huyện và tương đương trở lên và được thực hiện hằng năm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức, hiệu quả thấp.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do việc kê khai chủ yếu dựa vào ý thức tự giác của người kê khai, số người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập quá lớn (trung bình khoảng hơn 1 triệu bản kê khai mỗi năm), vượt quá khả năng của các cơ quan có trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập.
Nếu mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai như dự thảo Luật PCTN (cho dù là kê khai lần đầu) mà không theo dõi biến động, không xác minh tài sản, thu nhập của họ thì lại không khắc phục được tính hình thức như thời gian qua.
Bên cạnh đó, việc mở rộng đối tượng kê khai nhưng lại đồng thời thu hẹp đầu mối cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập cũng sẽ tạo áp lực rất lớn đối với cơ quan này và có thể dẫn đến tiếp tục thiếu hiệu quả trong kiểm soát tài sản, thu nhập.
Có ý kiến cho rằng, muốn PCTN thực chất, hiệu quả thì cần có cơ chế kiểm soát thu nhập và thực hiện thanh toán qua tài khoản đối với mọi thành viên trong xã hội.
Lam Thanh