“Tăng trưởng Quý III/2017 cao tới 7,46% dẫn tới một số ý kiến nghi ngờ, nhưng xét kỹ thì mức tăng trưởng này có căn cứ rõ ràng. Tăng trưởng GDP là nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất khẩu, tiêu dùng nội địa”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri ở Hà Tĩnh ngày 1.10.
Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, tình hình kinh tế của đất nước ngày càng khởi sắc, đặc biệt là các chỉ tiêu lớn như tăng trưởng, lạm phát, xuất khẩu…
“Tăng trưởng Quý III/2017 cao tới 7,46% dẫn tới một số ý kiến nghi ngờ, nhưng xét kỹ thì mức tăng trưởng này có căn cứ rõ ràng”, Phó thủ tướng cho biết đồng thời lý giải tăng trưởng GDP là nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất khẩu, tiêu dùng nội địa.
Cụ thể, trong 9 tháng qua, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng 12,8% (trong đó Tổ hợp Samsung trong quý III tăng trưởng tới 45% và Nhà máy thép Formosa sẽ sản xuất 1,5 triệu tấn thép/năm). Sản xuất nông nghiệp, thủy sản cũng tăng 5,45% trong 9 tháng qua do nhiều khu vực chuyển từ trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản cho giá trị cao hơn.
Bên cạnh đó, tiêu dùng nội địa tăng mạnh trong 9 tháng qua ở mức 10,2% (nếu trừ yếu tố giá tiêu dùng thì tăng hơn 9%). Xuất khẩu tăng mạnh tới gần 19% cũng mang lại động lực mạnh mẽ cho GDP, trong đó riêng ngành nông nghiệp năm nay dự kiến sẽ vượt kế hoạch khi mang lại giá trị 35 tỉ USD.
Tăng trưởng GDP mạnh mẽ nhưng lạm phát lại rất thấp, khi tới tháng 9 lạm phát chỉ tăng 1,83% so với cuối năm 2016. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho biết, thành công của điều hành lạm phát trong những năm qua là kiểm soát được lạm phát theo tính toán của Chính phủ.
Phó thủ tướng cũng thông báo rằng, nền kinh tế khi huy động vốn đầu tư nước ngoài (cả trực tiếp và gián tiếp) cao nhất trong vòng 20 năm qua, đạt mức 25 tỉ USD. Khách du lịch quốc tế tới Việt Nam tháng sau tăng 30% so với tháng trước. Thị trường vốn trái phiếu, cổ phiếu đạt hơn 800 điểm, cao nhất từ năm 2007 tới nay. Lần đầu tiên Việt Nam đưa thị trường chứng khoán phái sinh vào hoạt động, rút ngắn 13 năm so với thông lệ thế giới.
“Đó là những động lực làm cho nền kinh tế tăng trưởng tốt”, Phó thủ tướng nhận định.
Trước đó, tại cuộc họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2017, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2017 ước tính tăng 6,41% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý I tăng 5,15%, quý II tăng 6,28%và ước tính quý III tăng 7,46%.
Ông Lâm đánh giá, đây là tín hiệu tích cực để nền kinh tế hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,7% của cả năm 2017.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê nêu rõ, trong mức tăng 6,41% của toàn nền kinh tế 9 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,17%, đóng góp 2,45 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,25%, đóng góp 2,8 điểm phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, điểm sáng là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 12,77% (cao hơn cùng kỳ năm 2016), đóng góp 2,15 điểm phần trăm. Ngành xây dựng duy trì tăng trưởng khá với tốc độ 8,3%, đóng góp 0,47 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,66%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 32,5%; khu vực dịch vụ chiếm 42,67%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,17%.
Xét về góc độ sử dụng GDP trong 9 tháng, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2016, đóng góp 8,76 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; tích lũy tài sản tăng 9,8%, đóng góp 4,78 điểm phần trăm; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ở tình trạng nhập siêu làm giảm 7,13 điểm phần trăm.
Hoài Phong