Du lịch là một trong những ngành bị thiệt hại nặng nề nhất trong đại dịch COVID-19. Những thiệt hại đó đòi hỏi ngành du lịch phải chuyển đổi số để thích nghi và phát triển, trong đó áp dụng công nghệ thực tế ảo là hướng đi mới mẻ và hiệu quả.

Du lịch thực tế ảo, hướng đi mới giúp doanh nghiệp vượt đại dịch

Lam Thanh | 24/11/2021, 11:31

Du lịch là một trong những ngành bị thiệt hại nặng nề nhất trong đại dịch COVID-19. Những thiệt hại đó đòi hỏi ngành du lịch phải chuyển đổi số để thích nghi và phát triển, trong đó áp dụng công nghệ thực tế ảo là hướng đi mới mẻ và hiệu quả.

Du lịch ảo – “ngọn gió” mới cho ngành du lịch

Ngành du lịch toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch COVID-19.

Năm 2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm 79,5% so với năm 2019; tổng thu từ khách du lịch giảm 58,7%, tương đương 19 tỉ USD. Trong 9 tháng đầu năm 2021, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 16%, tổng thu từ khách du lịch giảm tiếp 42% so với cùng kỳ năm 2020; tiền lương trung bình trong ngành du lịch giảm gần 18%, số lượng lao động chính thức giảm đến 11%...

Trong bối cảnh doanh thu ngành du lịch truyền thống “chạm đáy” vì dịch COVID-19 thì “du lịch số”, du lịch “thực tế ảo” đã lên ngôi.

du-lich-ao.png
Trải nghiệm du lịch qua công nghệ thực tế ảo

Cụ thể, thông qua sự trợ giúp của công nghệ, đặc biệt là công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality - VR), với sự hỗ trợ của điện thoại thông minh, máy tính, kính thực tế ảo, tai nghe, ghế tạo hiệu ứng..., người dùng có thể trải nghiệm cảm giác sống động y như thật của điểm đến đã được số hóa trên môi trường 3D.

Ví dụ tại Nhật Bản, kể từ khi hạn chế đi lại vì dịch bệnh, lượng đặt các tour du lịch ảo đã tăng lên khoảng 50%. Thậm chí có doanh nghiệp còn ra mắt tour du lịch ảo trong mô hình cabin máy bay. Theo đó, du khách được tiếp đón trong khoang hạng nhất với đồ ăn, nước uống và thông qua kính thực tế ảo, họ được trải nghiệm tới những thành phố du lịch tuyệt vời tại Italia, Mỹ, Pháp…, tận hưởng trọn vẹn một chuyến du lịch sống động, chân thực.

Đối với Việt Nam, dự án đưa hình ảnh Sơn Đoòng (tỉnh Quảng Bình) dưới dạng 360 độ ra toàn thế giới của National Geographic đã giúp Sơn Đoòng 360 độ trở thành tour du lịch VR hấp dẫn và đáng trải nghiệm nhất thế giới.

Gần đây, tour du lịch ảo khám phá Mộc Châu (tỉnh Sơn La) cũng đã được thực hiện với sự trợ giúp của kính VR, tai nghe..., người xem sẽ được ngắm quang cảnh hùng vĩ của thác Dải Yếm, nghe tiếng thác chảy, ngắm rừng thông bản Áng thơ mộng như ở ngoài đời thực.

Theo Ban Quản lý Khu Du lịch Quốc gia Mộc Châu, số hóa là bước đầu tiên để đơn vị này xây dựng du lịch ảo. Theo đó, toàn bộ không gian sẽ được quét bằng các thiết bị hiện đại nhất như flycam (máy bay quay phim không người lái), thiết bị chụp ảnh 360. Đến khâu xử lý dữ liệu, tất cả hình ảnh, video 360 độ được ghép và liên kết với nhau bằng phần mềm chuyên dụng. Từ đó cho ra sản phẩm chuyến du lịch 360 độ. Hiện, ban quản lý đã xây dựng được hơn 10 chương trình du lịch ảo và thử nghiệm quảng bá trên trang web của đơn vị này.

Tương tự, thị xã Sa Pa, Lào Cai cũng tích cực ứng dụng chuyển đổi số để phát triển ngành du lịch. Mới đây, Sa Pa đưa trung tâm giám sát, điều hành thông minh vào hoạt động, trong đó có nhiều hạng mục ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch. Đó là hệ thống camera giám sát kết hợp loa thông minh đặt tại các vị trí trọng điểm về cảnh quan; số hóa dữ liệu điểm du lịch đã được công nhận trên địa bàn thị xã; thí điểm ứng dụng công nghệ 3D cung cấp thông tin du lịch ảo đối với các điểm du lịch do thị xã quản lý...

lao-cai.jpg
Tỉnh Lào Cai áp dụng công nghệ trong quảng bá du lịch

Ở góc độ du khách, vợ chồng anh Nguyễn Phương (Hà Nội) cho biết vì đại dịch COVID-19 không thể đi du lịch, anh chị đã tìm đến các trang web thực tế ảo để trải nghiệm. Thông qua các mô hình du lịch 3D, thực tế ảo, du khách có thể thỏa mãn nhu cầu khám phá.

“Có những trang web miễn phí, nhưng cũng có những gói mất phí với trải nghiệm tốt hơn. Du lịch bằng công nghệ thực tế ảo có thể cung cấp cái nhìn toàn cảnh về điểm đến với hình ảnh có độ phân giải cao; người dùng có thể tự khám những địa hình hiểm trở mà vẫn đảm bảo an toàn… Tất nhiên, hình thức du lịch này tuy không mang lại các trải nghiệm đầy đủ của việc du lịch thực tế nhưng lại thuận tiện với nhiều đối tượng hơn, nhất là các đối tượng gặp khó khăn trong việc di chuyển đường dài như người bệnh, người già, hoặc những người bị phong tỏa do COVID-19…”, anh Phương nêu.

Chính sách nào phát triển du lịch số?

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết áp dụng công nghệ thực tế ảo là kênh quảng bá rất hiệu quả đối với ngành du lịch. Theo đó, người dân có thể ngồi tại nhà nhưng vẫn tìm hiểu được các địa điểm du lịch một cách trực quan nhất, từ đó nuôi dưỡng mong muốn trải nghiệm du lịch trực tiếp trong mỗi người.

“Trong bối cảnh dịch bệnh, giãn cách xã hội, việc đi du lịch trực tiếp bị giới hạn thì “du lịch” thông qua công nghệ thực tế ảo là hướng đi tốt cho cả du khách lẫn doanh nghiệp du lịch”, bà Hương nêu.

Tuy nhiên, theo bà Hương, để ngành du lịch thực sự phát triển và nhiều dịch vụ “ăn theo” được hưởng lợi từ việc du lịch của người dân thì công nghệ thực tế ảo là chưa đủ. Theo đó, mấu chốt là từ trải nghiệm thực tế ảo, khách du lịch phải cảm thấy hấp dẫn và mong muốn được đi du lịch trực tiếp.

Còn theo ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đại dịch COVID-19 đang đặt ra yêu cầu đòi hỏi các doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược để có thể nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng nhanh chóng khi đại dịch được kiểm soát, chuyển đổi số chính là một phần của chiến lược này.

Ông Vũ Thế Bình cho rằng, các doanh nghiệp du lịch cần nhanh chóng chuyển đổi số, xây dựng hệ thống thông tin về khách, về sản phẩm và dịch vụ; đề xuất các giải pháp, tính toán chi phí, điều hành dựa trên cơ sở phân tích các dữ liệu một cách khoa học mới có thể đáp ứng nhu cầu của khách.

“Thực hiện chuyển đổi số, các doanh nghiệp du lịch có thể tiếp cận tới nhiều khách hàng hơn, chăm sóc khách hàng tốt hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh”, ông Bình nói.

dl.jpg
Công nghệ thực tế ảo mang đến hướng đi mới cho ngành du lịch

Thời gian qua, nhiều chính sách phát triển ngành du lịch đã nhấn mạnh đến việc áp dụng công nghệ số. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã yêu cầu đổi mới, hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy nhanh thực hiện quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch; số hóa các thông tin, tài liệu về điểm đến, xây dựng các kho nội dung số, hướng tới hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh.

Vào tháng 3.2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng ban hành chỉ thị phát động cuộc vận động ứng dụng công nghệ Việt cho cuộc sống số, tạo ra những cơ hội mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó nhấn mạnh ưu tiên phát triển hệ thống nội dung số phục vụ nhu cầu giải trí với các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ như sách điện tử; nghe nhạc, xem phim trực tuyến; tham quan, du lịch ảo…

Nhận thức rõ về xu hướng tất yếu và không thể đảo ngược của chuyển đổi số, Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết đã tập trung triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành du lịch. Đến nay đã hình thành cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp lữ hành quốc tế, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch, khu, điểm du lịch và hệ thống dữ liệu thống kê du lịch.

Đồng thời, trung tâm cũng phát triển các ứng dụng kết nối liên thông hệ thống thông tin quản lý từ Trung ương đến cơ sở; phát triển các ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ khách du lịch; hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin phát triển du lịch để ươm mầm cho những ý tưởng mới, sáng tạo, đột phá trong ngành; hỗ trợ, tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý du lịch ở các địa phương và doanh nghiệp du lịch về ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ du lịch…

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
40 phút trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Du lịch thực tế ảo, hướng đi mới giúp doanh nghiệp vượt đại dịch