Mấy ngày qua, khi dư luận như sôi lên về chuyện phát hiện các “biệt phủ” lộng lẫy của một số quan chức, một người bạn vốn là dân làm du lịch lâu năm nhanh nhạy nói với tôi: “Cái món này coi bộ làm du lịch được à…”.

Du lịch 'biệt phủ'...

02/07/2017, 14:39

Mấy ngày qua, khi dư luận như sôi lên về chuyện phát hiện các “biệt phủ” lộng lẫy của một số quan chức, một người bạn vốn là dân làm du lịch lâu năm nhanh nhạy nói với tôi: “Cái món này coi bộ làm du lịch được à…”.

Dinh cơ của gia đình Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Yên Bái.

Theo anh thì các “biệt phủ” này thừa tiêu chuẩn để trở thành những "sản phẩm du lịch" ăn khách.

Thứ nhất là về độ nguy nga tráng lệ. Lấy điển hình như biệt phủ của giám đốc Sở tài nguyên và môi trường tỉnh Yên Bái Phạm Sĩ Quý chẳng hạn, có mấy dinh thự của vua chúa hay công tử ngày xưa như vua Bảo Đại, vua Mèo hay công tử Bạc Liêu có thể sánh bằng? Với diện tích bạt đồi rộng đến 13.000m2, có hồ nước, cầu dây văng, có hồ bơi, sân chơi thể thao, nhà hàng… thì so với quần thể này, dinh thự của công tử Bạc Liêu chắc chỉ xứng là một nhà khách nhỏ bé.

Khác với các cái tên thông dụng khác như là biệt thự hay dinh thự của những người giàu có, các công trình kiến trúc này có cái tên mới là “biệt phủ”, một cái tên gợi nhớ đến thời quan lại cát cứ với câu định ngữ “cung vua phủ chúa”. Gọi là “biệt phủ” còn bởi chúng còn chứa những bí ẩn, những giai thoại, những “chuyện cổ tích” xoay quanh việc xây dựng nên chúng.

Quả thật, chính sự kỳ bí như có sự giúp đỡ của ông “thần đèn” trong truyện cổ tích để xây dựng nên các “biệt phủ” mà thanh tra các cấp đang “vào cuộc” để kiểm tra, như tỉnh Yên Bái đang thanh tra biệt phủ của giám đốc công an tỉnh Yên Bái Đặng Trần Chiêu hay Thanh tra chính phủ kiểm tra tài sản của ông Phạm Sĩ Quý. Như đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc đã nêu nghi ngờ, thì với đồng lương của quan chức cấp tỉnh thì dù có cả trăm năm nhịn ăn nhịn mặc cũng không thể xây nổi các “biệt phủ” “hoành tá tràng” đến thế.

Các “biệt phủ” vì thế đã đáp ứng tiêu chuẩn thứ hai của một sản phẩm du lịch, đó là việc các dinh thự đền đài phải gắn với các giai thoại, huyền thoại. Có thể dẫn chứng như giai thoại về việc “chạy xe ôm thâu đêm suốt sáng” thời trẻ tích luỹ để xây “biệt phủ” của ông Nguyễn Sĩ Kỷ, phó Ban nội chính tỉnh uỷ Đắk Lắk; hay giai thoại về việc “thời còn trẻ đi mua chổi đót, lá chít từ trên này xuống Hà Nội, có lúc lạc ngủ trong rừng” của ông Phạm Sĩ Quý…

Đó là các giai thoại, các “huyền thoại khởi nghiệp" của quan chức mà có lẽ chỉ có ở nước ta. Những người đang chạy xe ôm truyền thống hay Grab, Uber chắc phải xấu hổ khi nghe câu chuyện trên vì cứ mãi nghèo và đánh nhau để tranh giành khách mà không khá nổi. Và những người phụ nữ bán chổi đót, chổi lông gà hẳn phải nên hy vọng có ngày sẽ xây được “biệt phủ”…

Còn có những giai thoại khác về các biệt phủ, như việc những con đường công cộng tự dưng uốn cong một cách “kỳ diệu” để dẫn thẳng vào “biệt phủ” của quan chức, như vụ làm đường từ tỉnh lộ vào “biệt phủ” ông Phạm Thanh Hà, Uỷ viên Ban thường vụ tỉnh uỷ tỉnh Kon Tum, trưởng Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Kon Tum; hay vụ làm đường nhựa “cong mềm mại” vào biệt thự ông Hà Hải Dương, chủ tịch thị xã Đông Triều tỉnh Quảng Ninh.

Điều kỳ lạ nữa là các biệt phủ này “bỗng dưng” lại đua nhau mọc lên trên cả nước, lộng lẫy nguy nga đến thế nhưng thật khó khăn để phát hiện. Chưa từng có một “biệt phủ” nào được các cấp thanh tra, kiểm tra phát hiện trước mà việc khám phá ra chúng chỉ do dư luận, công luận phát hiện để rồi sau đó mới có những sự “vào cuộc” thanh kiểm tra. Kỳ lạ hơn nữa, như có một “lời nguyền”, một số người phát hiện ra chúng lại thường dính vào những “nghi án” nào đó, như vụ phát hiện biệt phủ ở Bến Tre mấy năm trước hay ở Yên Bái hiện nay.

Tiêu chuẩn thứ ba, theo anh bạn giám đốc công ty du lịch của tôi, thì các “biệt phủ” này phải được “trưng dụng” nếu có sai phạm về đạo đức công chức, để có thể trở thành một địa điểm du lịch công cộng nhằm nhắc nhở tới một bài học lịch sử nào đó. Anh lấy ví dụ như việc trưng dụng các di tích của thời phong kiến, tư sản, các di tích chiến tranh… cho du lịch.

Theo tôi thì tiêu chuẩn thứ ba này chắc khó trở thành hiện thực, bởi khó có cuộc thanh kiểm tra nào có hy vọng mang lại kết quả đó. Có muốn làm du lịch như sáng kiến của anh thì may ra phải chờ lúc các quan chức ấy về hưu, “hạ cánh”, mở “tua” cho bà con tham quan, du lịch, chiêm ngưỡng các “biệt phủ” của mình…

Đoàn Đạt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Du lịch 'biệt phủ'...