Đa phần các HDV đưa khách ra nước ngoài đều đồng thuận cho rằng, việc khách Việt trộm cắp khi đi du lịch không phải điều hiếm gặp. Đôi khi, du khách lấy trộm không phải do thiếu thốn cũng không vì tham lam, mà chỉ bắt nguồn từ lý do rất khó hiểu như muốn… thử độ “nhạy” của hệ thống an ninh.

Du khách Việt và ngàn lẻ câu chuyện 'lỡ tay cầm nhầm' khi ra nước ngoài

Dan tri | 24/09/2017, 11:06

Đa phần các HDV đưa khách ra nước ngoài đều đồng thuận cho rằng, việc khách Việt trộm cắp khi đi du lịch không phải điều hiếm gặp. Đôi khi, du khách lấy trộm không phải do thiếu thốn cũng không vì tham lam, mà chỉ bắt nguồn từ lý do rất khó hiểu như muốn… thử độ “nhạy” của hệ thống an ninh.

Một ngàn lẻ một câu chuyện “cầm nhầm”

Mỗi lần đưa đoàn sang Singapore, anh Mạnh Tuấn - hiện là HDV của một công ty lữ hành ở Hà Nội, luôn dặn dò khách rất kỹ về tình hình an ninh cũng như những luật lệ “thép” của quốc đảo Sư tử. Nơi đây rất hiếm khi xảy ra tình trạng trộm cắp nhưng sẵn sàng có những hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với bất kỳ hành động phạm tội nào.

Ấy vậy mà trong chuyến đi cách đây 2 năm, vào khoảng 5 giờ sáng, khi anh Tuấn còn đang chìm trong giấc ngủ thì lễ tân khách sạn yêu cầu trưởng đoàn Việt Nam xuống có việc gấp. Chưa kịp hiểu đầu đuôi câu chuyện, anh đã bị cảnh sát mời đi theo về đồn. Vừa đến nơi, anh Tuấn nhìn thấy một vị khách trong đoàn đang ngồi ủ rũ, bị còng ngược tay, chân về phía sau, khuôn mặt thất thần trông rất tội nghiệp.

Thì ra, do không ngủ được, vị khách quyết định ra ngoài đi siêu thị vào buổi đêm. Trong khi đang lang thang 1 mình, thấy siêu thị quá rộng lại không có bóng dáng nhân viên, người này nhanh tay cho một chiếc đĩa nhạc vào túi áo. Vừa đi được vài bước, các nhân viên an ninh ập tới và áp giải du khách Việt lên đồn.

Ban đầu, HDV cố gắng tìm đủ mọi lýdo để “giải vây” cho khách nhưng đều không được chấp nhận. Bất đắc dĩ, anh Tuấn phải nói với cảnh sát rằng người kia… có vấn đề về thần kinh, không kiểm soát được hành động. Anh vẫn còn nhớ như in khuôn mặt lạnh tanh của viên cảnh sát Singapore lúc đó: “Chúng tôi sẽ đưa người đàn ông này đi giám định. Nếu đúng anh ta bị thần kinh, chúng tôi sẽ trả lại tự do. Còn nếu không, cả anh cũng sẽ bị bắt vì tội bao che, đồng lõa”.

Đến nước này, không còn gì để chối cãi, vị khách Việt đành chấp nhận nộp phạt 800 đôla Sing. Nhưng vì khách cũng không có nhiều tiền nên công ty của anh Tuấn đành trợ giúp chi trả một nửa.

Các siêu thị, trung tâm thương mại thường là nơi xảy ra nhiều vụ trộm cắp. (Ảnh minh họa)

Trong một lần khác sang Pháp, có khách Việt cũng lấy trộm chai nước hoa trong trung tâm thương mại. Suốt 6 tiếng bị giam giữ, vị khách này cũng hết lời giải thích, cho rằng mình “nhớ nhầm đã trả tiền rồi nên mới đút vào túi” và “chỉ muốn đùa cho vui”. Đến khi được xem camera ghi hình, người này mới nhận sai.

Cảnh sát Pháp yêu cầu người đàn ông nộp phạt 15.000 Euro dựa theo giá trị hàng hóa. Đến khi anh Tuấn xuất hiện, hết lời xin xỏ, cam đoan thì mức phạt được giảm xuống 1.500 Euro. “Đây quả thực vẫn là một số tiền lớn. Người này cũng không mang nhiều tiền nên đành muối mặt đi vay mỗi người trong đoàn một chút và trả lại khi trở về nhà”, anh Tuấn kể lại.

Về sau, vị khách này có thú nhận, ông ta lấy trộm không phải vì tham lam mà vì bốc đồng muốn thử xem hệ thống an ninh có nhạy không, có tân tiến, hiện đại hơn Việt Nam ở chỗ nào. Cứ tưởng hành động trót lọt, không ngờ lại bị bắt giữ.

Khách Việt cũng là nạn nhân của thói trộm cắp

Với gần 20 năm kinh nghiệm làm HDV, anh Tuấn đúc kết: “Khách có hành vi ăn cắp không phải là thanh niên, tuổi đời cũng đủ chín chắn để nhận thức và điều khiển hành vi của mình, nhưng không hiểu vì sao họ vẫn làm như vậy. Trong những trường hợp này, HDV hoàn toàn có quyền từ chối không phục vụ nhưng chẳng bao giờ chúng tôi dám bỏ mặc khách ở nơi đất khách quê người”.

“HDV vốn là công việc nhiều áp lực và mệt mỏi, các rắc rối là điều không ai muốn. Khi biết tin khách trong đoàn có hành vi ăn cắp, tôi vừa thất vọng, vừa giận khách nhưng cũng lo sợ ảnh hưởng đến các thành viên khác. Phải học cách bình tĩnh, kiềm chế cảm xúc thì mới có thể giải quyết mọi việc một cách thỏa đáng”, anh Tuấn tâm sự.

Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại, việc người Việt sang các nước châu Âu mà bị mất cắp, móc túi cũng là chuyện thường xuyên xảy ra, đặc biệt là ở Pháp hay Ý. Kẻ xấu ngang nhiên ra tay ăn trộm ở những nơi đông người. Nhưng khi bắt được tại trận, khách Việt cũng không làm được gì vì không có bằng chứng và kẻ trộm cũng “lẩn” đi rất nhanh.

Kẻ xấu luôn trộm cắp ở những nơi tập trung đông người, lợi dụng sơ hở của du khách. (Ảnh minh họa)

Ngay chính HDV cũng là nạn nhân của không ít vụ trộm cắp. Lần đó, khi đưa khách từ sân bay ra xe, anh Tuấn tranh thủ đặt túi lên ghế trước rồi xuống giúp khách xếp hành lý. Khi quay lên, anh mới giật mình vì chiếc túi chứa rất nhiều tiền đã biến mất.

Hỏi mọi người xung quanh, ai cũng bảo cách đó vài phút, có một người đàn ông giống phụ xe đuổi tất cả khách xuống ghế dưới. Sau đó, người này loay hoay ở phía trên một lúc rồi cũng mất dạng.

Anh Tuấn ngán ngẩm: “Có khi đang ngồi trong nhà hàng, khách treo túi ra sau ghế, quanh đi quẩn lại lấy bánh mỳ mà túi cũng bốc hơi. Rồi có lần sang Amsterdam, khách phát hiện ra chiếc túi vẫn đeo trên người đã bị cắt dây từ bao giờ. Xem lại bức ảnh chụp cách đó 5 phút thì chiếc túi vẫn còn nguyên. Toàn những mánh mà người Việt mình cũng không lường trước và không trở tay kịp”.

Theo Hoàng Ngọc/ Dân Trí
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Du khách Việt và ngàn lẻ câu chuyện 'lỡ tay cầm nhầm' khi ra nước ngoài