Ở khu vực Nam Bộ, mùa mưa năm nay, lượng nước mưa sẽ thiếu hụt từ 30-60% so với mức trung bình năm ngoái. Lượng dòng chảy các sông suối thiếu hụt so với trung bình năm ngoái từ 30-50%, một số nơi hụt tới 80%.

Dự báo lượng mưa năm nay chỉ bằng nửa mọi năm

Một Thế Giới | 25/03/2016, 14:46

Ở khu vực Nam Bộ, mùa mưa năm nay, lượng nước mưa sẽ thiếu hụt từ 30-60% so với mức trung bình năm ngoái. Lượng dòng chảy các sông suối thiếu hụt so với trung bình năm ngoái từ 30-50%, một số nơi hụt tới 80%.

Đó là thông tin mà Cục Trồng trọt đưa ra tại Hội nghị “Sơ kết sản xuất trồng trọt vụ đông xuân 2015-2016; triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu, vụ mùa 2016 các tỉnh Đông Nam Bộ và ĐBSCL” do Bộ NN-PTNT tổ chức tại Tiền Giang ngày 25.3.

Hiện tại, vụ đông xuân 2015-2016 đang phải đối phó với hàng loạt các diễn biến bất thường của thời tiết, khí tượng, thủy văn bất lợi cho sản xuất. Mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm, tổng lượng mưa sẽ thiếu hụt nghiêm trọng. Trên nhiều lưu vực sông, sẽ xuất hiện mực nước thấp nhất lịch sử...

Theo Cục Trồng trọt, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nhiệt độ tăng cao, thiếu hụt lượng mưa. Đây cũng là nguyên nhân gây ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở ĐBSCL.

Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ, nền nhiệt độ trong các tháng mùa khô 2016 trên ĐBSCL có xu thế cao hơn trung bình năm ngoái từ 0,5 - 1,50C, nhiệt độ cao nhất có thể ở mức 33 - 37oC.

Vụ đông xuân 2015-2016, khu vực Nam Bộ gieo sạ 1.663.603 ha lúa, tăng 25.712 ha; năng suất ước đạt 68,31 tạ/ha, giảm 2,23 tạ/ha; sản lượng ước đạt 11.364.602 tấn, giảm 190.356 tấn so với đông xuân 2014-2015.

Riêng vùng ĐBSCL xuống giống 1.590.538 ha, tăng 28.155 ha; năng suất ước đạt 68,81 tạ/ha, giảm 2,43 tạ/ha; sản lượng ước đạt 10.944.400 tấn, giảm 186.144 tấn so với đông xuân 2014-2015. Đến thời điểm này, đã thu hoạch trên 1 triệu hecta, diện tích còn lại đang ở giai đoạn đòng trổ, cần tiếp tục theo dõi và chăm sóc.

Sản lượng lúa vụ đông xuân sụt giảm so với cùng kỳ là do ảnh hưởng cả hạn hán và xâm nhập mặn. Qua báo cáo của các địa phương đến ngày 25.3.2016, hạn mặn đã làm thiệt hại 180.000 ha lúa đông xuân và hè thu.

Hiện tại, Chính phủ hỗ trợ vùng bị thiên tai cho diện tích bị thiệt hại là 140.000 ha với số tiền khoảng 217 tỉ đồng. Phần diện tích thiệt hại tăng thêm đến ngày 25.3 là 39.481 ha với số tiền đề nghị tiếp tục hỗ trợ là 56,6 tỉ đồng.

Cục Trồng trọt nhận định các vụ lúa còn lại trong năm 2016 vẫn tiếp tục đối phó với những khó khăn, không chỉ là hạn, mặn mà còn phải lưu ý đến những diễn biến bất thường khác về bão lũ…

vu dong xuan, he thu, xuong giong, thu hoach, luong mua 
Năm 2016, người trồng lúa còn phải đối mặt nhiều khó khăn
Quan điểm chỉ đạo sản xuất của Bộ NN-PTNT là hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra, bằng những giải pháp đồng bộ, quyết liệt và có sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong việc chỉ đạo sản xuất nông nghiệp khắc phục khó khăn.

Theo đó, phải đảm bảo đạt sản lượng lúa theo kế hoạch bằng các biện pháp tăng diện tích, tăng năng suất các vụ lúa còn lại trong năm 2016.

Theo kế hoạch của các tỉnh, vụ hè thu 2016 toàn vùng gieo sạ 1,659 triệu ha,  giảm 18.544 ha; năng suất 5.59 tấn/ha, tăng 0,14 tấn/ha và sản lượng 9,283 triệu tấn, tăng 134.000 tấn so với hè thu 2015.

Vụ thu đông 2016 gieo sạ 900.300 ha, tăng 57.160 ha; năng suất 5,52 tấn/ha và sản lượng 4.969.469 tấn, tăng 361.000 tấn so thu đông 2015. Vụ mùa 2016 các tỉnh ĐBSCL gieo sạ 176.680 ha, giảm 48.551 ha; năng suất 4,64 tấn/ha, tăng 0,13 tấn/ha và sản lượng 819.345 tấn, giảm 193.976 tấn so với vụ mùa 2015.

Vụ mùa giảm diện tích và sản lượng do sự chuyển dịch mùa vụ của tỉnh Cà Mau sang vụ đông xuân 36.000 ha, nên sẽ giảm sản lượng tương đương 180.000 tấn.

Để các vụ lúa còn lại trong năm đạt thắng lợi như kế hoạch đề ra, Bộ NN-PTNT chỉ đạo các địa phương cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp như bố trí thời vụ sản xuất và thời gian xuống giống của các vụ hè thu, thu đông và vụ mùa 2016 thật hợp lý, né tránh hạn, mặn, tập trung, nhanh và gọn.

Không xuống giống lúa xuân hè vì lượng nước phục vụ cho sản xuất lúa khan hiếm vào các tháng đầu năm 2016, vụ xuân hè tiềm ẩn nhiều rủi ro về thiếu nước và là cầu nối dịch hại cho hè thu chính vụ, làm cho việc quản lý sản xuất và mùa vụ sản xuất khó khăn hơn.

Đối với vụ hè thu 2016 thì tình hình khô hạn, xâm nhập mặn tiếp tục kéo dài đến tháng 6.2016, nên dự báo toàn vùng sẽ có khoảng 500.000 ha không xuống giống đúng thời vụ do thiếu nước, chiếm hơn 40% diện tích của các tỉnh ven biển và khoảng gần 30% diện tích gieo trồng toàn khu vực.

Do vậy, thời vụ sẽ bắt đầu khi có mưa, khoảng nửa đầu tháng 6 dương lịch (theo dự báo) tại các vùng chịu ảnh hưởng nước trời ở khu vực ven biển đến 70 km thuộc các tỉnh Long An (phía nam), Tiền Giang (phía đông), Bến Tre (các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú), Trà Vinh (các huyện Cầu Kè, Tiểu Cần, Cầu Ngang, Châu Thành, Trà Cú) , Sóc Trăng (Long Phú, Trần Đề, Thạnh Trị, Ngã Năm), Bạc Liêu (Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Phước Long, Hồng Dân và Giá Rai), Kiên Giang (Vĩnh Thuận, An Minh, An Biên và U Minh Thượng) và Cà Mau, diện tích khoảng 350.000 ha...

Về cơ cấu giống, theo Bộ NN-PTNT, cần sử dụng các giống lúa chống chịu hạn, phèn mặn trung bình - khá: OM 6976, OM 2517, OM 5629, OM 8017, OM 9921, OM 6677, OM 6162, OM 4900, OM 5451... cho những vùng khó khăn về nước tưới, chịu ảnh hưởng phèn, mặn.

Vùng bán đảo Cà Mau ưu tiên sử dụng các giống lúa ngắn ngày, chịu phèn mặn và điều kiện khó khăn. Giống chủ lực là: OM4900, OM6976, OM2517, OM5451, IR50404...; giống bổ sung: ST5, GKG1, OM7347, OM5472, OM576, OM5954, Jasmine 85, RVT...

Vùng ven biển Nam Bộ: ưu tiên áp dụng giống ngắn ngày, thâm canh trung bình-khá, chịu điều kiện khó khăn. Giống chủ lực: IR50404, OM2517, OM576, AS996, OM5451, OM6976, OM5472...; giống bổ sung: ST5, OMCS2000, Jasmine 85, OM4900, OM7347,  RVT, VD20...

Bình An

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự báo lượng mưa năm nay chỉ bằng nửa mọi năm