Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3.2016 đã tăng 0,57% so với tháng trước, cao nhất so với mức tăng của 3 tháng gần đây và tăng 1,69% so cùng kỳ năm trước. 

CPI tháng 3 tăng bất thường bởi học phí và dịch vụ y tế

Một Thế Giới | 24/03/2016, 11:25

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3.2016 đã tăng 0,57% so với tháng trước, cao nhất so với mức tăng của 3 tháng gần đây và tăng 1,69% so cùng kỳ năm trước. 

Thông tin từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), CPI tháng 2.2016 tăng 0,42% so với tháng 1.2015 và tăng 0,42% so với tháng 12.2015. Việc CPI đột ngột tăng khá cao vào tháng 3 năm nay là điều khá lạ, bởi theo quy luật, diễn biến giá cả thường giảm mạnh sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, hai tháng Tết, CPI tăng thấp, tháng 3 lại tăng khá mạnh.

Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, nguyên nhân việc CPI tháng 3 tăng khá mạnh chủ yếu là do giá một số loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý tăng theo lộ trình, đặc biệt là giá của dịch vụ y tế, giáo dục. Việc điều chỉnh giá này được áp dụng đồng loạt ở nhiều địa phương trong tháng 3.2016.
CPI thang 3 tang bat thuong
Diễn biến CPI qua các tháng - Nguồn Tổng cục Thống kê
 Cụ thể, trong Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC của liên bộ Y tế và Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc có hiệu lực từ 1.3.2016 đã khiến giá các mặt hàng dịch vụ y tế áp dụng cho đối tượng có bảo hiểm y tế tăng 32,9%, khiến chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng mạnh 24,34%; qua đó góp phần làm cho CPI chung tăng khoảng 1,27%.
Ngoài ra, việc thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2.10.2015 của Chính phủ, một số tỉnh thành phố đã tăng học phí các cấp làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 0,66%.

Ở chiều ngược lại, ngoài y tế và giáo dục tăng thì có tới 9/11 nhóm hàng đồng loạt giảm giá sau Tết Nguyên đán. Trong đó, giảm giá mạnh nhất là nhóm giao thông khi ghi nhận ở mức giảm 3,64% so với tháng trước.

Nguyên nhân chính của việc chỉ số giá nhóm giao thông giảm mạnh là giá xăng dầu bán lẻ trong nước tiếp tục được điều chỉnh giảm theo xu hướng của giá dầu thế giới, giá vé vận tải cũng có xu hướng giảm.

Bên cạnh đó, giá cả các nhóm hàng đồ uống và thuốc lá tiếp tục giảm mạnh ở tất cả các mặt hàng với mức giảm bình quân 0,54% so với tháng trước.

Đồng thời, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã giảm 0,48% trong đó lương thực tăng 0,23%, thực phẩm giảm 0,67% và ăn uống ngoài gia đình giảm 0,38% so với tháng trước.

Ngoài ra, giá tour du lịch các tuyến đã giảm giá mạnh khiến chỉ số giá nhóm văn hóa thể thao giải trí giảm 0,23% so với tháng trước.

Trí Lâm

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
CPI tháng 3 tăng bất thường bởi học phí và dịch vụ y tế