Cách đây hai ngày, ngày 28.12 và 29.12.2018, tại Hội nghị toàn quốc Chính phủ với các địa phương, một thông tin đã được xác nhận: Mức tăng trưởng kinh tế mà Việt Nam đạt trong năm là 7,08%.

Dự báo lạc quan trước thềm năm mới

Hoàng Đại Thanh | 31/12/2018, 14:21

Cách đây hai ngày, ngày 28.12 và 29.12.2018, tại Hội nghị toàn quốc Chính phủ với các địa phương, một thông tin đã được xác nhận: Mức tăng trưởng kinh tế mà Việt Nam đạt trong năm là 7,08%.

Khi tất cả cùng chung khát vọng

Thật ấn tượng vì mức tăng trưởng này trở thành cột mốc cao nhất trong 7 năm kinh tế liên tục tăng trưởng kể từ năm 2011 và cao hơn các dự báo đưa ra trong thời điểm một, hai tháng trước đó. Mức tăng trưởng 7,08% còn có một ý nghĩa nữa là giúp Việt Nam nhiều khả năng lọt vào tốp 10-15 nền kinh tế dẫn đầu kinh tế thế giới về tốc độ tăng trưởng.

Nhìn một cách tổng thể, năm 2018 là khoảng thời gian nền kinh tế Việt Nam phát triển khá nhanh và toàn diện khi 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội được đánh giá là đạt và vượt. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện rõ rệt, kinh tế tư nhân được coi trọng và Chính phủ đã thúc đẩy nó một cách đúng hướng, thông qua những cải cách về thể chế. Chính những công việc này đã mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế Việt Nam và trở thành lời mời hiệu quả đối với các nhà đầu tư nước ngoài, thu hút hơn 35 tỉ USD. Cùng với những con số cụ thể về mở rộng quy mô GDP, tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng cũng là một vấn đề xứng đáng được ghi nhận, chỉ số hiệu quả về sử dụng vốn đầu tư là 5,97, cao hơn những năm trước.

Kết quả tốt đẹp của kinh tế Việt Nam năm 2018 còn thể hiện ở hàng loạt những chỉ dấu khác của kinh tế vĩ mô: GDP tăng trưởng cao gấp đôi so với lạm phát đã làm cho những tích luỹ trở thành thực tế vì nếu tăng trưởng có cao bao nhiêu đi nữa mà lạm phát cũng tăng theo tỉ lệ thuận, không kiềm chế được thì tăng trưởng không có nhiều ý nghĩa; Tăng trưởng kinh tế cao trong khi tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, tỷ giá ổn định và vững vàng. Việt Nam giữ được mức trượt giá 2,6% giữa VND và USD được coi là thấp nhất so với các nước trong khu vực. Như vậy, nhìn vào thực tế cách tăng trưởng của nền kinh tế, nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng đã có một Việt Nam khác hẳn trong quản trị nền kinh tế so với nhiều năm trước. Các kết quả toàn diện về Kinh tế-xã hội mà Việt Nam đạt được trong năm 2018 có nhiều yếu tố bền vững.

Nhận định về kết quả này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói một cách hình ảnh: “Đàn chim sẽ bay nhanh hơn rất nhiều nếu mọi con chim bay cuối đàn đều có chung khát vọng, vượt lên chính mình bay nhanh hơn nữa để có cơ hội gia nhập vào nhóm đầu đàn. Đối với đất nước ta, nếu tất cả 63 tỉnh thành các bộ, ngành và toàn bộ hệ thống chính trcùng chung khát vọng đó, trong mọi hoàn cảnh, trên những chặng đường phát triển của đất nước thì chắc chắn Việt Nam sẽ tiến một bước rất dài đến con đường thịnh vượng”.

Năm 2018 đã khép lại với những thành tựu kinh tế rất tốt đẹp và điều ấy có tác động đến câu chuyện GDP năm 2019 của Việt Nam như thế nào?

Dự báo lạc quan

Có thể nói chúng ta có nhiều căn cứ để nhìn vào sự tiếp tục phát triển nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019 một cách lạc quan.

Trước hết, chúng ta có một Chính phủ năng động. Nhiều người lãnh đạo Chính phủ hiện nay được đánh giá là những nhà kiến tạo giàu kỹ năng thực tế, thành thạo việc vận dụng khoa học công nghệ, kinh tế, kỹ thuật vào quản trị đất nước. Khả năng ấy được thể hiện qua ứng phó của Chính phủ trong năm đối với những biến động kinh tế toàn cầu, đặc biệt là sự ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, dòng đầu tư toàn cầu không liền mạch, giá dầu, giá nông sản, thực phẩm thay đổi một cách khó lường trên toàn thế giới.

Hội nghị toàn quốc Chính phủ với các địa phương được tổ chức vào những ngày cuối cùng của năm 2018, đã hé lộ kịch bản tăng trưởng năm 2019, thể hiện tại dự thảo Nghị Quyết 01 của Quốc hộivề nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, Chính phủ xây dựng mục tiêu GDP tăng 6,8%, cao hơn mức từ 6,6 đến 6,8% đã đưa ra trước đó; lạm phát năm 2019 phải được kiềm chế dưới 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33-34% GDP. Mọi dữ liệu đều rất khả quan, nhưng sự nỗ lực của Chính phủ phải rất lớn để các mục tiêu trên trở thành hiện thực.

Việc tiếp tục khơi thông các động lực tăng trưởng để nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế Việt Nam được trông chờ vào việc không ngừng cải cách thể chế, nhất là năm 2019, khi 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đi vào thực thi. Việt Nam có tận dụng được các cơ hội xuất khẩu hàng hoá, thu hút đầu tư, phát triển khởi nghiệp từ các hợp tác quốc tế này hay không, cải cách môi trường kinh doanh giữ vai trò quyết định. Tiếp theo, khu vực kinh tế tư nhân đã được xác định là động lực quan trọng, cần được Chính phủ tiếp tục hỗ trợ cho sự trỗi dậy như một đột phá trong năm 2019 vì kinh tế tư nhân mạnh sẽ kéo theo nền kinh tế Việt Nam cất cánh. Hiện nay, đóng góp của khu vực này đang là hơn 50% GDP.

Nhìn rõ xu hướng phát triển của kinh tế tư nhân, người đứng đầu Chính phủ- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn nhắc nhở hệ thống của mình phải tạo mọi điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển. Còn chính ông thì luôn động viên mọi doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân hãy đầu tư vào tất cả các lĩnh vực mà pháp luật không cấm.

Ở một tầm vĩ mô khác, việc đẩy mạnh phát triển các thị trường bộ phận như thị trường vốn, tài chính, chứng khoán, lao động, bất động sản, khoa học công nghệ cũng là giải pháp mà Chính phủ đề cập trong Nghị Quyết 01 như điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế- xã hội 2019, đảm bảo được chất lượng tăng trưởng tốt cũng như tạo ra nhiều dư địa trong lĩnh vực này.

Vậy, sự phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam trong năm 2019 có nhiều thách thức không? Câu trả lời là không ít. Theo chuyên gia kinh tế- bà Phạm Chi Lan, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng trở nên quan trọng nhưng sự phát triển lệch lạc của nó là một xu hướng cần phải đề phòng. Bà Phạm Chi Lan lưu ý thêm rằng sự phụ thuộc lớn vào khu vực FDI cũng khiến “sức khoẻ” của nền kinh tế của Việt Nam dễ bị tác động theo những biến động xấu của kinh tế thế giới mà đột ngột đổi hướng. Đó là chưa kể đến khó khăn về con người, về nạn nhũng nhiễu và cơ chế lạc hậu chưa được cải cách triệt để.

Sau những chỉ dấu vừa đạt được trong năm 2018 sẽ là một đỉnh cao mới về tăng trưởng kinh tế 2019? Chúng ta có quyền tin vào điều đó khi Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã xác định quyết tâm chính trị qua phương châm hành động của năm 2019 “Kỷ cương, liêm chính, hành động, bứt phá, sáng tạo, hiệu quả”.

Hãy tin vào những dự báo lạc quan cho năm 2019! Như một năm trước, chúng ta đã tin vào năm 2018!

Hoàng Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự báo lạc quan trước thềm năm mới