Các chuyên gia cho rằng đây là thời điểm chín muồi để triển khai 2 tuyến đường Vành đai số 3 TP.HCM và số 4 TP Hà Nội. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng.

Dự án Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 Hà Nội: Khó khăn lớn nhất là GPMB

Lam Thanh | 04/05/2022, 12:41

Các chuyên gia cho rằng đây là thời điểm chín muồi để triển khai 2 tuyến đường Vành đai số 3 TP.HCM và số 4 TP Hà Nội. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng.

Ngày 4.5, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức Tọa đàm "Kết nối giao thông vành đai liên vùng – động lực cho phát triển bứt phá". Các ý kiến tại hội thảo đều cho rằng số lượng đường cao tốc Việt Nam đạt được khá thấp so với yêu cầu phát triển của đất nước.

Chính vì vậy, đặt ra mục tiêu hoàn thành 2 tuyến đường Vành đai số 3 TP.HCM và số 4 TP Hà Nội tại thời điểm hiện nay hết sức hợp lý. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng.

Thời điểm đã chín muồi

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho hay, Vành đai 4 Vùng Thủ đô hình thức đầu tư là hỗn hợp giữa đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Đây là mô hình đầu tư giữa Nhà nước và xã hội rất hiệu quả và hợp lý. Để triển khai dự án quan trọng quốc gia của khu vực Vùng Thủ đô, hiện nay tổng mức đầu tư của dự án rất lớn, 85.813 tỉ chia thành 3 nhóm dự án thành phần.

Trong đó nhóm dự án 1 là giải phóng mặt bằng ứng với 3 địa phương 3 dự án. Nhóm 2 là dự án đường song hành dưới thấp cho 3 địa phương 3 dự án. Nhóm 3 là dự án xã hội hóa (chỉ 1 dự án) theo mô hình đối tác công tư (PPP) và hợp đồng BOT do nhà đầu tư đảm nhận.

Vốn đầu tư nhóm 1, 2 thì ngân sách Trung ương và địa phương đảm nhận; nhóm dự án 3 thì nhà đầu tư BOT đảm nhận với tổng mức đầu tư là 29.410 tỉ, quy mô rất lớn.

Ông Tuấn cho rằng khó khăn lớn nhất của dự án là công tác giải phóng mặt bằng. Dự án Vành đai 3 TP.HCM cơ bản không có đường sắt nhưng với Vành đai 4 Vùng Thủ đô là giải phóng mặt bằng dự trữ cho hành lang phát triển đường sắt 30 m trong tổng lộ giới giao động từ 90-135 m, trung bình là 125 m.

Vì vậy nhóm dự án 1 là chìa khóa mở cho dự án 2, 3; đồng thời đây là quyết đáp của Chính phủ cho các địa phương, sau đây cũng sẽ được Quốc hội thống nhất là giải phóng mặt bằng phải đi trước một bước, tạo lập sự đồng bộ đồng thời.

“Kinh nghiệm cho thấy về giải phóng mặt bằng, ngay như đối với Vành đai 4 Vùng Thủ đô hiện nay, cơ cấu tổng mức đầu tư giải phóng mặt bằng chiếm chưa tới 25%. Nhưng đối với Vành đai 3 TP.HCM có khả năng chiếm trên 50%. Do đó việc giải phóng mặt bằng càng để chậm càng nguy cơ. Chắc chắn việc giải phóng mặt bằng không được phép chia nhiều lần vì các thời kỳ bồi thường, hỗ trợ tái định cư khác nhau sẽ tạo ra hiệu ứng bất khả thi. Đây là bài học kinh nghiệm”, ông Tuấn chia sẻ.

toa-dam1.jpg
Tọa đàm "Kết nối giao thông vành đai liên vùng – động lực cho phát triển bứt phá"

Ông Tuấn cho biết hiện nay quy mô giải phóng mặt bằng đối với Vành đai 4 tương đối lớn, 1.341 ha cho cả 3 tỉnh, thành phố; chiếm 19.000 tỉ trên tổng mức đầu tư 85.813 ti, dưới 25%. Riêng TP Hà Nội phải có một phương án bồi thường tái định cư cho khoảng 14.647 hộ và tái định cư cho 2.203 hộ, đã chuẩn bị 9 khu tái định cư quy mô khoảng 36,3 ha.

“Đối với giải phóng mặt bằng đã vượt qua khó khăn. Đây là chìa khóa quyết định để triển khai dự án này”, ông Tuấn nêu.

Ngoài ra, theo ông Tuấn, còn khó khăn nữa là Hà Nội thực hiện mô hình Nhà nước phối hợp với xã hội, tức là đầu tư công kết hợp đầu tư công tư. Đây là việc giảm tải ngân sách Trung ương, địa phương.

Trên thực tế, rất nhiều dự án PPP-BOT phải chuyển đổi sang đầu tư công đáp ứng với từng thời kỳ khôi phục, phát triển của nền kinh tế. Nhưng Hà Nội được sự hỗ trợ của Chính phủ, quyết tâm triển khai dự án PPP này.

“Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP cũng đã chia sẻ phần doanh thu tăng giảm, khả năng thu phí kín của vành đai đặc trưng theo km. Hay như Vành đai 4 cũng có tính hấp dẫn riêng có để bảo đảm phát triển. Đây là những điều kiện để bảo đảm tính khả thi nhưng cũng là một khó khăn đối với Vành đai 4”, ông Tuấn nêu.

Kiến nghị chỉ định thầu trong GPMB

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cũng chia sẻ, nhiều năm trở lại đây, trong những khó khăn, vướng mắc về đầu tư công, thì nguyên nhân giải phóng mặt bằng luôn ở vị trí số một. Tức là công tác giải phóng mặt bằng là công tác rất phức tạp, có nhiều khó khăn vướng mắc khi triển khai các dự án đầu tư công. Hệ lụy dẫn tới là chậm tiến độ, giải ngân thấp…

Theo ông Phương, trong các nghiên cứu, đề xuất các cơ chế đặc thù, với công tác giải phóng mặt bằng, ngoài việc tách ra là dự án độc lập, thực hiện trước và sớm thì có thêm cơ chế cho phép chỉ định thầu một số nội dung công tác giải phóng mặt bằng.

“Ở đây có thể hình dung 2 công việc chủ chốt áp dụng hình thức chỉ định thầu: Một là di dời các hạ tầng kỹ thuật tại khu vực cần phải giải phóng. Ở đây có hạ tầng về điện, nước, viễn thông… tất cả hạ tầng này yêu cầu về mặt chuyên ngành rất cao, thường các đơn vị liên quan trực tiếp đến ngành, lĩnh vực đó mới có thể thực hiện được. Nếu chúng ta đấu thầu để làm việc này đôi khi chỉ là hình thức và chỉ có 1 nhà thầu có thể thực hiện được việc này”, ông Phương nói.

Việc thứ hai, theo ông Phương là tái định cư. Để di dời các hộ gia đình, phải xây dựng các khu tái định cư. Việc xây dựng khu tái định cư bắt buộc phải làm rất nhanh để người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống. Nếu làm chậm công tác này, đất đã lấy của người dân rồi mà người dân vẫn chưa có nơi ở ổn định thì rất bất cập. Đó là điều hết sức quan tâm trong giải phóng mặt bằng.

toa-dam2.jpeg
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương - Ảnh: VGP

Việc kiến nghị cho phép chỉ định thầu trong giải phóng mặt bằng cũng được kỳ vọng là rút ngắn thời gian cho công tác giải phóng mặt bằng. Ở 2 dự án này, công tác giải phóng mặt bằng còn khó hơn rất nhiều lần, quy mô lớn, giá trị tiền nhiều. Do vậy, ngoài chỉ định thầu có thể rút ngắn được tiến độ thì công tác điều hành, quản lý, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng cũng không kém phần quan trọng. Tất cả điều đó tổng hòa giúp rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết TP.HCM và các tỉnh đã thống nhất chủ trương tách bồi thường, giải phóng mặt bằng thành các dự án riêng để thể hiện quyết tâm triển khai bằng được. Theo tiến độ, giải phóng mặt bằng dự kiến cuối năm nay sẽ bắt đầu và cuối năm sau sẽ khởi công.

TP.HCM cũng đã thống nhất cao với các tỉnh, sau khi xem xét đánh giá năng lực, khả năng nguồn vốn, đã tham mưu, báo cáo Chính phủ, là các tỉnh, thành phố sẽ đóng góp ngân sách khoảng 50% để tham gia vào dự án.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự án Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 Hà Nội: Khó khăn lớn nhất là GPMB