Chính phủ liên minh các đảng Cộng sản mới thắng cử tại Nepal sẽ muốn thu hút thêm đầu tư của Trung Quốc vào nước này. Vì vậy, dự án đập thủy điện Budhi Gandaki hợp tác với Trung Quốc có thể sẽ được khôi phục.

Dự án thủy điện ở Nepal của Trung Quốc có thể được khôi phục

Cẩm Bình | 15/12/2017, 20:29

Chính phủ liên minh các đảng Cộng sản mới thắng cử tại Nepal sẽ muốn thu hút thêm đầu tư của Trung Quốc vào nước này. Vì vậy, dự án đập thủy điện Budhi Gandaki hợp tác với Trung Quốc có thể sẽ được khôi phục.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết tuy công tác kiểm phiếu của cuộc bầu cử quốc hội Nepal vẫn đang được tiến hành, nhưng liên minh đảng Cộng sản Marxist-Leninist thống nhất Nepal (CPN-UML) và đảng Cộng sản Nepal-Maoist (CNP-M) đến nay đã giành được 113/165 số ghế, trong khi đảng Quốc đại Nepal cầm quyền chỉ mới có 21 ghế.

Kết quả bầu cử chính thức sẽ sớm được công bố, chính phủ mới sẽ được thành lập vào khoảng giữa tháng 1.2018 với Thủ tướng là ông Khadga Prasad Oli, Chủ tịch CPN-UML, theo SCMP. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Oli đã kêu gọi cho phép Trung Quốc xây đường sắt cao tốc và tham gia vào nhiều dự án cơ sở hạ tầng ở Nepal nhằm tạo việc làm.

Ông Ishwor Pokhrel, Tổng thư ký CPN-UML, cho biết sau khi nắm quyền, chính phủ mới sẽ hiện thực hóa bản thỏa thuận 15 điểm được ký kết bởi ông Oli và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vào tháng 3.2016 (lúc này ông Oli còn giữ chức Thủ tướng Nepal trước khi từ chức tháng 8.2016). Bản thỏa thuận này có nội dung về hợp tác trong giao thông vận tải, thương mại và tài chính giữa hai nước.

Ông Khadga Prasad Oli, Chủ tịch CPN-UML, dự kiến sẽ lại làm Thủ tướng Nepal - Ảnh: Tân Hoa Xã

Ngoài ra, cũng theo ông Pokhrel, các dự án cơ sở hạ tầng hợp tác với Trung Quốc, gồm dự án đường sắt, cao tốc và thủy điện, cũng sẽ được chính phủ mới phê duyệt, trong đó có dự án đập Budhi Gandaki.

Xây đập thủy điện Budhi Gandaki là dự án trị giá 2,5 tỉUSD mà Nepal hợp tác với tập đoàn Cát Châu Bá của Trung Quốc. Tuy nhiên, chính phủ cầm quyền Nepal ngày 13.11 thông báo hủy thỏa thuận này.

SCMP cho biết mặc dù dự án đập Budhi Gandaki sẽ được tái xem xét, nhưng chưa chắc tập đoàn Cát Châu Bá sẽ lại giành được hợp đồng xây đập này.

Ông Pokhrel cho hay: “Khi ông Oli trở thành Thủ tướng, chúng tôi sẽ xem xét thỏa thuận (dự án đập Budhi Gandaki) một cách nghiêm túc. Nepal vẫn muốn tham gia vào sáng kiến thương mại và cơ sở hạ tầng Một vành đai, Một con đường. Sáng kiến này mang tính lịch sử và quan trọng không chỉ với Trung Quốc. Chúng tôi rất trông chờ và đã sẵn sàng”.

Bản vẽ phối cảnh dự án thủy điện Budhi Gangaki - Ảnh: Kathmandu Post

Nepal là nơi Trung Quốc và Ấn Độ tranh giành ảnh hưởng trong nhiều năm qua. Tuy quan hệ Nepal - Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi một cuộc phong tỏa biên giới năm 2015, nhưng chính quyền New Delhi vẫn là đồng minh truyền thống và có ảnh hưởng đáng kể ở Nepal.

Theo ông Pokhrel, chính quyền mới sẽ duy trì quan hệ với cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ. Ông cũng nhấn mạnh không có chuyện đảng của ông “thân Trung” hay “bài Ấn”.

Ông Pokhrel cho biết: “Chúng tôi phải giữ quan hệ với Trung Quốc. Chúng tôi tôn trọng chính sách “một Trung Quốc” và nghiêm túcchống lại những hoạt động chống Trung Quốc. Họ và Ấn Độ đều là láng giềng của chúng tôi, và chúng tôi tôn trọng cả hai. Không người dân Nepal nào bài Ấn Độ cả”.

Cẩm Bình (theo SCMP)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự án thủy điện ở Nepal của Trung Quốc có thể được khôi phục