Trao đổi những vấn đề liên quan đến ngành công thương chiều 30.12 tại Hà Nội, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định quyết tâm cải cách bộ máy và thể chế, đồng thời nhấn mạnh trong phạm vi quyền hạn của mình, cá nhân ông không e ngại từ chức nếu hệ lụy xảy ra mà nhân dân phải gánh chịu.
Không đánh đổi dự án bằng mọi giá
Về các dự án thép đang gây tranh cãi, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định việc quy hoạch ngành thép nói chung cũng như chủ trương phát triển dự án thép Cà Ná đã được cơ quan này xem xét một cách đầy đủ, khách quan và toàn diện.
Ông Tuấn Anh cho rằng một đất nước trên 100 triệu dân, đang ở giai đoạn đi sau, phụ thuộc nhiều vào sản phẩm thép và việc nhập siêu thép thời gian qua đã gây ra mất cân đối nghiêm trọng cho cán cân thương mại.
Trong khi đó, Việt Nam đang có lợi thế về tài nguyên, giao thông, hạ tầng và điều kiện thuận lợi để tiếp cận công nghệ hiện đại cũng như nguồn nhân lực phục vụ cho việc phát triển ngành thép và do vậy thật bất hợp lý nếu không nghĩ đến ngành công nghiệp này.
Chính vì vậy, quan điểm tiếp cận của Bộ Công Thương rất cởi mở, cầu thị và có trách nhiệm khi đã có nhiều đóng góp của nhà khoa học, người dân và doanh nghiệp về lĩnh vực này.
Bộ trưởng cho biết quy hoạch là bước đi đầu tiên để định hướng cho nhà đầu tư và doanh nghiệp tiếp cận cơ hội phát triển trong việc phát triển. Trong khi, từ quy hoạch đến khi triển khai phải qua rất nhiều bước, từ ý kiến đóng góp của các bộ ngành cũng như nghiên cứu tiền khả thi, rồi đến khả thi và đánh giá về tác động môi trường...
"Trước yêu cầu của dư luận xã hội, Bộ Công Thương đã quyết định tổ chức nghiên cứu hoàn thiện lại quy hoạch ngành thép, đồng thời cho phép chọn tư vấn nước ngoài giúp nghiên cứu bổ sung hoàn thiện và phản biện quy hoạch này trước khi trình Chính phủ xem xét thông qua," Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Nói về dự án thép Cà Ná, người đứng đầu Bộ Công Thương cũng thẳng thắn cho rằng cá nhân ông sẵn sàng chịu trách nhiệm trước một dự án như vậy, đồng thời nhấn mạnh nếu hệ lụy xảy ra thì kể cả việc xem xét từ chức của Bộ trưởng cũng quá nhỏ bé so với những hệ lụy mà nhân dân phải chịu.
"Tôi khẳng định sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật. Hơn thế nữa, tôi còn là đảng viên của Đảng, tôi không e ngại chuyện từ chức. Khi có đầy đủ khung khổ pháp lý, tôi hoàn toàn có thể nhận trách nhiệm. Quan trọng hơn, trách nhiệm cá nhân tôi và cả hệ thống là không được phép để xảy ra những hệ lụy," Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh thêm.
Không có chỗ cho mối quan hệ cá nhân
Nói về hiện tượng bổ nhiệm người nhà, con ông cháu cha, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết Việt Nam là một nước châu Á, trong mọi việc giải quyết, giữa cái lý đều có tình. Tuy vậy, trên hướng xây dựng một Chính phủ kiến tạo thì nhất định không có mối quan hệ cá nhân hoặc mối quan hệ phi pháp lý vượt lên trên công việc.
Bộ trưởng Tuấn Anh nói không chỉ cá nhân ông mà nhiều lãnh đạo khác cũng có thể nhận được những yêu cầu và gợi ý tương tự, nhưng với trách nhiệm của từng cá nhân và lãnh đạo trong Bộ Công Thương cũng đủ sức giúp toàn ngành thực hiện đúng quan điểm, chủ trương định hướng mà toàn thể cán bộ công nhân viên chức đã nhất trí thông qua.
Theo ông, Bộ Công Thương đang nhận được nhiều ý kiến đóng góp, giúp đỡ của các cơ quan Đảng và Nhà nước để từ đó nhìn ra những yếu kém, bất cập của bộ máy để có hướng khắc phục.
Và trong thẩm quyền, Bộ Công Thương đã chủ động thực hiện các biện pháp quản lý cán bộ, với trường hợp vi phạm pháp luật, lãnh đạo Bộ đã có biện pháp thích hợp để xử lý, khi có dấu hiệu vi phạm hình sự thì chuyển cơ quan công an để phối hợp giải quyết.
"Sau khi nhận thức những điều làm cản trở kinh tế-xã hội và đất nước, cản trở nhận dân, Bộ Công Thương cũng cầu thị và nghiêm túc để có hướng giải quyết thích hợp," Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ thêm.
Theo Vietnam+