Sáng 8.11, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Quản lý thuế sửa đổi.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, so với luật hiện hành, dự án Luật sửa đổi còn nhiều quy định chưa cụ thể. Luật hiện hành có 20 điều giao Chính phủ quy định chi tiết, dự án lần này có khoảng ¼ số điều của Luật (36/152 điều) và 13 khoản giao Chính phủ quy định. Trong khi đó, 15 điều trong luật hiện hành không giao Chính phủ quy định nay lại được bổ sung giao Chính phủ nhưng Tờ trình của Chính phủ không giải thích lý do.
Về nguyên tắc quản lý thuế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung việc áp dụng nguyên tắc “giao dịch độc lập” trong quản lý thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch với các bên có quan hệ liên kết nộp thuế tương xứng với giá trị tạo ra tại Việt Nam.
Đồng thời, đề nghị bổ sung vào điều 49 và điều 50 theo nguyên tắc quản lý thuế căn cứ vào bản chất và nguyên tắc giao dịch độc lập.
Đối với những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị cần bố cục, sắp xếp theo từng nhóm đối tượng: cán bộ quản lý thuế, người nộp thuế. Ngoài ra, dự án Luật chưa quy định hành vi bị cấm đối với cơ quan, tổ chức liên quan, do đó cần nghiên cứu, bổ sung nội dung này trong dự án Luật.
Đối với nội dung về lực lượng quản lý thuế, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với dự án Luật. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng cán bộ công chức quản lý thuế cũng là cán bộ công chức, viên chức nên các vấn đề về phẩm chất đạo đức, tiêu chuẩn cán bộ… đã được quy định tại Luật Cán bộ công chức, vì vậy không cần thiết phải có quy định riêng tại điều 10 của luật này.
Ngoài ra, Ủy ban cũng đề nghị bổ sung những nội dung quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ, trách nhiệm của các bộ, ngành trong quản lý thuế về chống chuyển giá, gửi giá, trốn thuế, xử lý nợ đọng, truy thu thuế, cưỡng chế về thuế; quyền của người nộp thuế được nhận biên bản của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thanh tra và các cơ quan có thẩm quyền khi kiểm tra, đối chiếu nghĩa vụ thuế của người nộp thuế…
Liên quan đến thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm đối với công ty có giao dịch liên kết, Ủy ban cho rằng, việc quy định nộp tờ khai giao dịch liên kết cùng với báo cáo quyết toán thuế năm trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính là chưa phù hợp với thực tế và không khả thi.
Do vậy, đề nghị cần bổ sung trong dự án Luật theo hướng “căn cứ vào thời hiệu báo cáo của công ty giao dịch liên kết”. Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đề nghị quy định theo hướng, trong vòng 10-15 ngày thì người nộp thuế không bị xử phạt về hành vi khai sai nhưng phải nộp bổ sung 10% trên số tiền thuế khai thiếu, trường hợp sau 10-15 ngày thì phải nộp số bổ sung 20% trên số tiền thuế khai thiếu như cơ quan quản lý thuế phát hiện ra.
Đối với các trường hợp được khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí với dự án Luật. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị không tiến hành khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp đối với các trường hợp.
Cụ thể, tại khoản 2 quy định “người nộp thuế có quyết định giải thể gửi cơ quan quản lý thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh để làm thủ tục giải thể…”; khoản 4 nêu “người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh…” và khoản 5 là "người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh…”.
Về quy định đại lý thuế được phép cung cấp dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản đồng tình với dự án Luật. Tuy nhiên, đề nghị cần bổ sung quy định bắt buộc cán bộ của tổ chức kinh doanh đại lý thuế phải có chứng nhận đủ trình độ nghiệp vụ về kế toán do Bộ Tài chính cấp.
Đồng thời đề nghị Bộ Tài chính cần sớm ban hành và triển khai thực hiện chế độ kế toán đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Chính phủ sẽ nghiên cứu, bổ sung nội dung này khi trình Quốc hội sửa đổi Luật Kế toán để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Một số ý kiến đồng ý cho phép tổ chức kinh doanh dịch vụ đại lý thuế được phép cung cấp dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ, song phải đảm bảo đủ tiêu chí về hành nghề kế toán được quy định tại điều 59 và điều 60 của Luật Kế toán.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí với quy định về hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2020. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị hiệu lực bắt đầu từ ngày 1.1.2020, riêng về thời điểm hiệu lực thực hiện hóa đơn điện tử từ ngày 1.7.2020.
Khoanh nợ thuế với người chết, mất tích
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, để xử lý nợ đọng thuế, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp đối với các đối tượng người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, doanh nghiệp chờ giải thể, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được khoanh nợ thuế.
Dự thảo Luật đã bổ sung nguyên tắc thanh tra, kiểm tra theo quản lý rủi ro; bổ sung, hoàn chỉnh về nội dung thanh tra thuế (thanh tra chuyên ngành thuế) trên cơ sở quy định của pháp luật về thanh tra để phù hợp với đặc thù trong lĩnh vực thuế; quy định về thời hạn thanh tra thuế theo quy định Luật thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Để tăng cường hiệu quả của công tác cưỡng chế thu nợ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng cơ quan quản lý thuế được áp dụng biện pháp cưỡng chế một cách phù hợp (không áp dụng tuần tự) trên cơ sở đánh giá đầy đủ thông tin, điều kiện để xác định biện pháp cưỡng chế nào có hiệu quả.
Dự thảo Luật cũng quy định rõ nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính, các trường hợp xử phạt, các trường hợp không bị xử phạt và thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.
Lam Thanh