Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng chiều dài 188km theo dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027. Tuy nhiên dự án đang gặp khó do cát chất lượng kém và thiếu cát.

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng gặp khó vì cát

Tô Văn | 07/11/2023, 11:35

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng chiều dài 188km theo dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027. Tuy nhiên dự án đang gặp khó do cát chất lượng kém và thiếu cát.

Nhà thầu đau đầu bởi cát 

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng mức đầu tư 44.691 tỉ đồng đã được khởi công ngày 17.6 năm nay. Toàn tuyến có 4 dự án thành phần, qua 4 địa phương gồm An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng.

Riêng dự án thành phần 1 qua địa bàn tỉnh An Giang được Chính phủ giao tỉnh làm chủ đầu tư dài 57km, với tổng mức đầu tư 13.526 tỉ đồng, được chia làm 4 gói thầu xây lắp. Các nhà thầu đã triển khai đào đắp nền đường, thi công móng cọc cầu cống, nhưng đang gặp nhiều khó khăn.

1-cat-thieu.jpg
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang tổ chức cuộc họp giao ban với các nhà thầu thực hiện dự án - Ảnh: Tô Văn

Ngày 2.11, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang đã tổ chức cuộc họp giao ban với các nhà thầu dự án để bàn cách tháo gỡ khó khăn trở ngại.

Tại cuộc họp, các tư vấn giám sát đều chỉ ra nguyên nhân gây khó khăn là các đơn vị khai thác cát: Công ty TNHH Thương mại Tân Hồng, liên danh Công ty TNHH Thương mại dịch vụ DNU và Công ty TNHH một thành viên Môi trường Vạn Hưng Tùng vẫn chưa cung cấp đủ cát theo kế hoạch đề ra.

“Ngoài ra, cát tại mỏ cát của Công ty TNHH Thương mại Tân Hồng và mỏ cát của Công ty TNHH một thành viên Thương mại dịch vụ Thủ Tuyền lẫn nhiều tạp chất, lẫn bùn, chiếm tỷ lệ khoảng 40%. Ngoài ra chất lượng cát lại không đồng nhất trên cùng một mỏ, dẫn tới việc bị hao hụt khối lượng khi bơm vào công trình, bùn sẽ hòa theo nước trôi đi.

Nếu không chứng minh được lượng hao hụt này thì chúng tôi sẽ gặp khó với các cơ quan chức năng khi bị kiểm tra”, các tư vấn giám sát chỉ ra nguyên nhân.

2-cat.jpg
Các nhà thầu đã lắp những đường ống bơm cát nhưng không có cát - Ảnh: Tô Văn

Trong khi đó, ông Lê Xuân Đại, Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn 11 (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn) cho biết hiện gói thầu 42 của dự án có tổng chiều dài gần 17km (từ Km0+314 - Km17+240) cần khoảng 3 triệu mét khối cát, riêng năm 2023 công trình cần hơn 741.000m3, nhưng thiếu cát nghiêm trọng.

“Đến đầu tháng 11.2023, lượng cát ra công trường chỉ đạt 40.000m3. Mỗi ngày đơn vị cần 10.000m3 cát để thi công gói thầu cao tốc tại An Giang. Nói hoài nói mãi, đơn vị mới được các chủ mỏ cát (do UBND tỉnh An Giang yêu cầu) cấp cát nhưng tối đa 1.500m3 cát/ngày. Lượng cát cấp về quá ít, không đáp ứng nhu cầu thi công”, ông Đại than thở.

Cũng theo ông Đại, nếu đủ cát, Tổng công ty Trường Sơn đảm bảo tiến độ thi công theo quy định. Hiện công trường đã lắp 8 đường ống bơm cát nhưng cứ chờ cát không biết đến bao giờ. “Đề nghị tỉnh An Giang giao 2 mỏ cát ở huyện Châu Phú và TX.Tân Châu cho chúng tôi để việc thi công đạt tiến độ”, ông Đại nói.

Theo ông Đại, do dự án nằm trên vùng đất yếu, cần phải gia tải từ 12 - 15 tháng để đảm bảo chất lượng công trình. Trong thời gian gia tải, nhà thầu phải tạm ngưng tất cả các hạng mục còn lại. Vì thế từ đây đến cuối năm, dự án không được cấp đủ 1,7 triệu mét khối cát đảm bảo chất lượng, thì các hạng mục tiếp theo cũng sẽ bị gián đoạn.

2-cat-thieu.jpg
Cát lẫn nhiều tạp chất, bùn nên chất lượng rất kém - Ảnh: Tô Văn

Trước đó, ngày 1.11, Công ty TNHH Thương mại Tân Hồng đã gửi văn bản đến UBND tỉnh An Giang về việc xin khoan khảo sát tầng phủ tại khu vực mỏ cát của công ty tại xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú và xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân.

Cụ thể, Công ty Tân Hồng là đơn vị được cấp phép khai thác cát theo giấy phép khai thác khoáng sản số 620/GP-UBND ngày 4.10.2022 của UBND tỉnh An Giang.

Sau khoảng một năm khai thác để phục vụ cho các công trình trọng điểm của tỉnh và dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ Sóc Trăng giai đoạn 1, công ty đã cung cấp được 321.340m3.

Tuy nhiên, do yếu tố thủy văn trên sông Hậu những năm gần đây, mực nước lũ đổ về rất ít, dòng chảy yếu nên lượng bùn đất, tạp chất hữu cơ bồi lắng tăng rất nhanh.

Hiện tại lớp bùn đất, tạp chất hữu này bồi lắng khắp bề mặt mỏ cát, ảnh hưởng đến quá trình khai thác cát và chất lượng cát.

“Công ty TNHH Thương mại Tân Hồng kính đề nghị UBND tỉnh An Giang xem xét cho phép công ty được khoan khảo sát, tính toán lại khối lượng tầng phủ nêu trên để có giải pháp thi công khai thác phù hợp, đồng thời có phương án đẩy nhanh tiến độ cung cấp cát cho các công trình trọng điểm của tỉnh và dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1”, văn bản nêu.

Khó tránh khỏi nguy cơ chậm tiến độ do thiếu cát

Ông Nguyễn Văn Du, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang, chủ đầu tư dự án thành phần 1, cho biết khó khăn lớn nhất của dự án là giải phóng mặt bằng và nguồn cát san lấp.

Hiện dự án có nguy cơ chậm tiến độ và vi phạm nghị quyết của Quốc hội về thời gian hoàn thành tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, do cát chất lượng kém và thiếu.

Theo ông Du, toàn dự án qua tỉnh An Giang cần 9,3 triệu mét khối cát, trong đó năm 2023 cần 1,7 triệu, năm 2024 cần 6 triệu và năm 2025 cần 1,6 triệu mét khối.

“Dự án cao tốc thành phần 1 đảm bảo các khối lượng phải đạt được theo từng năm. Trong đó, năm 2023 công trình cần 1,7 triệu mét khối cát, từ nay đến cuối năm mỗi ngày phải nhận khoảng 25.000 mét khối. Hiện nay các nhà thầu nhận được nhiều nhất cũng chỉ 4.700 m3/ngày, rất ít so với nhu cầu thi công”, ông Du nói.

4-cat-thieu.jpg
Khai thác cát tại ĐBSCL - Ảnh: Tô Văn

“Trước mắt để đảm bảo đủ lượng cát cho năm 2023, ban quản lý đã đề nghị UBND tỉnh An Giang chỉ đạo các đơn vị được giao cung cấp cát cho dự án tăng công suất khai thác để cung cấp cho công trình. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN-MT tổ chức khảo sát lại các vị trí mỏ cát, giao cho nhà thầu thi công khai thác, và bổ sung mỏ cát mới để đủ lượng cát cho toàn dự án. Nếu không đáp ứng đủ nguồn cát thì nguy cơ dự án này rất khó đạt tiến độ bởi thiếu cát”, ông Du nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bước tiến mới cho Internet Việt Nam - Bứt phá với DC, Cloud, 5G và AI
1 giờ trước Khoa học - công nghệ
Hội thảo, Triển lãm Internet Day 2024 diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Bước tiến mới cho Internet Việt Nam - Bứt phá với DC, Cloud, 5G và AI”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng gặp khó vì cát