Dự án nhiệt điện Long Phú 1 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư đang bị chậm tiến độ do nhà thầu Power Machines (PM - Nga) bị đưa vào danh sách các công ty bị cấm vận bởi Bộ Tài chính Mỹ từ ngày 26.1.2018.

Dự án 1,2 tỉ USD của PVN chậm tiến độ vì nhà thầu bị Mỹ cấm vận

13/06/2018, 21:58

Dự án nhiệt điện Long Phú 1 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư đang bị chậm tiến độ do nhà thầu Power Machines (PM - Nga) bị đưa vào danh sách các công ty bị cấm vận bởi Bộ Tài chính Mỹ từ ngày 26.1.2018.

Dự án nhiệt điện Long Phú 1 - Ảnh: Internet

Ban chỉ đạo quốc gia về Phát triển điện lực mới đây đã có báo cáo kết quả kiểm tra tình hình thực hiện các dự án nhiệt điện. Trong đó, dự án nhiệt điện Long Phú 1 do PVN làm chủ đầu tư đang bị chậm tiến độ khoảng 18 tháng. Một trong các nguyên nhân là do Bộ Tài chính Mỹ đưa nhà thầu Power Machines (PM - Nga) vào danh sách các công ty bị cấm vận từ ngày 26.1.2018. Do đó, nguy cơ dự án sẽ tiếp tục bị chậm tiến độ vì việc thực hiện công việc của hợp đồng EPC của liên danh nhà thầu PM bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhà thầu đánh giá lệnh cấm vận của Mỹ đối với PM sẽ khiến tiến độ của dự án bị chậm lên đến 36 tháng. Ngoài ra, còn tác động đến việc thực hiện Hợp đồng EPC. Cụ thể là ảnh hưởng đến các hợp đồng thầu phụ. Các nhà thầu Mỹ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi lệnh cấm vận đã đơn phương thông báo dừng thực hiện hợp đồng, trong đó đặc biệt là nhà thầu phụ General Electric (Mỹ) cung cấp tua bin hơi và máy phát điện. Đây là các hạng mục thiết bị quan trọng của nhà máy.

Các nhà thầu còn lại bị ảnh hưởng gián tiếp do không thể giao dịch bằng tiền USD cũng như nhiều ngân hàng quốc tế từ chối giao dịch thanh toán với nhà thầu PM. Các nhà thầu đã và đang tìm giải pháp chuyển đổi đồng tiền để có thể thanh toán, tiếp tục triển khai thực hiện các hợp đồng đã ký.

Về tiến độ thực hiện dự án, theo báo cáo của liên danh PM & PTSC, lệnh cấm vận của Bộ Tài chính Mỹ đối với nhà thầu PM có ảnh hưởng nghiêm trọng và tiêu cực đến tất cả các công việc thiết kế, mua sắm, chế tạo và thi công xây dựng của dự án, tiếp tục gây chậm trễ tiến độ của dự án.

Đặc biệt, lệnh cấm vận khiến các ngân hàng quốc tế không tiếp tục tài trợ vốn cho dự án theo các kết quả đàm phán đã được PVN và các ngân hàng thống nhất với số tiền khoảng 780 triệu USD. Theo đó, ngân hàng chỉ có thể thu xếp phần vốn cho hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc xuất xứ từ Nga. Cụ thể, ngân hàng VEB của Nga thông báo có thể thu xếp khoảng 220 triệu USD, ngân hàng IIB có thể xem xét khoản vay tối đa là 100 triệu USD và không yêu cầu bảo lãnh của Chính phủ.

Trước thực trạng trên, Ban chỉ đạo yêu cầu PVN khẩn trương phân tích, đánh giá kỹ về pháp lý và thương mại về ảnh hưởng của lệnh cấm vận của Mỹ liên quan tới nhà thầu PM Nga đối với dự án nhiệt điện Long Phú 1 và đề xuất phương án xử lý. Mục tiêu cuối cùng là hợp đồng EPC vẫn tiếp tục được triển khai và giảm tối đa thiệt hại cho chủ đầu tư và các bên liên quan.

Ban chỉ đạo cũng yêu cầu PVN khẩn trương trình Bộ Công Thương về tổng mức đầu tư điều chỉnh để báo cáo Thủ tướng xem xét. Lý do là, tổng mức đầu tư của dự án được lập năm 2010 với mặt bằng giá thời điểm 2009 đến nay không còn phù hợp.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng từng đánh giá, dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 là dự án có một vị trí quan trọng đến sự phát triển kinh tế và xã hội của khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhưng đáng lo ngại vì tình hình thi công dự án hiện nay diễn ra quá chậm. Theo đó, cần đẩy nhanh tiến độ thi công dự án là hết sức cần thiết, nếu không có giải pháp đột phá thì sự chậm trễ sẽ tiếp tục tái diễn.

Dự án nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 được khởi công vào đầu năm 2011 tại xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, công suất 1.200MW với diện tích 115ha do PVN làm chủ đầu tư, Tổng công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam – PTSC (đơn vị thành viên của PVN) là tổng thầu EPC. Tổng giá trị hợp đồng tổng thầu EPC dự án nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 là 1,2 tỉ USD.

Dự án thuộc diện Quy hoạch điện VI của Chính phủ, là 1 trong 3 nhà máy thuộc Trung tâm điện lực Long phú (tổng công suất khoảng 4.400MW) theo quy hoạch được bộ Công Thương phê duyệt. Đây là dự án khởi công xây dựng đầu tiên tại Trung tâm điện lực, có nhiệm vụ cung cấp điện năng lên lưới điện quốc gia, phục vụ chủ yếu cho phụ tải khu vực phía Nam và cho cả nước thông qua hệ thống lưới truyền tải 220/500KV Bắc – Nam. Khi hoàn thành đưa vào vận hành, hàng năm nhà máy sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 7,8 tỉ Kwh điện.

Nguồn vốn đầu tư cho dự án được huy động 30% từ vốn đầu tư phát triển của PVN, 70% từ vốn vay, trong đó chủ yếu là vay tín dụng xuất khẩu (ECA). Một số thiết bị chính của nhà máy như lò hơi, tuabin máy phát và hệ thống phụ trợ cơ bản đã đạt được các thỏa thuận tín dụng xuất khẩu với các nhà cấp hàng và các tổ chức tín dụng.

Dự kiến sẽ hoàn thành, phát điện tổ máy số 1 của dự án vào năm 2014, tổ máy 2 vào năm 2015. Tuy nhiên, hiện nay tiến độ của dự án đang bị chậm nhiều so với kế hoạch.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự án 1,2 tỉ USD của PVN chậm tiến độ vì nhà thầu bị Mỹ cấm vận