Lần đầu tiên một hội nghị chuyên ngành đột quỵ dành riêng cho điều dưỡng, kỹ thuật viên được tổ chức vào 27-28.10 tại Hà Nội.

Đột quỵ cần có sự hỗ trợ điều trị đa chuyên khoa để phục hồi nhanh nhất

Dạ Thảo - Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai | 28/10/2023, 22:51

Lần đầu tiên một hội nghị chuyên ngành đột quỵ dành riêng cho điều dưỡng, kỹ thuật viên được tổ chức vào 27-28.10 tại Hà Nội.

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Chi - Chủ dịch danh dự Hội Đột quỵ TP.Hà Nội chia sẻ, hiện nay đột quỵ gây tử vong, tàn phế hàng đầu đối với người trưởng thành ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Đặc biệt đột quỵ ngày càng trẻ hóa với những người có yếu tố nguy cơ như bị tiểu đường, rối loạn mỡ máu, xơ vữa động mạch, các bệnh lý van tim, loạn nhịp, bệnh lý về máu, thận, phổi.

Kết quả nghiên cứu trước đó tại 10 trung tâm đột quỵ trên toàn quốc với hơn 2.500 bệnh nhân cho thấy người trẻ (dưới 45 tuổi) chiếm 7,6% số ca mắc đột quỵ. "Tỉ lệ tử vong đối với bệnh nhân đột quỵ cao hơn so với các bệnh lý khác. Ngay cả khi bệnh nhân đột quỵ sống sót thì nguy cơ bị tàn phế cũng rất cao, vì thế tốt nhất là dự phòng bệnh. Đó là phải đánh giá trên người bệnh và xử lý tốt nhất các yếu tố nguy cơ dễ gây đột quỵ ở người bệnh như: Tiểu đường, mỡ máu, xơ vữa động mạch, các bệnh lý van tim, loạn nhịp, bệnh lý về máu, thận, phổi… Và người bệnh cần thay đổi lối sống như giảm ăn mặn, giảm tình trạng béo phì, hạn chế sử dụng rượu bia"- PGS Chi khuyến cáo.

chi.jpg
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Chi - Chủ dịch danh dự Hội Đột quỵ TP.Hà Nội

Thạc sĩ Trần Hoài Phương, Khoa Thần kinh (Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM) nhấn mạnh khi bệnh nhân bị đột quỵ, việc đầu tiên chính là người điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân phải hiểu được cách chăm sóc bệnh nhân bị đột quỵ thông qua các biểu mẫu để có thể hỗ trợ tốt nhất cho bệnh nhân.

"Ngày nay nhờ ứng dụng số hóa nên việc hỗ trợ và điều trị cho bệnh nhân bị đột quỵ giảm áp lực rất nhiều. Tuy nhiên để điều trị căn bệnh đột quỵ cần sự phối hợp của các chuyên khoa để bệnh nhân phục hồi một cách tốt nhất. Bệnh nhân đột quỵ cần được vào viện càng sớm càng tốt để có thể được cứu sống kịp thời, giảm tỉ lệ tàn phế. Và người điều dưỡng phải được tập huấn với bác sĩ phục hồi chức năng chuyên về âm ngữ trị liệu để thực hiện test nuốt sàng lọc giai đoạn ban đầu, ghi nhận vào hồ sơ y tế của bệnh nhân" - bác sĩ Hoài Phương chia sẻ.

hoai-phuong(1).jpg
Thạc sĩ Trần Hoài Phương, Khoa Thần kinh (Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM)

Thạc sĩ điều dưỡng Hồ Thị Hải Vân - Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết thống kê chỉ ra có khoảng 15-20% người bệnh đột quỵ cấp cần nằm giường cấp cứu điều trị tích cực chiếm khoảng 1/5 bệnh nhân tiếp nhận. Trong đó, bệnh nhân cần điều trị tại phòng điều trị đặc biệt khi bị đột quỵ nặng khiến bệnh nhân suy giảm ý thức, mất khả năng bảo vệ đường thở, suy hô hấp tiến triển hoặc cần thở máu, co giật, bệnh nhân cần theo dõi nhịp tim, huyết áp, ICP, điện não đồ liên tục (EEG), bệnh nhân sau can thiệp....  Tỷ lệ bệnh nhân bị đột quỵ phục hồi sau 6 tháng chiếm một phần nhỏ, chính vì thế khi bệnh nhân bị đột quy cần có sự chăm sóc tốt của các y bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên để kiểm soát được sức khỏe và vận động khi cần thiết.

van.jpg
Thạc sĩ điều dưỡng Hồ Thị Hải Vân - Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai)

"Dù các bác sĩ đã khuyến cáo khi bệnh nhân bị đột quỵ cần vận động sớm nhưng tỷ lệ bệnh nhân không tập luyện lên tới 60%, thậm chí là cả những người bị đột quỵ nhẹ. Khi vận động sớm giúp giảm các biến chứng liên quan đến nằm lâu, thúc đẩy quá trình hồi phục của não, các hoạt động chức năng được cải thiện nhanh hơn và tốt hơn, rút ngắn thời gian nằm viện và giảm chi phí. Song song đó, vận động sớm còn giúp cải thiện thăng bằng và chức năng, giúp cải thiện vấn đề tâm thần cho bệnh nhân" - điều dưỡng Hải Vân khuyến cáo.

Để phòng chống bị đột quỵ, những người có tiền sử đau đầu, gia đình có người bị tai biến, những người từ 40 tuổi trở lên có huyết áp cao, mắc bệnh tim mạch cần được sàng lọc, chụp mạch não để can thiệp kịp thời và dự phòng đột quỵ. Bệnh nhân cần đến cơ sở y tế ngay khi có một trong các triệu chứng tê hoặc yếu vùng mặt, tay hoặc chân. Lưu ý khi triệu chứng xảy ra một bên cơ thể, méo miệng, đột ngột không nói được hoặc khó nói, nhìn mờ, đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng...

Cuối cùng, PGS.TS.BS Mai Duy Tôn - Chủ tịch Hội Đột quỵ TP Hà Nội - chủ tọa đoàn một lần nữa nhấn mạnh, khi bệnh nhân đột quỵ đến bất kỳ nơi nào cũng đòi hỏi làm việc theo nhóm, điều trị đa chuyên khoa - chuyên ngành rất quan trọng. Bên cạnh bác sĩ, điều dưỡng chuyên ngành đột quỵ cần có sự phối hợp với bác sĩ, kỹ thuật viên Phục hồi chức năng, Dinh dưỡng, Tâm thần và thậm chí là Dược học để mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Thông qua hội thảo các chuyên gia, điều dưỡng, kỹ thuật viên có thể áp dụng kiến thức, kinh nghiệm để áp dụng tại y tế tuyến cơ sở một cách tốt nhất và hiệu quả nhất cho bệnh nhân đột quỵ.

Bài liên quan
Chuyên gia nước ngoài chỉ cách phục hồi bệnh nhân đột quỵ bị liệt nửa người
Liệu pháp gương (Mirror Therapy - MT) là một trong những phương pháp triển vọng giúp cải thiện khả năng phục hồi cảm giác và vận động cho bệnh nhân đột quỵ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đột quỵ cần có sự hỗ trợ điều trị đa chuyên khoa để phục hồi nhanh nhất