Quá nổi tiếng dưới cái danh ‘nhân tình của Picasso’, Dora Maar đã đánh đổi gần như toàn bộ sự nghiệp nghệ thuật vì mối quan hệ sóng gió cùng vị danh họa bậc thầy. Mãi đến gần đây, một triển lãm quy mô tại Anh mới ghi nhận dấu ấn mỹ thuật đặc biệt ở nữ nghệ sĩ quá cố. "Người đàn bà khóc" được Picasso vẽ chân dung năm 1937, hy vọng giờ đây không còn phải tiếp tục khóc than.

Dora Maar: ‘Người đàn bà khóc’ của Picasso đã thôi rơi lệ

nhu y | 29/01/2020, 10:59

Quá nổi tiếng dưới cái danh ‘nhân tình của Picasso’, Dora Maar đã đánh đổi gần như toàn bộ sự nghiệp nghệ thuật vì mối quan hệ sóng gió cùng vị danh họa bậc thầy. Mãi đến gần đây, một triển lãm quy mô tại Anh mới ghi nhận dấu ấn mỹ thuật đặc biệt ở nữ nghệ sĩ quá cố. "Người đàn bà khóc" được Picasso vẽ chân dung năm 1937, hy vọng giờ đây không còn phải tiếp tục khóc than.

“Tôi phải "nép mình"trong một nơi chốn tĩnh lặng”, họa sĩ và nhiếp ảnh gia trừu tượng Dora Maar từng chia sẻ. “Tôi muốn tạo ra cảm nhận bí ẩn cho những tác phẩm của tôi. Mọi người phải mong muốn thấu hiểu chúng.Tôi vẫn chỉ được nhớ đến như người tình của Picasso, chứ không phải một họa sĩ”.

Đây là những lời Maar trao đổi cùng người bạn thân, nhà văn chuyên viết về nghệ thuật – James Lord, vốn được ông tiết lộ trong quyển hồi ký Picasso và Dora. Qua cuộc trò chuyện này, nữ nghệ sĩ gốc Pháp cũng tiết lộ cách bà bắt đầu "biện giải"nhiều tác phẩm hoàn tất vào cuối đời, trong khi trước đó Maar hiếm có triển lãm cá nhân cũng như yêu cầu sáng tác.

Bức Người đàn bà khóc(Weeping Woman) củaPicasso -Ảnh: Succession Picasso

Thế nhưng giờ đây, mọi thứ đã thay đổi. Một triển lãm mỹ thuật lớn nhằm vinh danh Dora Maar đang được tiến hành tại bảo tàng nghệ thuật đương đại nổi tiếng Tate Modern, thủ đô London, Anh. Theo nội dung giới thiệu, đây sẽ là “sự kiện trưng bày bao hàm nhất trước nay”, giúp đem lại góc nhìn toàn cảnh về chặng đường nghệ thuật của nữ nghệ sĩ tài năng, người qua đời năm 1997.

“Rõ ràng công chúng ngày nay có nhu cầu tìm hiểu nhiều hơn về những nghệ sĩ nữ từng bị quên lãng trong lịch sử nghệ thuật”, đồng giám tuyển chương trình triển lãm, Emma Lewis, nhận xét. “Bây giờ là lúc rất thích hợp để Maar có cơ hội được thấu hiểu, đúng với hình ảnh một nghệ sĩ tuyệt vời bà đại diện”.

Chân dung Dora Maar, đượcchụp bởi Man Ray (1936) -Ảnh: ADAGP

Sinh năm 1907, với tên khai sinh là Henriette Theodora Markovitch, Maar mang 2 dòng máu Argentina và Pháp. Bà theo học mỹ thuật ở Paris, rồi chính thức bắt đầu sự nghiệp bằng công việc nhiếp ảnh gia thời trang và quảng cáo.

Những sáng tác đầu tay của Maar, một số serieảnh quảng cáođã cho thấy tiềm năng nổi bật của một nghệ sĩ phong cách trừu tượng. Không lâu sau, nhiều đổi thay văn hóa xã hội đương thời thôi thúc bà thử sức với thể loại ảnh tài liệu, theo đó nữ nghệ sĩ dùng máy ảnh ghi lại cuộc sống đường phố với đa dạng tầng lớp người. Đây cũng chính là trải nghiệm tiền đề để bà hòa mình vào làn sóng nghệ thuật Trừu tượng.

Một dự án ảnh thời trang(1935) củaDora Maar - Ảnh: ADAGP

Triển lãm của Tate Modern, được phối hợp tổ chức tại Trung tâm Phức hợp văn hóa Pompidou (nơi đặt trụ sở hàng loạt điểm đến văn hóa hàng đầu thủ đô Paris, Pháp) và bảo tàng nghệ thuật The Getty (Los Angeles, Mỹ), gồm bộ sưu tập tác phẩm tranh, ảnh hoàn thành từ thập niên 1930 đến 1980. Chương trình, đồng thờisẽ phác họa nhiều phạm trù ít biết xoay quanh sự nghiệp nghệ thuật của Maar, kể cả chuỗi dự án tranh sau cùng bà hoàn tất.

Dẫu được nhắc đến chủ yếu trong vai trò họa sĩ, nhưng nhiếp ảnh lại chính là bộ môn giúp Maar xây dựng danh tiếng nơi không ít triển lãm nghệ thuật trừu tượng diễn ra trong giai đoạn 1930. Và bảo tàng Tate Modern đã xây dựng không gian trưng bày thích đáng, nhằm ghi nhận những sáng tác giá trị này.

Mặt khác, triển lãm nỗ lực tách biệtdanh xưng có phần tai tiếng nhắm vào Maar, xuất phát từ mối tình không mấy yên ả giữa bà và Picasso. Thay vào đó, sự kiện chủ trương tôn vinh thành tựu mỹ thuật của nữ nghệ sĩ. 5không gian trưng bày đầu tiên tập trung giới thiệu những tác phẩm bà hoàn thành trước khi gặp gỡ danh họa người Tây Ban Nha. Và khi cần nhắc về quan hệ của cả hai, triển lãm chọn cách nhấn mạnh dấu ấn tương tác và sức ảnh hưởng của Picasso đối với Maar trên phương diện nghệ thuật.

Chân dung Pablo Picasso doDora Maar vẽ năm 1936 - Ảnh: Picasa

Thực tế, cả hai đã hợp tác thành công trong một số dự án. Cùng lúc, họ vẫn xem đôi bên như nguồn cảm hứng cho sáng tác cá nhân. Picasso vẽ Maar khá nhiều lần, nổi bật hơn cả là qua bức chân dung ấn tượng Người đàn bà khóc. Maar từng vẽ Picasso và chụp serieảnh đặc biệt ghi lại toàn bộ quá trình ông hoàn tất tác phẩm kinh điển khổ lớn Guernica(năm 1937), phác họa một trong những khoảnh khắc bi thương nhất của cuộc nội chiến Tây Ban Nha.

Picasso đang hoàn thành bức Guernica tạixưởng vẽ Grand-Augustins, Paris (1937), chụp bởi Dora Maar - Ảnh: Arthive

Chú trọng tôn vinh giá trị mỹ thuật, triển lãm Tate Modern không đề cập đến một vài mối băn khoăn lâu nay xoay quanh chuyện tình bị xem là bất công Maar trải qua cùng vị họa sĩ bậc thầy. Trong hồi ký riêng, người tình sau cùng của Picasso, Françoise Gilot, từng mô tả về sự áp bức mà nhà danh họa nhắm vào Maar.

Picasso có lần mô tả buổi gặp gỡ tình cờ đầy ngang trái giữa nữ nghệ sĩ với tình nhân trước đó của ông, Marie-Thérèse Walter, ở xưởng vẽ nơi Picasso và Maar khi này đang cùng làm việc, như “một trong những ký ức nhục nhã nhất” với ông. Đây là chủ đề Maar chưa từng né tránh gợi nhắc thông qua sáng tác nghệ thuật. Tiêu biểu là bức Cuộc nói chuyện(The Conversation), góp mặt tại triển lãm Tate Modern. Bà vẽ chính mình với tấm lưng quay đi, trong khi Walter đang nhìn trực diện về phía người xem.

The Conversation(1937) - Ảnh: ADAGP

Thông qua buổi trao đổi cùng cây bút James Lord, Maar bày tỏnhững tác phẩm chân dung Picasso thực hiện về bà đều “dối trá”. Thế nhưng, nỗi chật vật bà từng nếm trải để được công nhận như một nghệ sĩ, có ý nghĩa sâu sắc hơn một mối quan hệ tình ái phức tạp – Maar đã phải học cách sống sót trong chốn tĩnh lặngcủa riêng bà, để tự mình trân trọng di sảnnghệ thuật bà tạo nên.

Có lẽ giờ đây, khi công chúng đã có cơ hội khám phá nhiều thành quả trước đây bị chôn giấu trong chặng đường sự nghiệp kéo dài 6 thập niên của bà, Dora Maar sẽ không cần tiếp tục "lặng lẽ nép mình".

*Triển lãm Dora Maarđang diễn ra tại bảo tàng nghệ thuật đương đại Tate Modern, London, Anhđến ngày 15.3.2020. Chương trình sẽ được tổ chức tiếp nối tại J. Paul Getty Museum (bảo tàng mỹ thuật The Getty), Los Angeles, California, Mỹtừ 21.4.2020.

Như Ý (theo CNN, Arthive)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dora Maar: ‘Người đàn bà khóc’ của Picasso đã thôi rơi lệ