Sau khi Campuchia ghi nhận trường hợp tử vong do cúm gia cầm (A/H5N1), chính quyền tỉnh Đồng Tháp và An Giang đã chỉ đạo khẩn trương rà soát hoạt động chăn nuôi gia cầm trên địa bàn, đồng thời siết chặt việc kinh doanh xuất nhập khẩu gia cầm.

Đồng Tháp, An Giang: Tổng rà soát việc mua bán gia cầm, gia súc tại biên giới

Tô Văn | 28/02/2023, 10:15

Sau khi Campuchia ghi nhận trường hợp tử vong do cúm gia cầm (A/H5N1), chính quyền tỉnh Đồng Tháp và An Giang đã chỉ đạo khẩn trương rà soát hoạt động chăn nuôi gia cầm trên địa bàn, đồng thời siết chặt việc kinh doanh xuất nhập khẩu gia cầm.

Tại An Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư yêu cầu Thường trực Ban Chỉ đạo 389 củng cố Đoàn kiểm tra liên ngành, lực lượng của Ban Chỉ đạo 389 (phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) tổ chức kiểm tra phát hiện kịp thời, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm, các sản phẩm gia cầm trái phép trên địa bàn.

Đặc biệt, ở các huyện biên giới, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ nước ngoài vào Việt Nam. Nghiêm cấm việc mua, bán gia cầm, các sản phẩm gia cầm trôi nổi từ Campuchia.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện chỉ đạo các đoàn kiểm tra tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt ở các huyện biên giới, tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới.

Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào Việt Nam (lưu ý các huyện biên giới trường hợp phát hiện gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ phải xử lý theo quy định).

Bên cạnh đó, nghiêm cấm việc mua bán gia cầm sống và giết mổ gia cầm tại chợ truyền thống, các điểm không đúng quy định của pháp luật về thú y.

Gia cầm, sản phẩm gia cầm bán tại chợ phải qua kiểm dịch, kiểm soát giết mổ. Nghiêm cấm vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm theo đường tiểu ngạch, lối mòn biên giới; vận chuyển, mua bán gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch, kiểm soát giết mổ.

Chỉ đạo các ngành chức năng, lực lượng công an, bộ đội biên phòng, ban chỉ đạo 389 lập các chốt nhằm ngăn chặn các đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới. Phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm.

Tổ chức tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm và tác hại khi buôn bán, vận chuyển gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư yêu cầu Sở Y tế tập trung giám sát phát hiện các trường hợp viêm phổi do vi rút tại tất cả các nơi trên địa bàn, chú ý các trường hợp có tiền sử dịch tễ từ vùng dịch, kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm xác định nguyên nhân gây bệnh.

Giám sát chặt người đi hoặc đến từ vùng có dịch Cúm A (H5N1). Phát hiện sớm các ca bị bệnh cúm, viêm hô hấp chưa rõ nguyên nhân tại cộng đồng, phối hợp xử lý kịp thời không để lây lan; cần thiết phải lấy mẫu xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh.

Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh khi phát hiện các trường hợp sốt, ho, đau ngực, khó thở đến điều trị phải điều tra dịch tể tiền sử có tiếp xúc trực tiếp với gia cầm nhằm phát hiện sớm nghi ngờ mắc Cúm gia cầm và tiến hành lấy mẫu kịp thời.

Đảm bảo nguồn lực, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc để tiếp nhận, cách ly, điều trị kịp thời khi có các trường hợp nghi ngờ hoặc mắc Cúm A (H5N1), hạn chế thấp nhất trường hợp trở nặng và tử vong.

Tổ chức tập huấn cho các cơ sở y tế về công tác giám sát, phòng, chống dịch, hướng dẫn chẩn đoán, xử trí và phòng lây nhiễm Cúm A (H5N1) ở người cho nhân viên y tế.

Phối hợp với cơ quan chuyên ngành thú y trong việc giám sát, phát hiện và cách ly các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ nhiễm Cúm A trên người và các chủng vi rút cúm gia cầm mới xuất hiện. Đồng thời giao Sở NNPT-NT triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia cầm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch, xử lý triệt để ổ dịch.

1-long-binh.jpg
Tỉnh An Giang và Đồng Tháp đang khẩn trương thực hiện tổng rà soát việc mua bán gia cầm, gia súc tại biên giới - Ảnh: Tô Văn

Tại tỉnh Đồng Tháp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện yêu cầu Sở NNPT-NT phối hợp chặt chẽ với UBND huyện, thành phố chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra giám sát các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh và báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời.

Chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới, lưu thông trong tỉnh không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh; an toàn thực phẩm.

Sở NNPT-NT phối hợp với Sở Y tế trong giám sát phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người và đơn vị có liên quan, UBND huyện, thành phố triển khai có hiệu quả các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học giúp cho người chăn nuôi sớm ổn định, phát triển sản xuất.

Thành lập Đoàn công tác do lãnh đạo Sở làm trưởng đoàn, đến trực tiếp các địa phương có ổ bệnh gia súc, gia cầm để phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng.

Sở Y tế thông tin kịp thời, chính xác về các trường hợp nghi nhiễm cúm trên người; chủ trì phối hợp với Sở NNPT-NT điều tra ổ dịch, lấy mẫu giám sát, tổ chức điều trị cho các bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm cúm gia cầm; tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bệnh phát sinh và lây lan rộng trong cộng đồng.

Sở Công Thương phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh, các ngành chức năng chủ động kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc; tuyên truyền vận động người dân kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm đã qua kiểm dịch theo đúng quy định.

Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao chủ động phối Sở NNPT-NT triển khai thực hiện nghiêm công kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới, đặc biệt tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới.

Được biết, ĐBSCL có đường biên giới với Campuchia khoảng 400 km (Long An 140 km, Đồng Tháp 100 km, An Giang 100 km, Kiên Giang 60 km). Hiện các cửa khẩu đều bố trí kho trung chuyển để kiểm dịch đối với không chỉ gia cầm mà cả gia súc xuất nhập khẩu.

Ngoài ra, còn bố trí phòng đo thân nhiệt (từ trước khi bùng phát đại dịch COVID-19) để sớm phát hiện triệu chứng ở người nhiễm Cúm A (H5N1).

Bài liên quan
Chính quyền An Giang vào cuộc vụ khai thác trái phép hơn 875.000m3 đất
UBND tỉnh An Giang đã việc thành lập Tổ xem xét, xử lý vi phạm đối với hoạt động khai thác khoáng sản, sử dụng đất của Công ty cổ phần Xây lắp An Giang tại cụm công nghiệp, thị trấn An Phú, huyện An Phú.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đồng Tháp, An Giang: Tổng rà soát việc mua bán gia cầm, gia súc tại biên giới