Việc đồng Rup tăng giá mạnh cho thấy chính phủ Nga đang khá thành công trong việc đẩy lùi nguy cơ lạm phát vốn đã đe dọa kinh tế xứ sở bạch dương hơn 2 năm qua. Nhưng, sự tăng giá của đồng Rup có đồng nghĩa với một sự hồi phục của kinh tế Nga?

Đồng Rup tăng giá đang cản trở kinh tế Nga hồi phục?

Nhàn Đàm | 14/08/2016, 10:45

Việc đồng Rup tăng giá mạnh cho thấy chính phủ Nga đang khá thành công trong việc đẩy lùi nguy cơ lạm phát vốn đã đe dọa kinh tế xứ sở bạch dương hơn 2 năm qua. Nhưng, sự tăng giá của đồng Rup có đồng nghĩa với một sự hồi phục của kinh tế Nga?

Có một sự đảo chiều lớn đang diễn ra trên thị trường tài chính toàn cầu ở thời điểm hiện tại. Khi mà hầu hết các đồng tiền chủ chốt nhất thế giới đều có xu hướng giảm giá đáng kể, trừ đồng bạc xanh của Mỹ, thì còn lại từ bảng Anh, euro cho đến yen Nhật và nhân dân tệ đều sụt giá do tác động từ sự trì trệ của nền kinh tế, các biện pháp kích thích tăng trưởng hay do việc nước Anh rời khỏi EU.

Ngược lại, đồng nội tệ của nhóm 5 nền kinh tế mới nổi BRICS lại đang là những đồng tiền có tốc độ tăng giá mạnh nhất thế giới. Ba đồng tiền có tốc độ tăng giá nhanh nhất thế giới kể từ đầu năm 2016 đến nay là đồng real của Brazil, đồng rand của Nam Phi và đáng chú ý nhất là đồng Rup của Nga.

Việc đồng Rup tăng giá mạnh mẽ đã đi ngược lại với dự đoán của khá nhiều nhà kinh tế, và nó cho thấy chính phủ Nga đang khá thành công trong việc đẩy lùi nguy cơ lạm phát vốn đã đe dọa kinh tế xứ sở bạch dương hơn 2 năm qua. Nhưng, sự tăng giá của đồng Rup có đồng nghĩa với một sự hồi phục của kinh tế Nga? Câu trả lời e là “không”.

Quả thực, việc đồng Rup đứng thứ ba trong số các đồng tiền có tốc độ tăng giá mạnh nhất trên thế giới từ đầu năm 2016 đến nay là một bất ngờ khá lớn, khi mà vào tháng Giêng giá dầu giảm sâu đã khiến cho tỷ giá đồng nội tệ của Nga tụt xuống một trong những mức thấp nhất trong lịch sử: 85,99 Rup/1 USD. Nhưng, đến đầu tháng Tám thì tổng cộng đồng Rup đã tăng giá 14%.

Ngân hàng đầu tư JP Morgan Chase&Co dự báo đồng Rup sẽ còn tiếp tục đà tăng giá từ nay đến cuối năm. Cụ thể đồng tiền của Nga sẽ tăng thêm 5% và cán mốc 61,36 Rup/1 USD vào cuối năm nay. Đây có thể xem như thành công khá tích cực của chính phủ Nga, khi đã đẩy lùi được nguy cơ lạm phát vốn thường trực trong nền kinh tế Nga suốt hơn 2 năm qua, và có thể trở thành một đòn bẩy quan trọng cho tổng thống Putin và đảng của ông trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng Chín tới.

Tuy nhiên, việc đồng Rup tăng giá mạnh lại có thể không phải là một tin tức tích cực cho nền kinh tế Nga, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Trước hết, việc đồng Rup tăng giá mạnh từ đầu năm đến nay không phải là do nền kinh tế Nga đã hồi phục và tăng trưởng trở lại, mà nhiều khả năng là kết quả tổng hợp của tình trạng đầu cơ và chính sách ghìm lãi suất của Ngân hàng trung ương Nga.

Vì một trong những đặc điểm của đồng Rup là có liên hệ chặt chẽ với giá dầu trên thị trường thế giới, khi giá dầu tăng/giảm thì tỷ giá đồng Rup cũng sẽ dịch chuyển theo chiều tăng/giảm tương ứng. Nhưng khi giá dầugiảm mạnh,chỉ đạt khoảng 40 USD/thùng, thì tỷ giá đồng Rup lại đang diễn biến theo chiều ngược lại.

Theo đánh giá của JP Morgan Chase&Co, thì việc đồng Rup tăng giá mạnh từ đầu năm đến nay là kết quả của tình trạng “carry trade” – kinh doanh chênh lệch. Kinh doanh chênh lệch là một chiến lược kinh doanh tiền tệ, trong đó nhà đầu tư vay một đồng tiền có mức lãi suất thấp để đầu tư vào tài sản của một nước khác có mức lợi suất cao hơn.

Trong trường hợp này, việc lãi suất đồng Rup ở Nga đang rất cao (10,5%),thúc đẩy tình trạng các nhà đầu tư vay USD (vốn đang có lãi suất khá thấp do FED chưa điều chỉnh tăng lãi suất trong năm nay) để đầu tư vào các tài sản ở Nga. Tình trạng đầu cơ này đang khiến cho tỷ giá đồng Rup tăng mạnh. Ngoài ra nó còn đến từ việc Ngân hàng trung ương Nga vẫn giữ nguyên mức lãi suất khá cao là 10,5% thay vì điều chỉnh nó cho phù hợp với các diễn biến của nền kinh tế.

Điều này gây ra những bất lợi lớn cho sự hồi phục của kinh tế Nga ở thời điểm hiện tại. Trước hết, đồng Rup tăng giá trong khi giá dầu sụt giảm mạnh đang khiến cho doanh thu từ xuất khẩu dầu khí của Nga giảm đáng kể và cản trở quá trình cải thiện tài khoản vãng lai của Nga, mặt khác nó khiến cho nguy cơ thâm hụt ngân sách của Nga đang tăng lên. Tính toán ngân sách của Nga trong năm 2016 chỉ cân đối nếu giá dầu đạt mức 48,75 USD/thùng, tuy nhiên hiện tại Nga đang xuất khẩu dầu với giá chỉ 37,80 USD/thùng.

Nhưng quan trọng hơn cả, là việc đồng Rup tăng giá mạnh có xu hướng cản trở nền kinh tế vốn đang khá ốm yếu của Nga có thể hồi phục. Tỷ giá đồng Rup tăng mạnh đúng là có thể đẩy lùi lạm phát, nhưng nó cũng khiến nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh cần một tỷ giá linh hoạt để kích thích tăng trưởng.

Đồng Rup tăng giá mạnh cùng với mức lãi suất 10,5% hiện nay được xem là quá cao để có thể kích thích hồi phục nền kinh tế,cản trở việc vay vốn của các doanh nghiệp, khiến hàng hóa xuất khẩu của Nga ra nước ngoài giảm sự cạnh tranh và qua đó giảm kim ngạch.

Về lý thuyết, một nền kinh tế đang bị cấm vận và suy giảm tăng trưởng nghiêm trọng như Nga cần phải có các biện pháp kích thích kinh tế từ phía chính phủ, mà một trong số đó là hạ tỷ giá và bơm tiền vào nền kinh tế; nhưng tất cả đã không xảy ra. Chính phủ Nga gần như không ban hành bất cứ một chính sách thúc đẩy tăng trưởng quy mô lớn nào, còn ngân hàng trung ương Nga thì vừa không giảm lãi suất lại vừa không có biện pháp đối phó với tình trạng kinh doanh chênh lệch đang thổi giá đồng Rup lên cao hơn mức phù hợp.

Ngay cả một số quan chức cao cấp cũng bắt đầu phàn nàn về tình trạng hiện tại, điển hình là Andrei Belousov, trợ lý kinh tế của tổng thống Putin, rằng đồng Rup đang tăng giá mạnh hơn yêu cầu của nền kinh tế, và đang cản trở quá trình hồi phục. Belousov đề xuất ngân hàng trung ương nên mua vào USD để tăng dự trữ ngoại tệ, đồng thời hạ tỷ giá đồng Rup, nhưng tuyên bố chính thức của ngân hàng trung ương Nga cho biết cơ quan này không hề có kế hoạch hạ giá đồng Rup trong tương lai gần.

Nguyên nhân chủ yếu có thể là do những mục tiêu chính trị, khi kỳ bầu cử quốc hội Nga vào tháng Chín sắp diễn ra, và việc kiềm chế được lạm phát có thể được xem như một thành tích quan trọng của chính phủ Nga. Nếu dự đoán này là đúng, thì ít nhất phải sau khi kỳ bầu cử quốc hội kết thúc, tỷ giá đồng Rup mới có thể được điều chỉnh theo hướng có lợi cho sự hồi phục của kinh tế Nga.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đồng Rup tăng giá đang cản trở kinh tế Nga hồi phục?