Việt Nam cần tìm kiếm động lực mới để tạo ra một giai đoạn tăng trưởng tiếp theo. Việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Đổi mới sáng tạo - động lực cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo
Tại hội thảo “Đổi mới sáng tạo: Kết nối chính sách với doanh nghiệp” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức ngày 15.12, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới, sáng tạo quốc gia (NIC, Bộ Kế hoạch - Đầu tư) cho biết đổi mới sáng tạo là tư duy mới trong chiến lược phát triển của hầu hết các quốc gia và trở thành ngôn ngữ chung, có ý nghĩa toàn cầu.
“Tại Việt Nam, yêu cầu đặt ra là cần tìm kiếm động lực mới để tạo ra một giai đoạn tăng trưởng tiếp theo và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia là một trong các ưu tiên hàng đầu”, ông Huy nói.
Ông Huy cũng nhấn mạnh rằng không phải sự thay đổi nào cũng được coi là một đổi mới sáng tạo mà phải có tính mới (mới so với thế giới; mới so với thị trường; mới so với doanh nghiệp), có tính thực tiễn (đưa sản phẩm ra thị trường, hoặc áp dụng quy trình mới trong sản xuất).
Theo ông Huy, các chính sách về ưu đãi đầu tư, đặc biệt là cho đổi mới sáng tạo, đã được quy định cụ thể trong luật và nghị định. Cụ thể, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành một loạt văn bản quan trọng liên quan đến đổi mới sáng tạo, như: Luật Đầu tư năm 2020; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017; Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11.3.2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; Quyết định số 2889/QĐ-TTg ngày 31.12.2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ 4…
Bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) cho rằng chuyển đổi số là giải pháp mà các doanh nghiệp không thể không triển khai. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là việc tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý nhằm nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp.
Theo bà Thủy, chỉ báo kinh tế số tại Việt Nam cho thấy Việt Nam có tỷ lệ thuê bao băng rộng (cả cố định và di động) tương đối tốt so với một số quốc gia trong khu vực (Thái Lan, Indonesia, Malaysia). Tỷ lệ các doanh nghiệp trực tuyến sử dụng thanh toán kỹ thuật số cũng ngang bằng với một số nước trong khu vực.
Tuy nhiên, bà Thủy cũng nhìn nhận môi trường kinh tế số của Việt Nam vẫn còn hạn chế. Cụ thể là tỷ lệ giao dịch kỹ thuật số của Việt Nam chỉ đạt 22%. Trong khi đó, ở Indonesia là 34% và Thái Lan là 62%. Đồng thời, tỷ lệ thanh toán online khi mua sắm trên internet của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực (chỉ đạt 10%) so với 49% của Indonesia và 52% của Malaysia.
Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ
Đại diện cho Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, TS Chử Đức Hoàng nhận định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được coi là một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về nâng cao năng lực, tổ chức hoạt động nghiên cứu và phát triển, trích lập quỹ phát triển, duy trì hệ sinh thái nhà trường - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp bền vững. Đặc biệt, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo rất cần nguồn hỗ trợ tài chính để nghiên cứu, phát triển.
“Thực tiễn các doanh nghiệp của Việt Nam gồm các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo rất cần nguồn tài trợ để nghiên cứu, phát triển, làm chủ và thương mại hóa công nghệ mới; cần được khuyến khích về cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý và hỗ trợ tín dụng (cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn) để hoạt động nghiên cứu, phát triển, đổi mới công nghệ”, ông Hoàng nói.
Theo ông Hoàng, 4 loại hình doanh nghiệp trên cần đồng thời cả sự tài trợ và hỗ trợ tín dụng từ nhà nước để làm chủ công nghệ mới, tích hợp các công nghệ để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất, phát triển công nghệ mới theo chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm quốc gia, sản phẩm công nghệ cao, ươm tạo công nghệ, phát triển công nghệ mới và mô hình kinh doanh.
TS Chử Đức Hoàng cũng nhận xét năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp so với thế giới. Doanh nghiệp còn hạn chế trong việc nhận thức về vai trò của công nghệ, đổi mới công nghệ, chưa có nhiều kinh nghiệm xây dựng, triển khai các đề tài, dự án đầu tư đổi mới công nghệ hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Do đó, việc hoàn thiện hồ sơ trong quá trình xét chọn, phê duyệt nhiệm vụ thường bị kéo dài, không đáp ứng được tiến độ thực hiện dự án của doanh nghiệp. Tiềm lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của đa số doanh nghiệp còn yếu; các chính sách thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa tạo tác động đủ lớn cho các tập đoàn, doanh nghiệp.
“Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc trích lập quỹ cũng như hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Với mức trích tối đa 10% thu nhập tính thuế, số trích lập quỹ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất thấp, không đủ để thực hiện các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong khi các nguồn vốn tín dụng, hỗ trợ tín dụng để bổ sung thêm lại không có, hoặc có lại khó tiếp cận”, ông Hoàng nêu, đồng thời cho biết sự đa dạng của hoạt động đổi mới, sáng tạo chưa được quy định, hướng dẫn cụ thể cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Các quy định pháp luật đã ban hành hướng dẫn nội dung chi cho hoạt động đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp mới chỉ tập trung cho hoạt động nghiên cứu và phát triển mà chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong hoạt động đổi mới sáng tạo. Chưa có nội dung chi cho đổi mới quy trình quản trị doanh nghiệp. Việc thực thi chính sách chưa được áp dụng đồng bộ và thống nhất trong cả nước…
"Các nhiệm vụ có hoạt động chuyển giao công nghệ, mua bí quyết công nghệ… gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện các quy định của Luật Đấu thầu đối với việc mua sắm tài sản, vì việc mua sắm liên quan đến công nghệ có sự khác biệt so với việc mua sắm các hàng hóa thông thường khác", ông Hoàng nói.