Nhật báo Sankei, Asahi cùng nhiều trang báo trong nước đồng loạt đưa tin về việc phát hiện một bức tường bằng đá thuộc di tích thành Yonago, tỉnh Tottori bị vẽ bậy. Theo đánh giá của dân mạng, có thể kẻ phá hoại là người Việt Nam.

Dòng chữ phá hoại khắc trên thành cổ Yonago ở Nhật, nghi do người Việt viết

tno | 05/11/2018, 12:24

Nhật báo Sankei, Asahi cùng nhiều trang báo trong nước đồng loạt đưa tin về việc phát hiện một bức tường bằng đá thuộc di tích thành Yonago, tỉnh Tottori bị vẽ bậy. Theo đánh giá của dân mạng, có thể kẻ phá hoại là người Việt Nam.

Cận cảnh phiến đá thuộc khu vực thành cổ Yonago bị du khách phá hoại hôm 26.10. Ảnh: Nhật báo Sankei

Các trang tin tức dẫn nội dung trong thông báo mới nhất của Ban quản lý văn hóa thuộc di tích thành cổ Yonago đăng tải ngày 30.10.

Theo đó, vào khoảng 16 giờ ngày 26.10, một nhân viên bộ phận văn hóa thành phố Yonago đã phát hiện các ký tự “A”, “HÀO” cùng hai ký hiệu hình ngôi sao và trái tim trên một phiến đá thuộc khu di tích. Các hình vẽ gây hư hỏng một diện tích có chiều dài 70cm và rộng 40cm.

Dựa vào đánh giá ban đầu từ ban quản lý, nhiều khả năng thủ phạm đã khắc lên bề mặt đá bằng một vật sắc nhọn. Mặc dù các trang báo chỉ đề cập rằng những hình vẽ bẩn đó được viết bằng các chữ cái latin nhưng sau khi dựa vào ảnh chụp phiến đá, nhiều cư dân mạng nhanh chóng khẳng định rằng đây là dòng chữ do một người Việt Nam tên Hào cố ý khắc lên

Giới chức địa phương cho biết sẽ tìm ra thủ phạm và xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Ảnh: Nhật báo Asahi

Hành động trên của du khách đến tham quan di tích lịch sử này bị lên án gay gắt vì sự thiếu ý thức, cố ý phá hoại di tích quốc gia. Bên cạnh đó, sự việc khiến giới chức Nhật Bản phải nhập cuộc để tìm ra kẻ phá hoại nhằm xử lý theo luật Bảo tồn Di sản văn hóa vốn rất được quản lý nghiêm ngặt tại nước này.

Cụ thể, đại diện của Ban quản lý thành cổ Yonago khẳng định: “Chúng tôi đang tham vấn thêm tại văn phòng Yonago về việc vi phạm luật Bảo tồn Di sản văn hóa đối với trường hợp nêu trên”.

Chính quyền thành phố Yonago cũng đang làm việc với Cơ quan Văn hóa về việc tìm biện pháp phục hồi nguyên trạng khu vực bị phá hoại đồng thời đưa ra một lời cảnh báo nghiêm khắc đến toàn bộ công dân Nhật Bản cũng như những du khách nước ngoài đến khu vực thăm quan.

“Tàn tích của thành cổ Yonago là một dấu ấn lịch sử quốc gia và cũng là một biểu tượng của chính thành phố này. Việc gây thiệt hại cho nó là không thể chấp nhận được”, thành viên bộ phận xúc tiến văn hóa thành phố Yonago nhấn mạnh.

Thành Yonago được xây dựng vào cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17 trên núi Minato-yama ở độ cao 90m thuộc trung tâm của thành phố Yonago, tỉnh Tottori. Khu vực này gồm một tháp canh 4 tầng được xây dựng vào năm 1591, tháp Tenshukaku (tòa tháp chính) 5 tầng được xây dựng vào năm 1601 cùng nhiều căn nhà của tầng lớp võ sĩ nối tiếp nhau, tất cả tạo nên một tòa thành danh tiếng ở Sanin thời bấy giờ. Trải qua nhiều biến động lịch sử, cuối cùng tòa thành Yanoga được bán cho gia tộc các võ sĩ vào năm 1869 rồi dần sụp đổ.

Hiện tại, kiến trúc tòa thành không còn đầy đủ nhưng các bức tường đá và những bệ đá vẫn còn được lưu giữ. Hàng trăm năm qua, di tích lịch sử này vẫn được người dân Nhật hết sức giữ gìn, bảo vệ và là địa điểm du lịch nổi tiếng của địa phương.

Theo TNO
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dòng chữ phá hoại khắc trên thành cổ Yonago ở Nhật, nghi do người Việt viết