Việc Trung Quốc tập trận lớn quanh Đài Loan khiến châu Á lo sợ gia tăng căng thẳng và nguy cơ bất ổn khu vực, thậm chí có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang.

Đông Á trước nguy cơ chạy đua vũ trang do Trung Quốc tập trận quanh Đài Loan

Bảo Vĩnh | 06/08/2022, 11:16

Việc Trung Quốc tập trận lớn quanh Đài Loan khiến châu Á lo sợ gia tăng căng thẳng và nguy cơ bất ổn khu vực, thậm chí có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang.

Tại Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN vừa diễn ra ở Campuchia, các ngoại trưởng thuộc Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã kêu gọi “kiềm chế tối đa” và cảnh báo các cuộc tập trận có thể dẫn đến “tính toán sai, đối đầu nghiêm trọng, xung đột mở và hậu quả khó lường giữa các cường quốc”.

china-drills-xinhua.jpg
Trung Quốc tập trận phóng tên lửa hôm 4.8 - Ảnh: Tân Hoa Xã

Trung Quốc đã tiến hành tập trận từ ngày 4 đến 7.8 ở 6 vùng biển quanh Đài Loan, sau chuyến thăm Đài Loan một ngày trước đó của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Chuyến thăm này khiến Trung Quốc phản ứng bởi Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ.

Ngày 4.8, các quan chức Nhật Bản cho biết 5 tên lửa Trung Quốc phóng đã rơi xuống vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật ở gần Okinawa, nơi có căn cứ quân sự Mỹ.

Bà Bonnie Glaser, Giám đốc Chương trình châu Á thuộc Cơ quan tư vấn German Marshall Fund nói: “Thực tế, Trung Quốc phóng 5 tên lửa vào EEZ của Nhật là một cảnh báo rõ ràng đối với Nhật - quốc gia đã lên tiếng ủng hộ Đài Loan. Thông điệp của Bắc Kinh gửi Tokyo là nếu có một cuộc khủng hoảng, Trung Quốc có khả năng tấn công Đài Loan và Nhật. Họ muốn Nhật phải chấm dứt can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc”.

Ngày 4.8, bà Pelosi đã gặp Thủ tướng Nhật Fumio Kishida, một ngày sau khi Nhật cùng với các nước G7 và Liên minh châu Âu đã đưa ra một tuyên bố chung kêu gọi Trung Quốc chấm dứt "các hành động quân sự khiêu khích" ở eo biển Đài Loan. 

Phản ứng lại, Bắc Kinh hủy một cuộc gặp đã lên kế hoạch giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị với người đồng nhiệm Nhật Yoshimasa Hayashi, khi các nhà ngoại giao cao cấp nhất Trung - Nhật tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á hôm 5.8.

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 4.8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Trung Quốc rất không hài lòng với tuyên bố của G7.

Ông Yoichi Shimada, giáo sư của Khoa Quan hệ quốc tế, Đại học Fukui (Nhật) nói với báo Đức Deutsche Welle rằng các hành động của hai nhà ngoại giao Nga - Trung không đem lại kết quả gì.

Nhật sẽ tăng chi quốc phòng

Tokyo biết rõ nếu xảy ra chiến tranh ở eo biển Đài Loan, có thể Trung Quốc tấn công Đài Loan, thì Nhật sẽ bị cuốn vào cuộc chiến này do gần về địa lý, cùng việc Mỹ có các căn cứ quân sự ở Okinawa và các vùng khác của Nhật.

Ông Akitoshi Miyashita, giáo sư về quan hệ quốc tế ở Đại học Quốc tế Tokyo nói hành xử khiêu khích của Trung Quốc đối với Đài Loan đã làm tăng căng thẳng, và trong tương lai gần, các nước trong khu vực có thể sẽ tăng chi quân sự.

Ông Miyashita nói với Deutsche Welle: “Các nước trong khu vực có thể chứng kiến những gì đang xảy ra ở Ukraine và họ sợ những điều tương tự có thể xảy ra ở Đài Loan. Điều này có nghĩa các chính phủ sẵn sàng tăng chi quốc phòng, sẵn sàng đối phó các thách thức an ninh và như thế có nghĩa là một cuộc chạy đua vũ trang”.

Ngày 4.8, báo chí Nhật đưa tin Bộ Quốc phòng Nhật sẽ đề xuất khoản chi quốc phòng kỷ lục 5,5 ngàn tỉ yen (41 tỉ USD) trong năm tài khóa 2023, mà đa phần khoản chi này dành cho các dự án không gian và an ninh mạng.

Nhật còn có các kế hoạch phát triển và triển khai các tên lửa chống hạm và phòng không thế hệ mới ở đảo Okinawa chỉ cách Đài Loan 749km.

Quân đội Nhật cũng sẽ đầu tư mạnh vào việc phát triển các máy bay tấn công không người lái thế hệ mới, thứ đã chứng tỏ giá trị ở chiến trường Ukraine.

Châu Á sẽ chạy đua vũ trang?

Giáo sư Shimada nói khoản chi quốc phòng của Nhật sẽ tiếp tục tăng, để đối phó các mối đe dọa, với tổng khoản chi có thể từ 1% GDP lên 2% GDP vào cuối thập niên này.

Có sự lo ngại việc Nhật tăng khoản chi quốc phòng sẽ kích động Trung Quốc sẽ thực hiện điều tương tự, và kéo theo cuộc chạy đua vũ trang ở Đài Loan, Triều Tiên, Hàn Quốc, Philippines, Việt Nam và các quốc gia khác đang vướng vào tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc.

Bà Glaser nói: “Người Nhật sẽ không để bị đe dọa, và mức độ lo ngại của Nhật về Trung Quốc nói chung phải cao như vậy, một phần là về các chính sách của Trung Quốc với Đài Loan. Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy Nhật sẵn sàng lên tiếng và chỉ trích Trung Quốc, ủng hộ Đài Loan và nhiều hành động hơn nữa”.

Bài liên quan
Trung Quốc tập trận bắn đạn thật gần Đài Loan
Một cuộc tập trận bắn đạn thật được Trung Quốc tổ chức vào ngày 30.7 gần đảo Bình Đàm (tỉnh Phúc Kiến) đối diện với Đài Loan.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
9 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đông Á trước nguy cơ chạy đua vũ trang do Trung Quốc tập trận quanh Đài Loan